Mỗi quyết sách là tương lai đất nước...
Cội nguồn sức mạnh ở nơi dân
Trong số 34 tác phẩm xuất sắc lọt vào vòng chung khảo cuộc thi báo chí 70 năm Quốc hội Việt Nam, Hội đồng giám khảo ấn tượng với loạt 5 bài với chủ đề: Tổng tuyển cử - dấu mốc lịch sử trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa của nhà báo Thanh Hà và nhóm phóng viên Báo Điện tử đại biểu nhân dân. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau 70 năm, dưới góc nhìn của người trẻ đương thời, kết hợp với ý kiến chia sẻ của các nhà sử học, nhà nghiên cứu, loạt bài đã khắc họa và lý giải thuyết phục về chặng khởi đầu của Quốc hội Việt Nam, Quốc hội trong bước đầu tiên đấu tranh quyết liệt, gian nan cho sự ra đời Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, đại diện bộ, ban, ngành dự lễ trao giải |
Ảnh: Duy Thông |
Rõ ràng, viết về một sự kiện lịch sử sau 70 năm, khi mà những nhân chứng trực tiếp tham gia vào khoảnh khắc lịch sử này hầu như không còn là một thách thức không hề nhỏ. Nếu không cẩn thận, rất có thể người viết sẽ rơi vào tình trạng kể lại lịch sử, liệt kê sự kiện… như nội dung của nhiều cuốn giáo trình lịch sử trên kệ sách. Vượt qua được lối mòn và cái bẫy đó, bằng lối diễn đạt giản dị, tư liệu lịch sử được phân tích một cách logic, thuyết phục, thông qua nhận định của các nhà nghiên cứu cũng như những minh định của bản thân, tác giả gửi đi thông điệp xuyên suốt: cội nguồn sức mạnh cách mạng chính ở nơi dân.
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong
Thanh Hà chia sẻ: “Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc khánh 2.9 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên 6.1.1946 bầu ra Quốc hội Việt Nam là giai đoạn dồn nén của lịch sử, sau thời gian dài chuẩn bị, chờ đợi. Ở đó, chứa đựng nhiều những bài học lịch sử quý giá, song loạt bài của chúng tôi đề cập đến chính là bài học về cội nguồn sức mạnh ở dân, khối đoàn kết toàn dân, dựa vào lực lượng ở nơi dân là biểu tượng sức mạnh dân tộc Việt Nam, chiến thắng mọi kẻ thù. Đó không chỉ là thông điệp của bài viết mà đó còn là bài học mà thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay luôn ghi nhớ, giữ gìn và coi đó là bài học nằm lòng trong quá trình công tác, cống hiến sau này”.
Tại Cuộc thi này, Báo Đại biểu Nhân dân còn đạt 2 giải B, 1 giải C và hai giải khuyến khích. Hai tác phẩm đạt giải B gồm tác phẩm "Nhìn lại Đại hội đồng IPU-66 và bản lĩnh Quốc hội Việt Nam" của tác giả Phạm Quốc Bảo và loạt bài “Bước ngoặt từ một nghị quyết” của tác giả Phạm Văn Hùng. Chùm bài có chủ đề “Quốc dân đại hội- Tiền thân của Quốc hội Việt Nam” của tác giả Bùi Ngọc Thanh đạt giải C.
"Nhìn lại Đại hội đồng IPU-66 và bản lĩnh Quốc hội Việt Nam" đưa lại cái nhìn xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội qua thắng lợi trong đấu tranh đối ngoại của nhân dân. Loạt bài “Bước ngoặt từ một nghị quyết” của tác giả Phạm Văn Hùng lại cho ta một cái nhìn cụ thể từ một quyết sách đến những chuyển biến tích cực trong đời sống thực tiễn. Với hai tác phẩm “Để cỗ xe vận hành thông suốt” của tác giả Lam Tâm; “Hòn than nợ công và sự nghiêm khắc của Quốc hội” của tác giả Hồng Loan đã lý giải những vấn đề thời sự nóng bỏng, những nghịch lý trong vận hành bộ máy nhà nước và sự đấu tranh tìm giải pháp cho những vấn đề cụ thể mà Quốc hội, cử tri quan tâm.
Giải thưởng chính là niềm tin yêu, tình cảm, sự đam mê của người làm báo dân cử, là sự khẳng định năng lực, tâm huyết của cán bộ, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân với tờ báo của cơ quan dân cử, của Quốc hội, là động lực để Báo làm tốt hơn vai trò cầu nối giữa Quốc hội với cử tri.
Báo chí - cầu nối Quốc hội với nhân dân
Báo chí đã, đang và ngày càng trở thành cầu nối quan trọng giữa Quốc hội với nhân dân. Theo Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: “Mối quan hệ khăng khít giữa báo chí với Quốc hội đã được thể hiện ngay từ những buổi đầu hình thành và phát triển của Quốc hội. Trong suốt chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội luôn có sự đồng hành và ủng hộ của các cơ quan báo chí. Tại mỗi kỳ họp Quốc hội, mỗi phiên họp UBTVQH luôn có hàng trăm cơ quan thông tấn, báo chí đến tham dự và đưa tin. Thông qua báo chí, người dân có thể nắm bắt được những thông tin cốt lõi, những nội dung cơ bản của các chính sách, quyết định mà Quốc hội đã ban hành, giúp Quốc hội gần gũi hơn với nhân dân”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trao quà cho các tác giả đoạt giải A | Ảnh: Duy Thông |
Con số 396 tác phẩm từ 44 cơ quan báo chí gửi về dự giải sau 3 tháng phát động cuộc thi chưa phải là nhiều, song đây là con số ý nghĩa bởi không chỉ các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương mà các cơ quan báo chí ở những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Lai Châu, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Cần Thơ cũng nhiệt tình gửi tác phẩm dự thi.
Đây là lần đầu tiên có một giải thưởng dành cho các nhà báo viết về đề tài Quốc hội ở cấp quốc gia, bởi thế, sự sôi nổi nhiệt tình tham gia giải thưởng là dịp để các nhà báo nhìn lại quá trình sáng tạo của mình, cũng như có thêm động lực để tiếp tục vững tâm, vững bút và có thêm nhiều tác phẩm báo chí hay về đề tài Quốc hội.
Nhà báo Hà Minh Huệ- đồng Trưởng ban tổ chức giải- nhận định: ghép tất cả các mảng tác phẩm dự giải có thể thấy rõ bức tranh tổng thể tái hiện đầy đủ Quốc hội Việt Nam sôi động, có trách nhiệm từ những ngày đầu thành lập với nhiều dấu ấn trong các giai đoạn quan trọng của tiến trình phát triển của đất nước, trong hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại, đặc biệt là sự kiện Quốc hội tổ chức thành công IPU 132.
Đánh giá cao Giải thưởng Báo chí 70 năm Quốc hội Việt Nam, Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc nhận định, đề tài liên quan đến Quốc hội là vô cùng phong phú. Đó có thể là bài báo khắc họa chân dung, nỗ lực và đóng góp của cá nhân ĐBQH. Đó có thể là đi vào hoạt động cụ thể của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội như một phiên giám sát, một phiên chất vấn, một hiện tượng xã hội cần được giám sát… Từ đó, cũng có thể thấy rằng trách nhiệm của Quốc hội đối với đất nước, nhân dân cũng phong phú. Kể từ tổng tuyển cử đến nay, hoạt động của Quốc hội với tư cách là biểu trưng cho thể chế dân chủ, đồng hành cùng lịch sử dân tộc, trải qua tất cả các thử thách, thăng trầm khác nhau. Với tiến trình đổi mới, vị thể của Quốc hội ngày càng được xác lập đúng với vai trò của mình trong cơ chế của xã hội dân chủ.
http://www.daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc