Thrift Shop - Nét đẹp cũ trong thời đại mới
“Thời trang có thể phai tàn nhưng phong cách sẽ tồn tại mãi mãi” - YVES SAINT LAURENT.
Thế kỷ 21 chứng kiến rất nhiều xu hướng thời trang độc đáo và mới lạ. Giới mộ điệu đặc biệt ưa chuộng cách phối đồ tươi sáng, bắt mắt; những nhà mốt nổi tiếng biến tấu đa dạng với nhiều cách phối lớp, chú trọng vào những chi tiết hiện đại. Nhưng giữa những nét đẹp mang tính xu thế ấy, dấu ấn của quá khứ một lần nữa được khơi dậy và “cải biên” qua xu hướng Thrift Shop. Với cá tính thời trang ấn tượng, xu hướng Thrift Shop trở thành nguồn cảm hứng của các bạn trẻ với đam mê tìm về nét đẹp cổ điển trong thời trang đương đại.
Ảnh: Minh Thư |
Bóc tem: Thrift Shop là gì?
1. “Thrift Shop” - không đơn thuần chỉ là quần áo
Qua lăng kính chung của giới trẻ ngày nay, một bộ phận các bạn chưa có cái nhìn đúng về định nghĩa của trào lưu “Thrift Shop” đang thịnh hành. Chúng ta luôn nghĩ rằng đi “thrift đồ” đơn thuần chỉ là “mua quần áo cũ cho chủ nhân mới” nhưng thực chất, “thrift đồ” chưa bao giờ là một danh từ chỉ để dùng riêng cho lĩnh vực thời trang.
“Thrifting” không đơn giản chỉ là quần áo (Ảnh: Minh Thư) |
“Thrifting” nghĩa là bạn còn có thể mua được bất cứ thứ gì đã từng được sử dụng như tủ lạnh, máy giặt, máy sấy,.. miễn là chúng nằm trên kệ của các cửa hàng Thrift. Các món đồ được bán ở đây đều đã qua sử dụng nên tuổi thọ đã giảm đi đôi phần, thế nhưng chúng vẫn có thể tái sử dụng và phần nào đảm bảo được tính năng ban đầu của nó. Hơn hết các món đồ được bày bán ở Thrift Shop có giá cả hợp lý cho mọi tệp khách hàng, nhất là với đối tượng học sinh, sinh viên khi có nhu cầu sở hữu những món đồ "độc" hay những sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống nhưng tài chính còn hạn chế.
2. “Thrift Shop” khác với “Second-hand”
Đi cùng với sự hiểu nhầm của giới trẻ về việc Thrift Shop chỉ được gắn liền với ngành công nghiệp thời trang, khái niệm về Thrift Shop và Second-hand Store cũng thường bị nhầm lẫn là giống nhau hay thậm chí là một. Trên thực tế, Second-hand Store thường nghiêng về mục đích kinh doanh và lợi nhuận, còn Thrift Shop là nơi bán hàng chủ yếu vì mục đích từ thiện. Số tiền thu được sau khi bán đồ từ Thrift Shop sẽ được trích ra một phần để duy trì cửa hàng, tổng doanh thu còn lại sẽ được quyên góp cho các tổ chức tình nguyện, từ thiện hay phi lợi nhuận. Nói cách khác, mục đích kinh doanh của các chủ Thrift Shop thường sẽ mang tính nhân văn nhiều hơn thay vì xem trọng lợi nhuận.
Đóng dấu: Thrift Shop và người trẻ ở thế kỷ 21
Dòng chảy của ngành công nghiệp thời trang luôn thay đổi không ngừng, thành thử các mẫu quần áo dù vẫn còn mới đã vô ý trở thành các mẫu mã “lỗi mốt”, “hết thời”. Dẫu vậy, nhờ sự tiện lợi và tính thực tế của các Thrift Shop, những món đồ cũ không còn cần thiết có thể đến tay những người cần chúng, bất cứ ai cũng dễ dàng mua được nhiều bộ trang phục khác nhau với mức giá hợp lý.
