Đồng chí Trần Đăng Ninh với cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn
“Với cương vị Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ được Đảng phân công lên Bắc Sơn trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, đồng chí Trần Đăng Ninh đã có đóng góp xuất sắc trong việc duy trì Khởi nghĩa Bắc Sơn và xây dựng đội quân du kích làm vốn quân sự cho việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng sau này”(1).
Đồng chí Trần Đăng Ninh tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng, sinh năm 1910, tại thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Năm 1930, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng; năm 1936 được kết nạp Đảng, lấy bí danh là Trần Đăng Ninh; năm 1939 là Ủy viên Thành ủy Hà Nội và năm 1940 là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ...
Khoảng 20 giờ ngày 27-9-1940, nắm bắt thời cơ thuận lợi khi quân Pháp thua quân Nhật ở Lạng Sơn, rút chạy qua Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên, cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, khoảng 600 tự vệ và quần chúng cách mạng tiến đánh đồn Mỏ Nhài, làm chủ châu lỵ Bắc Sơn. Khi cuộc khởi nghĩa đang lan rộng thì Nhật thỏa hiệp, tạo điều kiện cho Pháp tập trung lực lượng quay trở lại tiến đánh Bắc Sơn, chiếm lại đồn Mỏ Nhài và châu lỵ, rồi đẩy mạnh càn quét, đốt phá các làng bản, bắt bớ, tàn sát, khủng bố nhân dân hòng dập tắt cuộc khởi nghĩa.
Đầu tháng 10-1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ họp hội nghị (mở rộng), quyết định một số vấn đề quan trọng, trong đó cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên Bắc Sơn cùng đảng bộ địa phương lãnh đạo đấu tranh, duy trì khởi nghĩa, tổ chức đội du kích và xây dựng khu căn cứ Bắc Sơn. Lên đến Bắc Sơn, sau khi kiểm tra nắm tình hình, ngày 14-10-1940, đồng chí Trần Đăng Ninh liền triệu tập hội nghị gồm cán bộ, đảng viên cốt cán của Bắc Sơn ở làng Sa Khao, xã Vũ Lăng (Bắc Sơn). Hội nghị quyết định: “Một là, tập trung đảng viên và một số quần chúng tích cực, vận động nhân dân thu nhặt vũ khí để thành lập Đội du kích Bắc Sơn. Hai là, xây dựng vùng Nà Tấu (xã Ngư Viễn), Sa Khao, Mỏ Tát, Bản Ne, Nam Nhi (xã Vũ Lăng) thành khu căn cứ du kích Bắc Sơn. Ba là, giải tán chính quyền địch, thu bằng triện của bọn kỳ hào, tiêu diệt bọn mật thám, tịch thu tài sản của bọn tay sai, phản động đem chia cho dân nghèo. Bốn là, tích trữ lương thực để chiến đấu lâu dài, tổ chức mít tinh diễn thuyết, kêu gọi quần chúng ủng hộ cách mạng, ủng hội Đội du kích Bắc Sơn”(2).
Tiếp đó, ngày 16-10-1940, tại hội nghị ở làng Đon Úy (xã Vũ Lăng), đồng chí Trần Đăng Ninh thay mặt Ban chỉ đạo khu căn cứ nêu rõ đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật của Đảng và đề ra một số nhiệm vụ cấp bách của Bắc Sơn là tổ chức đội du kích, xây dựng căn cứ địa, đấu tranh chống địch khủng bố và phát triển phong trào cách mạng. Đon Úy được chọn làm cơ sở bí mật của Ban chỉ đạo khu căn cứ và cũng là trung tâm Khởi nghĩa Bắc Sơn.
Chân dung đồng chí Trần Đăng Ninh (1910-1955). |
Thực hiện nghị quyết hội nghị tại Đon Úy, cùng ngày 16-10-1940, đơn vị du kích đầu tiên ở châu Bắc Sơn được tổ chức gồm 20 chiến sĩ, trang bị một số súng trường, súng kíp và dao găm. Nhiệm vụ của đội là tiến hành vũ trang tuyên truyền (hồi đó gọi là vũ trang công tác), giải thích chính sách của đoàn thể, diệt trừ phản động đầu sỏ ở địa phương. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp là đồng chí Trần Đăng Ninh, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng du kích Bắc Sơn tăng lên gần 200 người, tổ chức thành các tiểu đội, mỗi tiểu đội hơn 10 người. Đây là đội ngũ gồm “những chiến sĩ có thể đánh du kích, có luyện tập, nhưng không thoát ly sản xuất. Lúc có việc thì thành đội du kích, khi bình thường vẫn sinh hoạt như dân thường”(3). Vũ khí của đội có khoảng 20 súng trường và hơn 100 súng kíp, còn lại là dao găm.
Phong trào cách mạng Bắc Sơn được củng cố và phát triển. Đội du kích Bắc Sơn tích cực tham gia vũ trang tuyên truyền, vận động quần chúng, tổ chức diệt trừ các phần tử phản động, làm tay sai cho Pháp, tịch thu tài sản của nhà giàu, địa chủ gian ác chia cho dân nghèo. Đặc biệt, ngày 25-10-1940, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Đăng Ninh, đội du kích tổ chức trận đánh ở Trường Vũ Lăng, buộc lực lượng địch tại đây phải bỏ chạy. Thắng lợi của trận đánh gây tiếng vang lớn, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh, động viên quần chúng tham gia xây dựng lực lượng cách mạng.
Phát huy thắng lợi, đồng chí Trần Đăng Ninh chỉ huy đội du kích tiến đánh đồn Mỏ Nhài, do tên Bourdieu, Đồn trưởng đồn Đình Cả đến thay thế làm đồn trưởng và Tri châu Hoàng Văn Sỹ chỉ huy hơn 100 lính khố xanh và lính dõng trấn giữ. Quân du kích tổ chức hai lần đánh đồn nhưng đều hoãn lại, một lần do hành quân chậm, tới nơi thì trời sáng; một lần địch biết trước nên đã chuẩn bị đối phó. Nhận thấy nếu cứ đánh sẽ không bảo đảm chắc thắng, đồng chí Trần Đăng Ninh quyết định rút quân du kích về khu căn cứ chấn chỉnh lực lượng.
Du kích tham gia cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn. Ảnh tư liệu |
Nhằm phát huy khí thế cách mạng, ngày 28-10-1940, đồng chí Trần Đăng Ninh và Ban chỉ huy khu căn cứ tổ chức cuộc tuần hành lớn, thu hút hàng nghìn đồng bào cùng đội du kích đến Trường Vũ Lăng dự mít tinh. Đồng chí Trần Đăng Ninh thay mặt Ban chỉ đạo phát biểu nêu rõ tình hình Pháp bại trận, đầu hàng Đức ở chính quốc, đầu hàng Nhật ở Đông Dương, vạch rõ âm mưu và dã tâm cướp nước của phát xít Nhật, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến; kêu gọi nhân dân ủng hộ cách mạng và kêu gọi thanh niên hăng hái tham gia Đội du kích Bắc Sơn để đánh Pháp, đuổi Nhật. Giữa lúc đó, Bourdieu được mật báo, đưa quân từ đồn Mỏ Nhài đến bao vây Trường Vũ Lăng. Các chiến sĩ du kích nhanh chóng nổ súng để nhân dân chạy thoát, rồi rút đi các ngả. Giặc Pháp điên cuồng khủng bố nhân dân trong vùng.
Trước tình hình đó, ngày 29-10-1940, đồng chí Trần Đăng Ninh triệu tập cuộc họp các đồng chí đảng viên trung kiên ở Nà Pán (xã Vũ Lăng). Sau khi hội nghị thảo luận, đồng chí Trần Đăng Ninh kết luận: “1.Rút toàn bộ lực lượng quân du kích cùng các đảng viên và quần chúng tích cực đã bị lộ vào sâu trong rừng, duy trì lực lượng hoạt động bí mật. 2.Đối với những đảng viên và du kích chưa bị lộ thì bám sát quần chúng, giữ vững cơ sở cách mạng. 3.Khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tích trữ lương thực và các thứ cần thiết khác để chống địch khủng bố”(4). Sau hội nghị, ngày 30-10-1940, đồng chí Trần Đăng Ninh bàn giao công việc cho Ban chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn rồi trở về báo cáo, xin chỉ thị của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ để có sự chỉ đạo kịp thời đối với phong trào cách mạng Bắc Sơn.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP
(1) “Khởi nghĩa Bắc Sơn với sự nghiệp cách mạng Việt Nam - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm”, NXB Thông tấn (TTXVN), H.2010, tr.366.
(2) “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Bắc Sơn (1930-1954)”, 1990, tập 1, tr.72.
(3) Văn kiện Đảng 1930-1945, tập III, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, 1978, tr.280.
(4). “Danh nhân quân sự Việt Nam”, tập 5, NXB Quân đội nhân dân, H.2014, tr.184.
Tag(s): Trần Đăng Ninhkhởi nghĩaBắc Sơn
Theo Nguyệt san Báo Quân đội Nhân dân
Ý kiến bạn đọc