Tấm tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

19:50, 18/12/2023

Tại Di tích Chiến thắng đồn Phai Khắt ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng-nơi ghi dấu chiến công đánh thắng trận đầu vào ngày 25-12-1944 của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam)-hiện trưng bày nhiều hiện vật giá trị, trong đó có những trang viết thể hiện sâu sắc tấm tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với ông Nông Văn Lạc, cán bộ lão thành cách mạng.

Ông Đào Văn Mùi, Giám đốc Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng đi cùng đoàn với chúng tôi giới thiệu: “Đồn Phai Khắt của quân Pháp vốn là nhà của gia đình ông Nông Văn Lạc. Ngôi nhà xây dựng từ năm 1940, sau đó bị quân Pháp chiếm dụng làm đồn, gia đình ông Lạc gồm bà nội, bố mẹ ông Lạc cùng vợ và em dâu, các cháu nhỏ bị quân giặc đuổi đi. Do vậy, khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chọn đồn Phai Khắt để đánh trận đầu, ông Lạc là người tham gia trinh sát, nắm địch, góp phần vào chiến thắng. Khi đất nước hòa bình, phục vụ công tác bảo tồn lịch sử, giáo dục truyền thống, gia đình ông Nông Văn Lạc đã hiến ngôi nhà để xây dựng thành Nhà trưng bày Chiến thắng đồn Phai Khắt. Do vậy, trong nhà trưng bày có nhiều hiện vật gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Nông Văn Lạc và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Ông Nông Văn Lạc, tên khai sinh là Nông Văn Phùng, người dân tộc Tày, quê ở xóm Phai Khắt, xã Tam Kim (Nguyên Bình, Cao Bằng), sinh ngày 1-1-1914. Ông có nhiều năm hoạt động cách mạng cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp và được đồng chí Võ Nguyên Giáp giới thiệu, kết nạp Đảng ngày 30-6-1942. Từ khi đi theo cách mạng, ông Nông Văn Lạc luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, cách mạng giao. Ông là đại biểu Quốc hội, Ủy viên dự khuyết Thường trực Quốc hội khóa I và giữ nhiều trọng trách ở địa phương. Với những đóng góp to lớn, ông Nông Văn Lạc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Bằng có công với nước, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng năm 2009).

Ông Nông Văn lạc (thứ ba, từ phải sang) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu
Ông Nông Văn Lạc (thứ ba, từ phải sang) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Ngày 26-5-1998, ông Nông Văn Lạc từ trần, thọ 85 tuổi. Trong thư gửi Ban lễ tang ông Nông Văn Lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Anh Lạc là người đảng viên trung kiên, người cán bộ lãnh đạo xuất sắc, suốt đời phục vụ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, đặc biệt là trong sự nghiệp xây dựng căn cứ địa Việt Bắc dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ”...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn viết: “Đối với tôi, anh là người cán bộ dân tộc thân thiết và gần gũi nhất, cùng sát cánh hoạt động, xây dựng căn cứ Tam Kim từ những ngày đầu đấu tranh hào hùng và gian khổ”.

Qua trang viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho thấy: Ông Nông Văn Lạc có cống hiến lớn trong việc xây dựng các xã an toàn, các châu an toàn ở Cao Bằng và Bắc Kạn, có công lớn trong những ngày đầu xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân theo chỉ thị của Bác Hồ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định, ông Nông Văn Lạc là người “trực tiếp tham gia chuẩn bị và tiến hành hai cuộc chiến đấu thắng lợi đầu tiên, hai trận Phai Khắt và Nà Ngần và các chiến thắng tiếp theo”...

Theo giới thiệu của ông Đào Văn Mùi, trong gần 3 năm anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) hoạt động tại Nguyên Bình, đến khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, ông Nông Văn Lạc luôn gắn bó với anh Văn như hình với bóng. Ông Lạc và gia đình đã nhiều lần bảo vệ, giúp đồng chí Võ Nguyên Giáp thoát khỏi sự vây ráp của kẻ địch. Ông Nông Văn Lạc là người được anh Văn giao chuẩn bị nơi ăn nghỉ cho học viên lớp huấn luyện đầu tiên của liên xã Kim Mã, Tam Lộng tại hang Thẳm Khẩu, khu rừng Rong Bó sau làng Phai Khắt vào khoảng tháng 3-1942. Cũng chính đồng chí Võ Nguyên Giáp giao cho ông tìm địa điểm và làm công tác chuẩn bị cho Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tháng 12-1944.

Những năm tháng hoạt động cách mạng cùng ông Nông Văn Lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Sẽ không bao giờ quên những giờ phút hiểm nguy đã cùng nhau vượt qua, những giờ phút thắng lợi cùng nhau chia sẻ”...

Theo Nguyệt san Báo Quân đội Nhân dân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại tướng Đoàn Khuê - Nhà quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam

Đại tướng Đoàn Khuê-nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, có uy tín lớn của Quân đội ta. Đồng chí không chỉ là cán bộ chính trị mẫu mực, tài năng mà còn là người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, có nhiều cống hiến to lớn đối với cách mạng Việt Nam.

30/10/2023
112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Người về mang tới những mùa Xuân
Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville, rời bến cảng Nhà Rồng, khởi đầu một cuộc hành trình tìm đường cứu nước kéo dài suốt 30 năm, để rồi sau đó đã mang về ánh sáng tự do cho dân tộc.
30/05/2023
Những giá trị của Đại thắng lịch sử mùa Xuân 1975 mãi mãi bất diệt!
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân 1975 được nhận định là một mốc son chói lọi nhất của dân tộc; không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, hòa bình cho đất nước mà còn có ý nghĩa và tầm vóc thời đại.
29/04/2023
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách với người có công
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan tâm, chăm lo thực hiện chính sách với người có công, Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như thực hiện công cuộc đổi mới luôn dành những điều kiện tốt nhất nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người có công và thân nhân của người có công với cách mạng.
25/07/2023