Người dày công với lĩnh vực quốc phòng - an ninh của QH
Tư lệnh Quân khu làm ĐBQH
Anh Đặng Quân Thụy kể: Khi Bộ Quốc phòng thông báo sẽ giới thiệu tôi ứng cử ĐBQH Khóa VIII, tôi rất ngỡ ngàng. Tôi nói trong Đảng ủy Quân khu II thế này: “Làm ĐBQH lớn lắm, tôi chỉ là cán bộ chiến trường thôi, chứ làm sao dám. Tôi cảm thấy hơi ngại. Nhưng Tổng cục Chính trị điện xuống bảo là giới thiệu đích danh tôi. Tổ chức đã giới thiệu thì tôi xin nhận”.
Cuộc bầu cử ĐBQH Khóa VIII, anh Đặng Quân Thụy ứng cử ở tỉnh Hoàng Liên Sơn (sau đó tách thành tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai). Anh Thụy tâm sự: “Mình là Tư lệnh Quân khu, nhiệm vụ chính là bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Vì thế mình muốn được sinh hoạt ở Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai”. Khi anh Thụy trình bày nguyện vọng ấy, lãnh đạo tỉnh Lào Cai rất hoan nghênh vì có ĐBQH là Tư lệnh Quân khu cùng với tỉnh lo vấn đề biên giới. Lên thăm tỉnh Lào Cai sau khi tách, Bí thư Tỉnh ủy nói với Đặng Quân Thụy: Đề nghị anh làm đại biểu ở các huyện giáp biên là Bát Xát, thị xã Lào Cai, Mường Khương và các huyện tuyến sau là Văn Bàn, Bảo Yên. Đấy là các huyện tuyến một và huyện tuyến hai có nhiều khó khăn. Bà con các dân tộc ở đó sẽ yên tâm vì được anh quan tâm giúp đỡ. “Trước kia làm quân sự là mình huy động dân, bây giờ là ĐBQH thì được sinh hoạt với dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ nhiều hơn. Sự kết hợp đó thật đáng mừng, vừa làm quân sự vừa tham gia củng cố chính quyền, nên rất hiệu quả”.
Một nhiệm vụ quan trọng của QH Khóa VIII là xây dựng Hiến pháp mới thay cho Hiến pháp năm 1980. Anh Đặng Quân Thụy là một trong những đại biểu đề xuất đưa vào Hiến pháp những vấn đề cơ bản về quốc phòng - an ninh (QP - AN) của đất nước. Trong quá trình thảo luận, cũng có ý kiến e ngại vì sợ lộ bí mật quốc gia, nhưng bài phát biểu sâu sắc của anh Thụy có sức thuyết phục và được các vị đại biểu tán thành. Anh Thụy phân tích: “Chúng ta nên hiểu đúng vấn đề, QH lo những vấn đề lớn về QP - AN, còn những vấn đề như kế hoạch tác chiến thì Bộ Quốc phòng phải lo, rồi có sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương nữa. Những vấn đề về chế độ đối với lực lượng vũ trang và chính sách hậu phương quân đội rất quan trọng, nhất thiết phải đưa vào Hiến pháp để làm cơ sở cho QH quyết định”.
Trung tướng Đặng Quân Thụy (bìa phải) thăm vườn rau của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa |
Đặt cơ sở cho hoạt động QP - AN
Khóa X, anh Đặng Quân Thụy tiếp tục trúng cử ĐBQH và được bầu làm Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Khóa II. Anh đã đề nghị QH có chính sách chăm lo nhiều hơn cho cựu chiến binh. Đến năm 2002 anh Thụy thay anh Trần Văn Quang làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Khóa III. Anh Thụy đã đề nghị QH đưa Pháp lệnh Cựu chiến binh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ QH thông qua là nền tảng cơ bản cho Hội Cựu chiến binh hoạt động. |
Anh Đặng Quân Thụy trúng cử ĐBQH Khóa VIII khi đang là Tư lệnh Quân khu II. Sang Khóa IX, anh được cử về công tác chuyên trách ở QH. Theo Luật Tổ chức QH, từ Khóa IX, QH có Ủy ban QP - AN, anh Đặng Quân Thụy được bầu làm Phó chủ tịch QH kiêm Chủ nhiệm Ủy ban. Anh Thụy kể: “Sang Khóa IX, tôi đinh ninh tiếp tục là ĐBQH kiêm nhiệm. Cũng không ai thông báo cho tôi về ứng cử làm Phó chủ tịch QH và Chủ nhiệm Ủy ban QP - AN. Được QH tín nhiệm rất mừng, nhưng cái lo là công việc và nhiệm vụ rất lớn, không biết bắt đầu từ cái gì đây!”.
Công việc QH khóa mới bộn bề. Đầu tiên là ổn định tổ chức, phân công các đồng chí trong Thường trực Ủy ban cho phù hợp với năng lực, sở trường để phát huy thế mạnh mỗi người. Việc tiếp theo, anh Đặng Quân Thụy bàn bạc với các đồng chí trong Ủy ban xây dựng Chương trình công tác của cả nhiệm kỳ, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch công tác cho những tháng còn lại của năm 1992 và năm 1993. Anh Thụy nói: “Một điểm hay của Quốc hội Khóa IX là Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban được trình bày chương trình hoạt động hằng năm trước QH, được QH thông qua thì bắt đầu triển khai”.
Trên cơ sở chương trình công tác, việc đầu tiên anh Thụy bàn trong Ủy ban là chế độ đối với sĩ quan, chiến sĩ. Vấn đề này rất quan trọng, vì bấy giờ người ta tập trung vào kinh tế nên giảm sự quan tâm đến chế độ đối với sĩ quan và chiến sĩ. “Chúng tôi bàn với nhau là phải đưa ra QH, nhưng đưa ra QH thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không đồng tình, bây giờ có đánh nhau gì nữa đâu mà các anh đòi gấp đôi, có lắm thì hệ số lương so với dân sự là 1,4 hoặc 1,6. Khi đưa ra bàn ở hội nghị của Ủy ban Thường vụ QH, chúng tôi kiên quyết bảo vệ, nhưng rồi nghĩ lại, nếu làm căng thì khó được thông qua, nên rút xuống 1,8, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đồng ý. Nhờ đó phụ cấp cho sĩ quan và chiến sĩ được bảo đảm, đời sống đỡ vất vả hơn”.
Vấn đề thứ hai mà anh Thụy quan tâm là chính sách với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trước đó đã được đề cập trong Sắc lệnh nhưng chưa hoàn chỉnh. Ở QH Khóa IX, Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ra đời và có những chính sách thỏa đáng. Trước đây các bà mẹ có ba con đều hy sinh mới được hưởng chính sách, nhưng theo Pháp lệnh, mẹ có một con duy nhất mà hy sinh cũng được công nhận là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và được quyền lợi suốt đời.
Vấn đề thứ ba là biển đảo. Anh Đặng Quân Thụy cùng các thành viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã ra thăm quần đảo Trường Sa, các đảo ở miền Trung và miền Nam, trước khi đóng góp ý kiến vào Nghị quyết của QH trong việc nước ta tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về biển năm 1982.
_________
* Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, nguyên Chủ nhiệm VPQH
http://www.daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc