Mật ong Bạc hà và cuộc mưu sinh trên "Bìa đỏ đá"

07:14, 11/10/2016

BHG- Nói đến con ong mật, chẳng người dân Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn nào lại không biết về loài ong bản địa và cây bạc hà. Mật ong bạc hà được chắt lọc từ CNĐ, nức tiếng tứ phương bởi giá trị dinh dưỡng và dược tính của nó. Nhiều du khách đến Miền đá đòi được đi xem, đi mua cho được thứ mật ong bạc hà. Mật ong bạc hà là nguồn sống cho biết bao hộ dân nghèo, tô điểm cho sắc mầu văn hóa trên CNĐ.

Mật ong Bạc hà là một sinh kế của đồng bào trên Cao nguyên đá Đồng Văn khắc nghiệt.
Mật ong Bạc hà là một sinh kế của đồng bào trên Cao nguyên đá Đồng Văn khắc nghiệt.

Hà Giang như nhiều người biết có những cái nhất cả nước, đó là vùng đất bước ra khỏi chiến tranh muộn nhất, có đông đồng bào Mông nhất, thiếu nước sinh hoạt nhất, nhiều đá và thiếu đất canh tác nhất... Trong những “cái nhất” đó, có những cái không địa phương nào muốn có như thiếu nước nhất, nhiều đá nhất... Thế đấy, đồng bào quê tôi gần 20 dân tộc anh em đã và đang phải gồng mình từ những “cái nhất” ấy để sinh tồn.

Con ong bản địa là thành quả của hành trình chinh phục đá. Người già ở bản vẫn kể chuyện xưa, để thuần phục bầy ong trong hang núi, có người còn phải bỏ mạng. Không phụ công người, đàn ong bản địa chăm chỉ, mải miết trên những nương Bạc hà, ngậm gió, sương Cao nguyên để mang về những giọt mật ngọt, thơm của đất trời.

Người bảo vệ ong, ong dựa vào người để sinh sôi, bám lấy đá mà sống. Tất cả như quên đi bao cực nhọc. Ở Miền đá trước đây người ta cứ sống, chẳng ai nghĩ dưới chân mình toàn đá là đá. Mãi đến khi có Công viên Địa chất toàn cầu CNĐ, bà con quê tôi mới ngoái nhìn lại và thấy rằng mình đang sống trên những “chiếc bìa đỏ đá”, khác hẳn cái bìa đỏ của đồng bào miền xuôi. Người Hà Giang kiên cường, lạc quan như vậy đấy.

Hãy thử nhìn, thử sờ, thử nghe, thử nếm để biết, CNĐ với ¾ là đá. Sớm mờ mắt, đồng bào được “chiêu đãi” món “đá” -“đá trước đá sau, rừng núi đá nuôi bao người khôn lớn”. Bao quanh mỗi ngôi nhà người Mông là bờ rào đá đầy dấu ấn lịch sử và văn hóa. Bước ra khỏi nhà lên nương, xuống chợ, trèo qua dốc chín khoanh, cũng không vượt khỏi đá. Lúc ngọt ngào nhất là khi trai gái thương nhau, chạm vào nhau cũng từ trong... rừng đá.

À hứ...! Từ tiếng ru hời đầu đời đến khi kết thúc cuộc sống thì người CNĐ vẫn “sống trên đá, chết nằm trong đá”. Thế nên cái bìa đỏ của người CNĐ phải được Nhà nước quản lí như “bìa đỏ đá” mới chuẩn. Dong duổi trên cõi đời nhấp nhô đá, mật ong Bạc hà pha rượu ngô ở quê tôi như tấm lòng để kết bạn, đãi khách quý, để nên chồng thành vợ. Hương vị ngất ngây ấy giúp cho người quê tôi sống quên đi nhọc nhằn để yêu nhau rồi sinh con đẻ cái, viết tiếp khúc tráng ca trên đá.

Con ong mật của CNĐ như được sinh ra từ chính cái bọc của đồng bào. Nó không chỉ đơn giản là sinh kế mà còn hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa rất quý báu ở CNĐ Hà Giang. Bởi vậy, có lẽ chỉ duy nhất Hà Giang mới có mật ong Bạc hà. Mật Bạc hà đã được chính quyền, người dân quan tâm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lí, để nó trở thành một hướng xóa đói, giảm nghèo cho bà con 4 huyện vùng CNĐ, nơi thuộc diện nghèo khó nhất của cả nước.

Nhận thấy cơ hội tốt, từ tỉnh, huyện, xã đều khuyến khích. Nhiều hộ dân được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn phát triển đàn ong; người dân CNĐ bảo vệ, giữ gìn những nơi có cây Bạc hà, thậm chí có nơi còn phải bỏ công ra gieo rải thêm hạt Bạc hà để có chỗ cho đàn ong lấy mật. Con ong được xác định là con để tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Vì thế những năm qua, đàn ong bản địa được nhân rộng, bà con hân hoan lắm.

Ong bản địa Cao nguyên đá đang nhẹ nhàng hút mật hoa Bạc hà. Ảnh: Kim Tiến
Ong bản địa Cao nguyên đá đang nhẹ nhàng hút mật hoa Bạc hà. Ảnh: Kim Tiến

Người vùng cao nuôi ong cũng biết cách ứng xử với thiên nhiên. Nhiều hộ dân chỉ nuôi từ 1 – 2 tổ, nhà “sang” cũng chỉ có răm bảy tổ ong. Cuối mùa com cóp lại cũng được răm ba triệu đồng, thế là có cái tiền mua phân bón, dư hơn là con heo giống để mở mang kinh tế, Tết về lũ trẻ có thêm cái áo ấm để mặc. Người vùng cao hiểu rằng, nếu tham lam mỗi nhà nuối đến mấy chục tổ ong thì riêng ong nhà mình thôi đã ăn đến tận cái gốc cây Bạc hà ở CNĐ rồi, chưa nói gì đến ong của những hộ khác. Người vùng cao sẵn sàng mang mật ong ra đãi khách, nhưng chắc sẽ không thể giữ mãi cây Bạc hà để đãi lũ lượt những bầy ong lạ không mời mà đến.

Thật buồn, đến lúc trời sinh voi, trời không sinh cỏ. Đó là khi có sự xuất hiện của những con ong ngoại lai hùng hổ kéo lên CNĐ. Nếu ai đi và thấm hiểu về CNĐ thì hình ảnh đó chẳng khác nào một sự “xâm lăng” cả về kinh tế lẫn truyền thống văn hóa ở vùng đất này. Chúng tôi đã từng chứng kiến những con ong ngoại lai (loài ong Ý) nuôi trong vùng, khi mà vóc dáng, sự hung dữ của đàn ong Ý hơn hẳn với sự nhẹ nhàng của ong bản địa thì những cái chết đã xảy ra trước cửa tổ ong bản địa. Nhiều xác ong nhỏ bé đáng thương rơi tả tơi sau những trận kịch chiến với bầy ong Ý to xác để giữ tổ, giữ mật của mình không bị cướp giật. Chứng kiến cảnh ấy, người vùng cao hiền lành, ít nói, họ rớm nước mắt nhìn ra phía xa, thấy một con ong khổng lồ bốn bánh, ống khói đen xì, chở đến sáu bảy chục tổ ong hung dữ mà than thở. Chẳng nhẽ đàn ong nhà mình sẽ phải... bay về trời hay sao!?.

Trong khi nghề nuôi ong mật bạc hà đang mở ra bát cơm, manh áo, góp phần kéo nhiều đứa trẻ nghèo đến trường thì sự xuất hiện hùng hục của những đàn ong ngoại lai hung dữ như một sự tham lam và bành trướng. Mỗi năm, biết bao lít mật từ CNĐ nghèo khó, khô cằn được những con “ong bốn bánh” khiêng về vùng xuôi. Những ông chủ chăn ong giống như những con gấu lớn liếm sạch sành sanh chút mật ngọt ở nơi nghèo khó nhất nước.

Mật ong ngoại lai đi xuôi nghiễm nhiên được đội lốt mật ong bạc hà. Người tiêu dùng không biết được rằng, mật ong Bạc hà phải do con ong bản địa đặc hữu cất kiếm muôn dặm, rồi được giữ ủ bởi những đôi cánh mỏng manh, cần mẫn. Nó thơm, trong và chất hơn hẳn cái thứ mật đục, ngậm bởi những con ong ngoại lai to đùng, được bồi bổ bằng nước đường, thuốc kháng sinh để đủ sức đi tranh giành mật hoa Bạc hà ở một nơi sương gió như CNĐ. Ở các xóm bản, bà con còn nghèo khó, đường đỏ còn không có mà ăn lấy đâu ra đường để mớm cho đàn ong làm mật. Mật ong Bạc hà CNĐ chứ danh sẽ đứng trước nguy cơ biến mất bởi sự “xâm lăng” của những giống ong ngoại lai. Nếu có còn thì đó chỉ là một thứ mật mượn danh đầy toan tính tính, lợi nhuận.

Mùa hoa Bạc hà đang về, nhưng mùa này những bông hoa tím đang chĩu xuống bởi sức nặng từ những bầy ong lạ. Biết rằng, hoa của đất trời chẳng thể cấm, bởi mặt trái tàn nhẫn của cơ chế thị trường. Nhưng có một điều đó là bát cơm, manh áo, là bản sắc văn hóa của đồng bào CNĐ thì lương tâm mỗi chúng ta cần phải suy ngẫm. Sống trên đá, bao đời đồng bào tôi đã nếm đủ đắng cay, làm phên dậu giữ đất, giữ làng, bản trước xâm lăng ngoại quốc. Áo của đồng bào tôi đã rách vì đá, vì vậy xin đừng làm nó rách thêm. Bà con vùng cao cần lắm những tấm lòng sẻ chia của người vùng xuôi và xin đừng vô cảm trước cuộc mưu sinh trên “Bìa đỏ đá”.  

Ký của: HUY TOÁN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội Hội SX&KD Mật ong Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2016 -2020

BHG- Sáng 16.7, tại hội trường lớn UBND huyện Mèo Vạc, Ban vận động thành lập Hội sản xuất và kinh doanh (SX&KD)  Mật ong Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2016 -2020. 

16/07/2016
Mùa mật ong Bạc hà trên Cao nguyên đá

BHG- Loài hoa mang tên Bạc hà tưởng chừng chỉ mang lại sự ấm áp cho những dãy núi đá xám xịt thêm sức sống giữa những ngày Đông lạnh, nhưng chính loài hoa ấy đã gây dựng nên thương hiệu "có một không hai" trên miền Cao nguyên đá – mật ong Bạc hà. Nghề nuôi ong lấy mật của người dân miền đá Mèo Vạc cùng với chỉ dẫn địa lý về sản vật này đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần XĐGN cho người dân nơi đây.

15/12/2015
Logo Mật ong bạc hà Mèo Vạc

Logo Mật ong bạc hà Mèo Vạc - sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

07/10/2016
Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý

Cục trưởng Cụ Sở hữu trí tuệ đã ký Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý

07/10/2016