1. Vẻ đẹp tiềm ẩn hấp dẫn giới trẻ
Nhà thiết kế thời trang Marc Jacobs đã từng nói: “Tôi luôn luôn tìm thấy vẻ đẹp trong những thứ kỳ lạ và không hoàn hảo”. Sở dĩ con người ngày nay luôn ưu tiên những món đồ mới với giá trị sử dụng còn vẹn nguyên, nhưng những món đồ “bước ra” từ Thrift Shop được cộp mác “kỳ lạ”, “không hoàn hảo”, “giản đơn” vẫn khiến các bạn trẻ hứng thú. Điều này cho thấy sức hút đến từ các món đồ “si” đã qua sử dụng. Vẻ đẹp tiềm ẩn của Thrift Shop đã giải mã lý do các bạn trẻ trót “yêu những điều không hoàn hảo” ấy!
Mong muốn khẳng định phong cách cá nhân thông qua những món đồ độc bản
Các mẫu mã đa dạng thường thấy tại các cửa hàng Thrift đồ (Ảnh: Khánh Linh) |
Một nét rất riêng của Thrift Shop đó là tính “độc” tồn tại trong từng món đồ. Ở mỗi cửa hiệu bán đồ cũ, chúng ta sẽ được gặp gỡ những phong cách thời trang vô cùng khác nhau. Nhờ những thiết kế lạ, các mẫu mã đa dạng, giới trẻ ngày nay dễ dàng tìm kiếm những bộ đồ đa chủng và thỏa sức sáng tạo cho mọi phong cách. Chị Hương, Founder của De Country - cửa hiệu bán đồ Thrift, chia sẻ: “Chị thích đồ Second-hand vì mình sẽ không thể tìm thấy những món khác giống y hệt. Nếu mình tìm thấy thì giống như mình và chúng thuộc về nhau. Chị nghĩ mọi người ngày càng thích khẳng định cá tính riêng nên đa phần sẽ hướng đến những sản phẩm độc bản như hàng thủ công vì chúng mang đậm tính cá nhân”. Bởi vậy, những món đồ hiện diện ở các Thrift Shop dẫu khác biệt nhưng chúng luôn kiên nhẫn, chờ đợi người chủ tương lai tình cờ tìm đến thay vì xuất hiện tràn lan như các mẫu mã đại trà đang có mặt trên thị trường.
Giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền
Không thể phủ nhận Thrift Shop là sự lựa chọn tối ưu cho các bạn trẻ muốn tìm kiếm phong cách riêng mà vẫn muốn “bảo vệ” túi tiền. Để sở hữu các món đồ được bày bán ở Thrift Shop, chúng ta chỉ cần chi một khoản rất tiết kiệm, thậm chí bằng 1/10 giá gốc trên thị trường. Sở dĩ những món đồ hiện hữu ở đây đều là đồ đã qua sử dụng, thế nên chúng được bán ra với mức giá vô cùng hợp lý, phù hợp với ví tiền của những người chưa có điều kiện tài chính dư dả. “Anh chọn kinh doanh cửa hàng Thrift Shop vì nó chất lượng mà giá cả vô cùng phải chăng. Ở đây có những món đồ hiệu khá có tiếng nhưng cũng chỉ bán ra với giá 100-200 nghìn đồng ”, anh Đạt, nhân viên của cửa hàng Bách hóa 26 - nơi bày bán những món đồ “si” với mức giá phải chăng - cho hay.
Trải nghiệm thú vị dành cho cả người mua lẫn người bán
Khoa học đã chứng minh, cơ thể chúng ta sản sinh ra hai loại hooc-môn là Oxytocin và Endorphins khiến con người trở nên hưng phấn hơn mỗi khi mua sắm. Cảm xúc này không đơn thuần chỉ hiện hữu ở những người mua hàng, chủ nhân của các Thrift Shop cũng mang trong mình sự hồi hộp mỗi khi nhận món hàng được gửi đến với những mục đích khác nhau. Bên cạnh những lần tự tay lựa chọn và kiểm duyệt những món hàng cũ, người chủ shop sẽ một lần được chứng kiến những cá tính khác nhau thể hiện qua các phong cách riêng của từng hiện vật. Họ sẽ không thể biết rằng trong lần tới ai sẽ là chủ nhân cho những món đồ này, ai sẽ là người tiếp theo “match” với phong cách độc đáo ấy.
2. Ý nghĩa đằng sau những món đồ được “di dời”
Là một “ổ cứng” lưu trữ những giá trị đã đi qua
Dòng chảy của thời trang luôn thay đổi qua từng thập kỷ, những giá trị tồn tại trên những món đồ cũ được lưu trữ sau bao nhiêu năm là minh chứng cho khái niệm: “Đường may làm nên một trang sử”. Một khi mang tính lưu trữ, những bộ trang phục sẽ không chỉ đơn thuần là một sản phẩm may mặc mà còn là lát cắt của thời đại khi đó.
Sở dĩ câu nói “Thời trang là một vòng lặp” của Fashion Blogger Trí Minh Lê, khiến các Thrift Shop từ đây trở thành “cuốn ký họa” ghi lại các phong cách đa dạng theo từng dấu mốc lịch sử. Cảm hứng thời trang của những thập niên 80s, 90s một lần nữa “hot rần rần” trở lại cũng chính là nhờ những xu hướng được tạo nên bởi các Second-hand Store và Thrift Shop. Nhờ những ấn phẩm vô cùng thời thượng nhưng vẫn mang đậm nét hoài cổ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, phong cách thời trang của các thập niên trước như: Y2K, Dark Academia, Vintage… được làm mới lại và một lần nữa nhanh chóng trở thành xu hướng trong thời đại ngày nay.
Nơi “dung thân” cho những món đồ bị quên lãng
Với tâm lý "không mua thì thiệt, mất món hời", không thể phủ nhận rằng thế hệ của chúng ta ngày nay đang có xu hướng mua sắm không kiểm soát. Những món đồ mới mua chưa chắc đã có thể mặc hết, còn những món đồ cũ vẫn “im lặng” hiện hữu cho đến khi chúng ta quên mất sự tồn tại của chúng trong tủ đồ.
Những mẫu mã đã nhuốm màu thời gian (Ảnh: Minh Thư) |
Bởi lẽ những người lựa chọn ghé thăm các cửa hàng Thrift Shop không phải vì họ không muốn chi tiêu cho những món đồ đắt giá. Nhiều người ưa chuộng đồ Thrift một phần cũng vì hợp túi tiền, nhưng cũng có rất nhiều người lại “thương” cái vẻ xưa cũ nhuốm màu thời gian của những món đồ ấy vì chỉ có chúng mới thể hiện được hết cá tính và con người của họ. Thrift Shop được tạo nên một phần cũng bởi những ý niệm sâu sắc ấy, trở thành “chốn dừng chân tạm thời” cho các món đồ đã lạc ra khỏi cuộc sống của một người. Nơi đây vừa trở thành điểm “giao thoa” cho cuộc đời của một món đồ giữa hai thế giới, vừa là một nơi để người chủ cũ gửi lại những món đồ ấy đến cho một người biết trân trọng và thực sự cần chúng hơn trong cuộc sống của họ.
“Màu xanh” cho trái đất và môi trường
Theo chia sẻ từ các chủ tiệm Thrift Shop, họ nhận thấy tệp khách hàng tới mua đồ chủ yếu bởi mong muốn tìm đến những món đồ mới lạ, đáp ứng được sở thích cá nhân với giá cả phải chăng. Vậy nhưng những sở thích ấy lại "vô tình" giúp các bạn trẻ tiến gần hơn đến một lối sống xanh, một phần đẩy lùi định kiến “thời trang gây ô nhiễm và tàn phá môi trường”. Nói cách khác, Thrift Shop chính là chuỗi cung ứng quần áo xanh tạo nên một trào lưu vừa tiết kiệm vừa “văn minh” cho giới trẻ thế kỷ 21, góp phần bảo vệ “màu xanh” cho môi trường.
Những món đồ độc đáo, mới lạ tại các chuỗi cửa hàng Thrift đồ (Ảnh: Khánh Linh) |
Dán nhãn: Ghé Thrift Shop, ta cần gì?
1. Các tips khi “lựa đồ” và “lên đồ” khi mua sắm
Lựa đồ:
#1. Điều quan trọng đầu tiên khi đến với một cửa hiệu Thrift Shop là bạn phải hiểu rõ về vóc dáng, cơ thể và phong cách cá nhân của mình. Một bộ đồ dẫu có độc lạ đến mấy nhưng không phù hợp thì chúng cũng không thể tôn lên nét đẹp của riêng. Trong khi đó những món đồ rẻ, đơn giản nhưng vừa vặn sẽ dễ giúp chúng ta ghi điểm hơn trong mắt người đối diện.
#2. Hiểu rõ về mặt hàng chuyên dụng của từng Thrift Shop sẽ khiến chúng ta dễ dàng hơn trong việc chọn lựa những món đồ ưng ý. Tùy vào mỗi cửa hiệu, chủ shop thường sẽ mở bán chuyên dụng về một mặt hàng nhất định. Ví như sẽ có những Thrift Shop chủ yếu sở hữu những mặt hàng như áo len, áo khoác, áo thun cộc tay,. và bên cạnh đó sẽ có những cửa hàng chuyên về các loại áo voan Nhật, áo voan Hàn..
#3. Kiểm tra lỗi mặt hàng trước khi “chốt” bất cứ sản phẩm nào là điều vô cùng quan trọng. Quần áo Second-hand sở hữu một mức giá hợp lý vì chúng không phải những món mới tinh còn nguyên tem mác, vậy nên chúng ta cần cân đối giá trị sử dụng của chúng về sau với mức giá cần bỏ ra trước khi bỏ túi mang về.
Hành khách nước ngoài ghé thăm Thrift Shop (Ảnh: Minh Thư) |
Lên đồ:
#1. Những bộ đồ có thiết kế dễ cởi mang màu sắc trung tính như be, kem, trắng.. là lựa chọn tốt khi đi mua đồ Second-hand. Những gam màu này thường dễ phối và có thể lựa chọn kết hợp chúng với những thứ bạn có sẵn làm trang phục mặc cho những ngày thường.
#2. Giặt giũ và phơi khô ngoài ánh nắng là một điều cần thiết trước khi chúng ta diện những “bộ đồ mới” ấy lên người. Quần áo Second-hand thường đã bám bụi vì lâu ngày không sử dụng đến, nguy cơ chứa nhiều vi khuẩn hay thậm chí cả những hóa chất tẩy rửa độc hại có thể tác động đến sức khỏe của chúng ta khi chúng tiếp xúc với da thịt.
#3. Bên cạnh những món đồ “si”, chúng ta cũng nên đầu tư một vài món phụ kiện “xịn”. Sử dụng phụ kiện cùng phong cách là một sự lựa chọn tuyệt vời mỗi khi chúng ta lên đồ. Những bộ đồ mới đi kèm một vài món trang sức cùng tông vừa có thể điểm xuyết thêm vẻ đẹp cho bộ cánh, vừa thể hiện được rõ nét tính cách đặc trưng của mỗi người.
2, Bản đồ Si: Các địa chỉ Thrift Shop thịnh hành
Thrift Shop luôn là sự lựa chọn hoàn hảo cho những người trẻ cá tính và phong cách. Vậy những store đồ Thrift dưới đây là những địa chỉ nhất định phải ghé thăm nếu như chúng ta muốn sắm cho mình một tủ đồ với những phong cách đa chủng:
Hình ảnh shop Lộn Xộn Clothing (Ảnh: Khánh Linh) |
Khánh Linh
Ý kiến bạn đọc