Nghề nuôi ong - sinh kế của người dân Cao nguyên đá: Kỳ I - Nỗi niềm người nuôi ong nội

07:13, 12/10/2016

Trên vùng Cao nguyên đá, ngoài cây ngô, con bò thì con ong được xem là vật nuôi góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nghèo. Ở nơi chỉ có đá này, con ong lấy mật từ loài hoa dại nở duy nhất vào một mùa trong năm, tạo ra sản vật nổi tiếng cho vùng đất địa đầu Tổ quốc – mật ong Bạc hà. Đến nay, nuôi ong đã trở thành sinh kế của người dân nơi đây, nhưng câu chuyện về bảo vệ giống ong địa phương và thương hiệu mật ong Bạc hà vẫn còn nhiều... trăn trở.

[links()]

Từ nghề nuôi ong, gia đình anh Cháng Vảng Dình, thôn Sủa Cán Tỷ, xã Cán Tỷ có đời sống ổn định. Trong ảnh: Anh Dình kiểm tra tổ ong của gia đình.
Từ nghề nuôi ong, gia đình anh Cháng Vảng Dình, thôn Sủa Cán Tỷ, xã Cán Tỷ có đời sống ổn định. Trong ảnh: Anh Dình kiểm tra tổ ong của gia đình.

Kỳ I: Nỗi niềm người nuôi ong nội

Từ nhiều năm nay, không ít người dân ở 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đã biết cách nuôi ong để tăng thêm thu nhập. Có những người phải lăn lộn nhiều nơi để “tầm sư học đạo” nghề nuôi ong, cũng có những người “bén duyên” với con ong vì đam mê. Đối với người nuôi ong ở Cao nguyên đá Đồng Văn, mục tiêu chung của họ hướng đến chính là cuộc sống bớt đói nghèo.

Mưu sinh trên đất khó

Đến với Quản Bạ mùa này, trải dọc trên các sườn núi, dưới thung sâu, loài hoa cỏ kim (theo cách gọi của người dân) và hoa Bạc hà đang thời kỳ nở rộ, trở thành nguồn nguyên liệu quý đối với đàn ong địa phương. Vào thời điểm từ đầu tháng 9, nghề nuôi ong của người dân nơi đây bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Đã nhiều năm, gia đình anh Cháng Thìn Lù, thôn Thanh Long, xã Thanh Vân (Quản Bạ) gắn bó với nghề nuôi ong. Đến nay, được đánh giá là một trong những người đứng đầu cả tỉnh về kinh nghiệm nuôi ong, nhưng con đường chàng thanh niên Cháng Thìn Lù tìm đến con ong cũng lắm gian nan.

Anh kể, sau khi lấy vợ, được bố để lại cho gần 20 đàn ong nhưng chỉ sau hơn một năm, đàn ong thường xuyên bốc bay chỉ còn lại một nửa. Cuộc sống gia đình chủ yếu trông vào cây ngô và đàn ong nên đói, nghèo cứ thế đeo bám. Để tìm ra bí quyết nuôi ong, Lù đã đi nhiều nơi và bất cứ đâu có lớp tập huấn dạy nuôi ong Lù đều tham gia. “Nuôi con ong nhiều khi phải có duyên nhưng quan trọng nhất phải hiểu được tập tính của chúng. Ong nội nếu thiếu phấn hoa sẽ ngừng sinh sản và cắn lẫn nhau, dẫn tới số lượng ong suy giảm, dễ bốc bay. Vào mùa ít hoa phải có cách bổ sung thức ăn và giữ đàn ở vùng thời tiết ấm áp, tránh cho ong bị chết” – anh Lù chia sẻ. Hiện, gia đình anh nuôi 300 tổ ong, cho nguồn thu nhập ổn định. Năm nay mới ở tuổi 33 nhưng Cháng Thìn Lù đã có tới 14 năm kinh nghiệm nuôi ong. Không giữ bí quyết cho riêng mình, anh đã dạy nghề cho nhiều hộ nuôi ong ở xã Quyết Tiến, Đông Hà, Thanh Vân, Lùng Tám (Quản Bạ).

Đối với người dân ở xã Thanh Vân, nuôi ong giúp nhiều gia đình vươn lên thoát khỏi đói, nghèo và nay đã trở thành nghề thu hút nhiều người tham gia. Trước đây, gia đình anh Lý Đại Minh, thôn Thanh Long chỉ nuôi vài tổ ong, sau khi nhận thấy giá trị kinh từ nuôi ong, đã mạnh dạn vay tiền theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh mua thêm 60 tổ ong về nuôi. Tuy nhiên, theo nhận định của anh; năm nay, do số đàn ong trên địa bàn tăng nhanh nên số ong trong một tổ ít đi hẳn; tổ nhiều chỉ được 3 cầu ong. “Khổ nhất là con ong ngoại lai do người ở nơi khác đến đặt trong khu vực đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn ong địa phương chúng tôi. Đàn ong nội tầm vóc bé hơn, sức yếu hơn nên thường bị ong ngoại cắn hoặc tranh hết mật. Năm nay, mới quay mật lần đầu mà thấy chẳng được bao nhiêu, cứ tình trạng này đàn ong nội đứng trước nguy cơ bị hủy hoại ” – anh Minh trăn trở.

Nỗi lo từ đàn ong ngoại

Đối với những người nuôi ong nội trên vùng Cao nguyên đá, nỗi niềm trăn trở lớn nhất chính là việc một số người ở nơi khác đặt loại ong Ý, ong ngoại lai vào địa bàn, bởi theo người dân, loại ong này có sức cạnh tranh rất lớn về nguồn nguyên liệu, khiến cho đàn ong nội đứng trước nguy cơ bị suy giảm về số lượng. Đặc biệt, do đặc thù về khí hậu và thời điểm ra hoa, nên nghề nuôi ong chỉ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm, những tháng còn lại, người dân nơi đây chỉ biết trông vào cây ngô một vụ.

Mặc dù đã nhiều năm bám nghề nuôi ong nhưng năm nay, anh Cháng Vảng Dình, thôn Sủa Cán Tỷ, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) phải “cắn răng” bán đi hơn 30 tổ ong địa phương vì có một đàn ong ngoại lên tới vài trăm tổ đặt không xa địa điểm nuôi ong của gia đình. Anh cho biết, không chỉ riêng anh mà gần như toàn bộ người nuôi ong nơi đây đều có thể nhận biết con ong ngoại. “Ong ngoại có thân hình to hơn, dài hơn, màu vàng hơn ong nội. Nếu như ong nội chỉ lấy một phần phấn hoa ở cây thì ong ngoại có khả năng lấy hết phấn. Lúc nguồn phấn hoa bị cạn kiệt, ong ngoại bay vào tổ ong nội cắn chết ong nội để tranh mật, khiến cho tổ ong nội yếu thế phải bốc bay, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Vì thế, năm nay gia đình tôi nuôi 100 đàn nhưng phải bán đi 30 đàn vì sợ không đủ phấn hoa để giữ ong” – anh Dình buồn bã nói.

Không chỉ đối với người nuôi ong nội, ngay cả một số người dân không nuôi ong ở khu vực xã Đông Hà, Cán Tỷ, Lùng Tám cũng bị “ám ảnh” bởi đàn ong ngoại mỗi khi mùa lúa, mùa ngô trổ bông. Cả nhà có 4 miệng ăn trông vào một ít diện tích trồng ngô và hơn 2 sào lúa, nhưng mùa vụ năm 2015, gia đình anh Hoàng Trung Thắng, thôn Sang Phàng, xã Đông Hà (Quản Bạ) đã nghèo lại thêm đói khi ruộng lúa không thể kết hạt. Theo nghiên cứu, ong là côn trùng có ích, giúp tăng thụ phấn cho cây cối, hoa màu nhưng anh Thắng khẳng định, trong các vụ trước, cây lúa đều phát triển tốt, trong khi năm 2015, mưa thuận gió hòa nên chẳng có lý do gì để lúa mất mùa. “Mỗi một bông lúa có tới hàng chục con ong đậu chi chít, ngay cả hoa ngô cũng vậy. Không chỉ riêng gia đình tôi mà còn nhiều nhà khác cũng phản ánh về việc đó. Đến lúc thu hoạch thì cây lúa có hạt nhưng toàn hạt lép, cây ngô có bắp nhưng hạt chẳng có bao nhiêu” – anh Thắng cho biết.

Trên thực tế, đàn ong địa phương trên địa bàn Cao nguyên đá nói riêng hiện là loài ong mật cần được bảo tồn quỹ gen. Do đó, trong văn bản số 818/BNN-KHCN, ngày 16.4.2004 của Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, các Vườn Quốc gia không đưa các giống ong khác vào khu vực bảo tồn quỹ gen ong đang lưu giữ. Đây là cơ sở để những người nuôi ong nội đang hàng ngày mưu sinh trên đá tiếp tục phát triển đàn ong địa phương và khẳng định chất lượng mật ong Bạc hà.

KIM TIẾN

Kỳ II: Thương hiệu mật ong Bạc hà không thể bị "đánh cắp"


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội Hội SX&KD Mật ong Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2016 -2020

BHG- Sáng 16.7, tại hội trường lớn UBND huyện Mèo Vạc, Ban vận động thành lập Hội sản xuất và kinh doanh (SX&KD)  Mật ong Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2016 -2020. 

16/07/2016
Mùa mật ong Bạc hà trên Cao nguyên đá

BHG- Loài hoa mang tên Bạc hà tưởng chừng chỉ mang lại sự ấm áp cho những dãy núi đá xám xịt thêm sức sống giữa những ngày Đông lạnh, nhưng chính loài hoa ấy đã gây dựng nên thương hiệu "có một không hai" trên miền Cao nguyên đá – mật ong Bạc hà. Nghề nuôi ong lấy mật của người dân miền đá Mèo Vạc cùng với chỉ dẫn địa lý về sản vật này đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần XĐGN cho người dân nơi đây.

15/12/2015
Mật ong Bạc hà và cuộc mưu sinh trên "Bìa đỏ đá"

BHG- Nói đến con ong mật, chẳng người dân Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn nào lại không biết về loài ong bản địa và cây bạc hà. Mật ong bạc hà được chắt lọc từ CNĐ, nức tiếng tứ phương bởi giá trị dinh dưỡng và dược tính của nó. Nhiều du khách đến Miền đá đòi được đi xem, đi mua cho được thứ mật ong bạc hà. Mật ong bạc hà là nguồn sống cho biết bao hộ dân nghèo, tô điểm cho sắc mầu văn hóa trên CNĐ.

11/10/2016
Logo Mật ong bạc hà Mèo Vạc

Logo Mật ong bạc hà Mèo Vạc - sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

07/10/2016