Nghệ thuật sử dụng lực lượng trong Cách mạng Tháng Tám
Thành công trong Tổng khởi nghĩa vũ trang Cách mạng Tháng Tám đã đúc rút nhiều vấn đề về nghệ thuật quân sự...
Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên làm cuộc tổng khởi nghĩa, đập tan ách áp bức, bóc lột của phát xít Nhật và thực dân Pháp, lật đổ chế độ quân chủ phong kiến lạc hậu, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Đầu tháng 8-1945, điều kiện khách quan thuận lợi cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước đã chín muồi khi phát xít Nhật bị Hồng quân Liên Xô đánh bại ở Mãn Châu, chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Ở Đông Dương, binh lính Nhật hoang mang đến cực độ, chia rẽ và tê liệt, hơn 7 vạn quân Nhật đang chờ quân Đồng minh vào giải giáp.
Thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội. Ảnh tư liệu |
Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đứng trước tình thế tuyệt vọng. Ngày 12-8-1945, được tin Nhật gửi công hàm cho các nước Đồng minh đề nghị mở cuộc đàm phán ngừng bắn, chớp thời cơ đó, ngày 13-8-1945, Đảng ta triệu tập Hội nghị Trung ương ra Nghị quyết “phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc”.
Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, từ ngày 14 đến 28-8-1945, quân dân ở tất cả các địa phương trên khắp đất nước đã đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Thành công trong Tổng khởi nghĩa vũ trang Cách mạng Tháng Tám đã đúc rút nhiều vấn đề về nghệ thuật quân sự: Nghệ thuật xây dựng căn cứ địa cách mạng; nghệ thuật nắm thời cơ, tận dụng thời cơ phát động khởi nghĩa; nghệ thuật tổ chức khởi nghĩa từng phần; nghệ thuật phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc... Điển hình là nghệ thuật chuẩn bị, xây dựng và sử dụng lực lượng tiến hành khởi nghĩa.
Để tiến hành tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, từ ngày 1-12-1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị: Đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị rộng khắp, trên cơ sở đó tiến hành xây dựng LLVT nhân dân và bán vũ trang, tạo ra lực lượng to lớn, có sức mạnh tổng hợp cao, hơn hẳn đối phương.
Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, ta đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đông đảo lực lượng quần chúng tham gia khởi nghĩa, tạo cơ sở để LLVT từng bước phát triển rộng khắp ở các địa phương trên cả nước (nông thôn, đồng bằng, trung du, rừng núi và thành thị), quy mô ngày càng lớn mạnh. Khi thời cơ đến, ta bí mật huy động lực lượng lớn quần chúng của các tổ chức cứu quốc thuộc nội thành, ngoại thành, tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong bất ngờ, đồng loạt tung nhiều cờ đỏ sao vàng, kết hợp giành quyền, diễn thuyết, tuyên truyền về sự đầu hàng quân Đồng minh của Nhật và kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh.
Tại Hà Nội, sự kiện đó đã tác động mạnh mẽ đến đông đảo quần chúng nhân dân, là thời cơ chín muồi để từng dòng người (có các đội viên tự vệ chiến đấu dẫn đầu) cuồn cuộn từ Nhà hát Lớn qua các phố trung tâm, hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo bù nhìn”, “Việt Nam độc lập”... Hàng chục vạn nhân dân nội thành, ngoại thành xuống đường biểu dương lực lượng, với sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu lần lượt tiến công các cơ quan đầu não của địch, như: Phủ khâm sai Bắc Kỳ, sở mật thám, sở cảnh sát trung ương, sở bưu điện, trại bảo an binh...
Thực tiễn chứng minh, ngày 18-8-1945, cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đã bị Ủy ban Khởi nghĩa thành phố biến thành cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng tham gia ủng hộ cách mạng. Trước khí thế cách mạng của quần chúng dâng cao, chính quyền bù nhìn không dám chống cự, quân Nhật không dám can thiệp, tối 19-8-1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội hoàn toàn thắng lợi.
