Đẩy mạnh xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh
BHG - Công tác tuyên truyền là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, có nhiệm vụ phổ biến, truyền bá hệ tư tưởng, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân. Cùng với các công cụ, phương tiện tuyên truyền khác, tuyên truyền miệng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần truyền bá sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là sợi dây nối Đảng với Nhân dân, Nhà nước với công dân, Trung ương, địa phương với cơ sở, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tuyên truyền là đem lại một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân làm”.
Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng chỉ rõ: Toàn Đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mà trực tiếp tuyên truyền cho quần chúng; phải tăng cường lãnh đạo và đổi mới công tác tuyên truyền miệng, trong đó báo cáo viên, tuyên truyền viên là bộ phận quan trọng nhất; Đại hội XIII , BCH Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới…
Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Phạm Văn Tú quán triệt các nội dung tại hội nghị báo cáo viên cấp huyện. |
Những năm qua Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền. Đặc biệt, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15.10.2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, tỉnh đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng. Trong đó, xác định rõ lực lượng nòng cốt là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp trong tỉnh. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có gần 5.000 báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng, cụ thể: Báo cáo viên Trung ương của tỉnh 5 đồng chí; báo cáo viên cấp tỉnh 41 đồng chí; báo cáo viên cấp huyện và tương đương có 364 đồng chí và 4.221 tuyên truyền viên cơ sở. Cơ cấu thành phần, số lượng báo cáo viên cấp tỉnh, huyện và tương đương thực hiện theo đúng quy định của Trung ương, 100% báo cáo viên có trình độ đại học và sau đại học; đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt cấp xã, phường, thị trấn được lựa chọn từ các thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị của địa phương đảm bảo các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, có tính đại diện cho thành phần dân tộc, địa phương, khu vực sinh sống và hoạt động dưới sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền. Để đảm bảo tính chỉ đạo, định hướng thông tin, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã có nhiều đổi mới trong việc thông tin đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về tình hình thời sự quốc tế, trong nước; phổ biến, giải thích các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách lớn, mới ban hành, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Trong hoạt động, đội ngũ báo cáo viên các cấp luôn chấp hành và thực hiện tốt quy chế hoạt động, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, cung cấp thông tin trong nội bộ Đảng; chủ động nghiên cứu tài liệu, cập nhật thông tin. Nhiều báo cáo viên có phương pháp truyền đạt dễ hiểu, hấp dẫn, nội dung thông tin mang tính thời sự, có liên hệ sát với tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị, qua đó đã tạo được uy tín và hấp dẫn người nghe; nhiều báo cáo viên đã chủ động áp dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền miệng thông qua các trang thiết bị hỗ trợ, kỹ thuật trình chiếu với hình ảnh, âm thanh sinh động, dễ hiểu, tạo thêm sự hứng thú cho người nghe, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của tuyên truyền miệng.
Để làm tốt hơn công tác tuyên truyền, thời gian tới cấp ủy các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau: Thường xuyên đổi mới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu về vai trò, vị trí, chức năng của hoạt động tuyên truyền miệng. Coi tuyên truyền miệng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, qua đó kịp thời định hướng thông tin, phát hiện và xử lý những thông tin sai lệch; phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; chủ động kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên của cấp mình đảm bảo cơ cấu, số lượng hợp lý và bồi dưỡng nâng cao chất lượng tuyên truyền viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng... Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị phải được thực hiện ngay trong nội bộ Đảng và trong Nhân dân. Đảng ủy xã, phường, thị trấn chỉ đạo lựa chọn và ra quyết định thành lập lực lượng nòng cốt tuyên truyền ở thôn, tổ dân phố đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn. Hàng năm, Ban Tuyên giáo các cấp chủ động tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền miệng. Nội dung tuyên truyền cần bao hàm một cơ cấu thông tin hợp lý, cân đối, phù hợp giữa thông tin chính trị, thông tin kinh tế với thông tin văn hóa, khoa học - kỹ thuật; giữa thông tin về các vấn đề trong nước với các vấn đề quốc tế; giữa vấn đề toàn quốc với nhiệm vụ chính trị của địa phương, từng cơ sở...
Bài, ảnh: Hoàng Quân (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc