Luôn chủ động đổi mới và hội nhập
Bài 1: Một QH đổi mới
Việc làm là cần thiết, đòi hỏi phải cố gắng nhìn xuyên suốt 70 năm, một cách khách quan và trung thực, nhìn ta và nhìn ra thế giới, từ lúc mới thành lập, trải qua ba mươi năm chiến tranh cho tới ngày đất nước thống nhất, rồi đổi mới và hội nhập quốc tế. Có như thế mới có thể rút ra được những bài học quý cho QH và cho sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung.
Tôi được bầu và tham gia QH trong ba khóa IX, X, và XI, từ tháng 7 năm 1992 đến tháng 7 năm 2007. 15 năm, chỉ hơn 1/5 của khoảng thời gian 70 năm một ít, và cho dù từ năm 2008 đến nay tôi vẫn theo dõi hoạt động của QH, đóng góp của tôi vào công việc chung đầy ý nghĩa này chỉ là những nguyên liệu thô, nhiều lắm là những mảnh ghép, chân thật rút ra từ thực tế mà mình đã trải nghiệm.
Đường lối Đổi mới chính thức khai sinh từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, đến năm 2016 sẽ đúng tròn 30 năm. Đất nước đã thay da đổi thịt. Vị thế Việt Nam trên thế giới ngày càng chững chạc và Việt Nam được nhìn vào như là một điểm sáng về nhiều mặt. Đường lối Đổi mới chung đã tạo tiền đề cho QH đổi mới. Nhưng đó mới là điều kiện cần, mặc dù là nền móng, cơ bản. QH còn phải tự đổi mới mình và khi đó, QH sẽ mang lại những đóng góp vào công cuộc Đổi mới chung, từ đặc thù của mình, làm cho nó toàn diện, đầy đủ và vững chắc.
Năm 1992, năm tôi trúng cử ĐBQH Khóa IX, Đổi mới được 6 tuổi. Nhưng cũng là thời điểm ngay sau khi Liên Xô tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu lần lượt sụp đổ. Sự thay đổi thể chế chính trị ở các nước này đặt Việt Nam (đến lúc này vẫn còn bị bao vây cấm vận ngặt nghèo) trước muôn vàn khó khăn. Khó khăn nhưng cũng là thời cơ để QH vươn lên, cống hiến theo chức năng hiến định, cùng đất nước quyết tâm đi vào con đường Đổi mới.
Toàn cảnh kỳ họp thứ Mười, QH Khóa XIII tại phòng hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc Hội mới |
Ảnh: Duy Thông |
Tôi đi vào hoạt động nghị trường rất bỡ ngỡ vì chưa hề được chuẩn bị. Hành trang chỉ là vốn sống tích lũy được từ 20 năm nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học ở Pháp và ở trong nước, từ 12 năm quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, 8 năm phụ trách Chương trình Điều tra cơ bản tổng hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long, theo quyết định của Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp.
Nhưng may mắn cho tôi là đã manh nha những đổi mới từ QH.
Nếu trên bình diện cả nước, Đổi mới đã bắt đầu từ những hành động cụ thể, tưởng chừng nhỏ như Khoán 10, từ một kế hoạch tập trung “bể ra” 3 kế hoạch A, B, C những năm cuối thập niên 1970 ở TP Hồ Chí Minh, thí điểm quy nhu yếu phẩm vào lương ở Long An đầu những năm 1980... thì ở QH cũng vậy.
Câu chuyện Bà Sáu Trầu, ĐBQH tỉnh Cửu Long, tháng 12.1985 đã không đọc bài phát biểu đã nộp trước mà đề cập thẳng một vấn đề nóng lúc bấy giờ, quyết sách giá - lương - tiền, đã từng bước chấm dứt một thủ tục nhiều công đoạn, rất gò bó, trước khi được phát biểu.
Bắt đầu tranh luận với các thành viên Chính phủ, Tòa án NDTC, đã khơi luồng trở lại cho chất vấn tại hội trường.
Tiến hành giám sát trước khi có luật giám sát đã đưa vào quỹ đạo việc triển khai một trong ba chức năng của QH. Đó là những hành động nhỏ, cụ thể khác mà tôi đã trực tiếp tham gia.
Tuy nhiên, qua những gì đã trải nghiệm, theo tôi nghĩ, những thay đổi nhỏ chỉ dẫn đến đổi mới ở QH, và trở thành một quá trình không thể trở lui được khi nào những thay đổi đó đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri, phù hợp và để thực hiện chức năng nhiệm vụ của QH.
Một trải nghiệm thứ hai là Đổi mới là một quá trình liên tục. Đi chậm lại là đã kìm hãm sự phát triển.
Chất vấn tại hội trường hiện nay đã và đang trải qua nhiều bước. Nêu các vấn đề mà cử tri bức xúc là bước 1, không chấp nhận “hứa cho qua ải” là bước 2, và gần đây cả Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC có mặt để trả lời các câu hỏi của đại biểu QH là bước 3 (như Nghị viện ở hầu hết các nước đã làm từ lâu). Truyền hình và truyền thanh trực tiếp các phiên chất vấn là một bước phát triển của chất vấn và buộc công tác này phải mỗi ngày một tiến lên dưới sự giám sát của cử tri.
Bỏ phiếu tín nhiệm là một nội dung được quy định trong Hiến pháp 1992 sửa đổi 2001. Tuy hơn 10 năm sau mới thực hiện được, nhưng hoạt động này đã đánh dấu một bước trưởng thành của QH. Tôi nghĩ rằng mong muốn QH bỏ phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ và với hai mức độ tín nhiệm chắc chắn không sớm thì muộn, sẽ được thực hiện vì chỉ có lợi cho đất nước mà thôi, và phù hợp với nguyện vọng giám sát của cử tri đối với bộ máy nhà nước do mình bầu ra.
Trải nghiệm thứ ba của tôi là nếu đổi mới ở QH đã có bước khởi sắc trong ba thập niên qua đó là nhờ có đường lối Đổi mới chung, thì sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước sẽ chắp cánh cho QH đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.
ĐBQH các khóa IX, X, XI
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại
Ý kiến bạn đọc