Xác định vai trò rất quan trọng của LLVT cách mạng trong bảo vệ, hỗ trợ lực lượng chính trị, quần chúng nổi dậy giành chính quyền, làm nòng cốt chiến đấu tiêu diệt quân địch, bảo vệ chính quyền cách mạng, Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) quyết định: Xây dựng các LLVT cách mạng, tổ chức các đội tự vệ, tiểu đội du kích cứu quốc tại các căn cứ địa cách mạng.
Kết quả, nhiều đội du kích được thành lập cùng với các LLVT rộng rãi của quần chúng trong các đoàn thể cứu quốc: Đội du kích Bắc Sơn (Lạng Sơn), du kích Nam Kỳ, Đội du kích Ba Tơ (Trung Kỳ), Đội du kích Pác Bó (Cao Bằng), Đội Cứu quốc quân, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân... Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh và Ủy ban Khởi nghĩa, các đơn vị giải phóng quân từ căn cứ địa Việt Bắc đến các chiến khu tổ chức tiến công địch, hậu thuẫn cho quần chúng đứng lên khởi nghĩa lật đổ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân ở các huyện, phủ, tỉnh lỵ.
Tại Việt Bắc, một đơn vị vũ trang chủ lực tiến về Thái Nguyên, phối hợp với nhân dân lập chính quyền cách mạng và tiến thẳng về Hà Nội. Các đơn vị giải phóng quân Cao Bằng, Hà Giang tiến đánh thị xã Cao Bằng, Hà Giang. Các đơn vị giải phóng quân Bắc Kạn tiến đánh thị xã Bắc Kạn... Tại miền Trung, từ Chiến khu Vĩnh Sơn (Quảng Ngãi), Đại đội du kích Phan Đình Phùng chia thành các cánh quân tiến công các đồn và giải phóng các huyện: Di Lăng, Sơn Hà, Bình Sơn, Sơn Tịnh.
Từ Chiến khu Núi Lớn, Đại đội du kích Hoàng Hoa Thám tiến đánh đồn Ba Tơ, Minh Long, giải phóng các huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ... Tại Nam Bộ, các đơn vị vũ trang địa phương phát triển nhanh chóng ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Sa Đéc... với tinh thần “Nam Kỳ khởi nghĩa” đã tích cực hỗ trợ cho lực lượng chính trị quần chúng tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền tại Sài Gòn và các tỉnh, huyện khắp miền Nam.
Tại Hà Nội, ngày 19-8-1945, được sự hỗ trợ của các đội tự vệ chiến đấu, nhân dân lần lượt chiếm các cơ quan đầu não của địch, như: Phủ khâm sai Bắc Kỳ, trại bảo an binh, phủ toàn quyền... Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi đánh dấu sự thành công của nghệ thuật sử dụng đồng thời cả tiến công của lực lượng quân sự với nổi dậy của lực lượng quần chúng, dưới sự chỉ huy của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và từng địa phương.
Trong đó, sự nổi dậy của lực lượng chính trị đóng vai trò quyết định, tiến hành mít tinh, biểu tình, bao vây các công sở, gây sức ép, kêu gọi địch đầu hàng, tuyên truyền thanh thế của cách mạng, thị uy biểu dương lực lượng. Lực lượng quân sự làm hậu thuẫn cho nổi dậy của quần chúng và sử dụng khi cần thiết để diệt ác, trừng trị kẻ ngoan cố.
Nghệ thuật xây dựng, phát triển, sử dụng lực lượng khởi nghĩa vũ trang trong Cách mạng tháng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị thời sự, là tài sản vô giá trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam. Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng ta tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển nghệ thuật xây dựng, phát triển, sử dụng lực lượng cách mạng lên một tầm cao mới; triệt để tận dụng thời cơ thuận lợi mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tạo ra, xây dựng và phát huy sức mạnh lực lượng đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần đánh bại hành động xâm lược vũ trang, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo Quân Đội Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc