Liên minh ba nước Đông Dương với Chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, nhân dân ba nước Đông Dương luôn phải đương đầu với các thế lực xâm lược lớn mạnh. Do điều kiện địa lý và lịch sử, nhân dân ba nước phải dựa vào nhau mới có đủ sức mạnh để chiến thắng kẻ thù chung.
Lịch sử đã chứng minh nhiều hành động mang tính chất liên minh chiến đấu, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa ba dân tộc. Song chỉ đến khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng của ba nước thì mối quan hệ này mới thực sự trở thành mối quan hệ chiến lược.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ sau này) cả ta và địch đều sớm nhận rõ Đông Dương là một chiến trường, trong đó Việt Nam luôn là chiến trường chính, Lào và Campuchia là hai chiến trường có vị trí chiến lược quan trọng. Muốn thôn tính nước này, kẻ thù phải khống chế, chia rẽ hai nước còn lại, tiến tới thôn tính cả Đông Dương, dựng nên bộ máy ngụy quyền tay sai, áp đặt ách thống trị lên cả ba nước.
Một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào. Ảnh: Tư liệu |
Trên chiến trường Đông Dương đã thực sự hình thành hai tuyến quan hệ đối địch nhau: Một bên là sự câu kết giữa bọn thực dân phản động Pháp được Mỹ tiếp tay với bọn tay sai bù nhìn, một bên là liên minh giữa các lực lượng kháng chiến, nhân dân ba dân tộc chống kẻ thù chung.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ tháng 9-1945 đến cuối năm 1946 nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia bắt đầu triển khai cuộc chiến đấu, đồng thời giúp đỡ nhau xây dựng lực lượng, chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Ở giai đoạn này, Việt Nam sớm đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng mối quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước.
Từ năm 1947 đến năm 1950, nhân dân Việt Nam vừa đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến, vừa hết lòng hết sức giúp đỡ nhân dân hai nước láng giềng. Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn vì lợi ích của bạn và lợi ích chung, tạo điều kiện để phong trào kháng chiến của bạn tự vươn lên, tự đảm nhiệm được yêu cầu chiến đấu và xây dựng lực lượng, giúp bạn là tự giúp mình.
Trong những năm 1951, 1952, 1953, sự nghiệp kháng chiến của ba dân tộc tiếp tục tiến lên, giành thêm nhiều thắng lợi trên các mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, đẩy kẻ thù xâm lược vào thế bị động về chiến lược, từng bước đánh bại âm mưu của chúng. Bước vào mùa Hè năm 1953, cục diện chiến tranh trên chiến trường Đông Dương đã có những chuyển biến quan trọng. Sau những thất bại liên tiếp ở Hòa Bình (cuối năm 1951 đầu năm 1952), Thượng Lào (mùa Xuân 1953), quân đội viễn chinh Pháp càng lâm vào tình thế khó khăn. Song bọn thực dân phản động Pháp được Mỹ tiếp sức vẫn cố mong tìm được một lối thoát danh dự bằng một thắng lợi quân sự trên chiến trường.
Chính trong bối cảnh đó, kế hoạch Navarre ra đời. Đó là một kế hoạch dựa trên nỗ lực cao nhất của Pháp và viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ, với sự đóng góp cao nhất về sức người, sức của của các chính phủ bù nhìn. Đó là một kế hoạch nguy hiểm nhằm cứu vãn thất bại của cả Pháp lẫn Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược, là một sự liên minh phản cách mạng giữa chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai phản động để chống lại nhân dân ba nước. Kế hoạch Navarre là thử thách gay go đối với liên minh đoàn kết chiến đấu của nhân dân Đông Dương.
Sau khi đánh giá và phân tích bản kế hoạch quân sự quan trọng của Pháp, ta đã có những chỉ đạo để đối phó. Trên mặt trận chính diện tấn công tiêu diệt quân địch đang đồn trú ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc, phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào giải phóng tỉnh Phong Xa Lỳ, phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào và bộ đội Campuchia đánh địch ở Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, mở rộng vùng giải phóng. Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 “bao gồm chiến trường toàn quốc và Việt - Miên - Lào”.
Như vậy trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, bằng các đòn tiến công trên các hướng chiến lược trên khắp các chiến trường Đông Dương, quân dân ba nước đã đoàn kết gắn bó, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, giành những thắng lợi hết sức to lớn.
Tuy đã rơi vào thế bị động đối phó trên khắp chiến trường Đông Dương, nhưng được Mỹ hà hơi tiếp sức, thực dân Pháp vẫn tăng cường xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có trong cuộc chiến tranh Đông Dương, với hy vọng biến tập đoàn cứ điểm này thành “cỗ máy nghiền thịt” chủ lực Việt Minh để giành lại thế chủ động đã mất. Điện Biên Phủ trở thành trung tâm đột xuất của kế hoạch Navarre, điều mà trước đó không chỉ Navarre mà cả giới hiếu chiến Pháp, Mỹ cũng không hề tính đến. Như vậy trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ phản ánh kết quả cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước diễn ra trong gần 9 năm liên tục, trước hết là kết quả của các đòn tiến công của liên minh nhân dân ba nước trong Đông Xuân 1953 - 1954.
Điện Biên Phủ không những là trận quyết chiến chiến lược của cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam mà còn là trận quyết chiến chiến lược của liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương. Trong khi quân dân Việt Nam tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân dân hai nước Lào và Campuchia anh em đẩy mạnh các hoạt động tác chiến phối hợp với Điện Biên Phủ, hỗ trợ, “chia lửa” với Điện Biên Phủ.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đánh bại những cố gắng chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của bọn đế quốc và liên minh giữa chủ nghĩa đế quốc với bọn tay sai phản động ở ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. “Điện Biên Phủ đã điểm tiếng chuông báo giờ chết của chủ nghĩa thực dân Pháp không những ở Việt Nam mà cả ở bộ phận còn lại trong khối thuộc địa của nó”.
Đối với ba nước Đông Dương, Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà “còn là thắng lợi của tình đoàn kết liên minh chiến đấu toàn diện giữa quân đội và nhân dân ba nước”.
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc