Đòn tiến công chiến lược ở Sài Gòn - Gia Định Xuân Mậu Thân 1968

16:15, 05/02/2024

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Sài Gòn-Gia Định là trọng điểm lớn nhất của đòn tiến công chiến lược.

Đây là nét đặc sắc về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, tài mưu lược của Đảng; biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh chiến đấu quật cường của quân và dân ta, thể hiện trên một số nội dung sau:

Một là, xác định hướng, mục tiêu táo bạo, bất ngờ và hình thức, phương pháp tiến công phù hợp. Trong các hoạt động tác chiến trước đây, ta thường chọn những nơi địch tương đối yếu ở các vùng nông thôn, đồng bằng và rừng núi làm mục tiêu tiến công chủ yếu. Lần này, ta chọn hướng tiến công chủ yếu là thành thị, nhất là các thành phố lớn, trong đó, Sài Gòn-Gia Định là hướng tiến công trọng điểm với những mục tiêu trọng yếu: Bộ Tổng Tham mưu, dinh Độc Lập, đài phát thanh, Đại sứ quán Mỹ, Bộ tư lệnh Hải quân, Biệt khu Thủ đô... Đánh vào các mục tiêu này sẽ gây tiếng vang, tác động đến cục diện chiến tranh, có lợi cho ta. Về hình thức và phương pháp tiến công, ta chọn phương thức tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt dưới nhiều hình thức, bằng nhiều lực lượng, trên các địa bàn chiến lược. Tại Sài Gòn-Gia Định, ta chia thành 6 phân khu, trong đó Phân khu 6 (các quận nội thành) tổ chức 3 cụm bảo vệ những mục tiêu được giao. Các Phân khu 1, 2, 3, 4 và 5 tổ chức thành những tiểu đoàn mũi nhọn, hình thành 5 mũi tiến công vào nội thành.

Quân Giải phóng, lực lượng biệt động, đặc công nhận nhiệm vụ và tuyên thệ trước giờ xuất kích Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Quân Giải phóng, lực lượng biệt động, đặc công nhận nhiệm vụ và tuyên thệ trước giờ xuất kích Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Ở vùng ven Sài Gòn, 3 sư đoàn 5, 7, 9 chủ lực Miền có nhiệm vụ đánh chặn, không cho địch cơ động ứng cứu nội thành. Chọn phương thức tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt dưới nhiều hình thức, bằng nhiều lực lượng, ta buộc địch phải căng kéo lực lượng đối phó ở khắp nơi. Điều này thể hiện nét sáng tạo độc đáo tư duy chiến lược của Đảng về chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn-Gia Định Xuân Mậu Thân 1968.

Hai là, sử dụng lực lượng tinh nhuệ đánh bất ngờ vào các cơ quan đầu não của bộ máy chiến tranh Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Để đạt mục tiêu chiến lược đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, Đảng ta chủ trương sử dụng một lực lượng đặc công, biệt động mạnh cùng lúc bất ngờ tiến công chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch. Theo kế hoạch, 2 giờ ngày 31-1-1968, các đơn vị đặc công, biệt động và các tiểu đoàn mũi nhọn trang bị gọn nhẹ, từ 5 hướng thọc sâu vào nội thành. Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ tư lệnh Hải quân, đài phát thanh-những nơi được coi là “bất khả xâm phạm” đều bị ta tiến công và đã giữ được một thời gian lâu hơn nhiều so với kế hoạch.

Phối hợp với biệt động, lực lượng vũ trang, bán vũ trang của các ban, ngành, đoàn thể (thanh niên, công đoàn, phụ vận...) đánh địch trên những đường phố Sài Gòn và phát động quần chúng nổi dậy, giành quyền làm chủ ở một số khu vực nội thành; đồng thời, lực lượng vũ trang các Phân khu 1, 2, 3, 4 và 5 ở vùng ven đô và lân cận tiến công đánh chiếm một số mục tiêu của địch. Ở vòng ngoài, Sư đoàn 9 tập kích Trung tâm huấn luyện Quang Trung, kiềm chế Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ ở Đồng Dù; Sư đoàn 5 tập kích sân bay Biên Hòa, khu kho Long Bình, sở chỉ huy bộ tư lệnh dã chiến Mỹ. Sư đoàn 7 đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn Mỹ ở Phú Giáo, kiềm chế Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ, không cho địch đưa lực lượng từ ngoài vào ứng cứu nội thành. Từ ngày 17 đến 24-2, ta tiếp tục tiến công, pháo kích vào sân bay Tân Sơn Nhất, trụ sở cơ quan viện trợ Mỹ, bộ tư lệnh quân dù, nha cảnh sát đô thành, Biệt khu Thủ đô, Trung tâm radar Phú Lâm... đồng thời đánh địch càn quét giải tỏa vùng ven, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Ba là, phát huy “thế trận lòng dân”, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tạo nguồn sức mạnh to lớn. “Thế trận lòng dân” ở Sài Gòn-Gia Định được triển khai cả diện rộng và chiều sâu. Toàn thành phố xây dựng được 19 “lõm chính trị”, “lõm căn cứ” gồm 325 gia đình công nhân và lao động trung kiên. Phối hợp với đòn tiến công quân sự, nhân dân Sài Gòn-Gia Định nổi dậy, giành quyền làm chủ, tạo thế trận hiểm hóc ở cả chính diện và sau lưng địch. Đây là chỗ dựa vững chắc để các đơn vị chủ lực ta đánh địch. Nhiều đơn vị chủ lực bí mật đứng vững tại cửa ngõ Sài Gòn bởi dựa vững chắc vào dân, vào các tổ chức đảng và cơ sở cách mạng địa phương. Nhân dân còn trực tiếp tham gia chiến đấu, tiếp tế lương thực, che chở và nuôi dưỡng bộ đội. Ở Củ Chi, nhân dân xã Nhuận Đức nhận nuôi 700 thương binh, nhân dân xã Bình Mỹ nuôi toàn bộ thương binh cánh quân đánh vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Trên cửa ngõ Tây Nam Sài Gòn, từng đợt 330-700 dân công nối tiếp nhau lên đường phục vụ bộ đội chiến đấu.

Xét tương quan lực lượng, địch hơn hẳn, ta khó có thể đánh tiêu diệt lớn quân địch. Đòn tiến công chiến lược đánh thẳng vào trung tâm đầu não chính trị, quân sự của địch trong nội thành Sài Gòn là quyết định sáng suốt, táo bạo của Đảng ta. Dù còn một số hạn chế nhưng việc xác định đúng hướng, mục tiêu, hình thức, phương pháp tiến công; sử dụng lực lượng đặc công, biệt động, lực lượng vũ trang tại chỗ và bộ đội chủ lực, phát huy “thế trận lòng dân” thể hiện nét đặc sắc về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong tác chiến ở Sài Gòn-Gia Định Xuân Mậu Thân 1968. Ngày nay, những nét đặc sắc ấy vẫn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Quân đội Nhân dân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại tướng Đoàn Khuê - Nhà quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam

Đại tướng Đoàn Khuê-nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, có uy tín lớn của Quân đội ta. Đồng chí không chỉ là cán bộ chính trị mẫu mực, tài năng mà còn là người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, có nhiều cống hiến to lớn đối với cách mạng Việt Nam.

30/10/2023
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 / 1-1-2024): Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - tấm gương người cộng sản kiên trung

Trong hơn 30 năm hoạt động cách mạng, được Đảng, Quân đội giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trên nhiều cương vị trọng yếu, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt nhất, không ngừng cống hiến, hy sinh trọn đời cho lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cuộc đời hoạt động cách mạng hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại cho các thế hệ sau một tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên trung mẫu mực.

27/12/2023
Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh, liệt sĩ
Thương binh - Liệt sỹ là những người đã hy sinh, cống hiến cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho sự trường tồn, phát triển của đất nước. Cuộc đời, sự nghiệp của họ là biểu tượng cao đẹp của tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng. Tưởng nhớ, tri ân và thực thi tốt chính sách với Thương binh - Liệt sỹ và người có công với cách mạng không chỉ thể hiện đạo lý uống nước, nhớ nguồn mà góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực cho quá trình phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh hiện nay.
25/07/2023
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách với người có công
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách với người có công, Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như thực hiện công cuộc đổi mới luôn dành những điều kiện tốt nhất nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người có công và thân nhân của người có công với cách mạng.
25/07/2023