Tư tưởng Hồ Chí Minh dân là gốc
BHG - Hồ Chí Minh khẳng định “dân là gốc”. Người nói: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. Dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước để tồn tại và phát triển là nhờ biết “trọng dân”. Dân là gốc chứ không phải “lấy dân làm gốc”, chính dân là gốc, nên “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Vai trò sức mạnh của Nhân dân càng được phát huy, nhân lên gấp bội khi được tập hợp để kết thành lực lượng hùng hậu, một khối thống nhất. Theo Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì quý bằng sức mạnh đoàn kết của Nhân dân”. Người đã đặt Nhân dân ở vị trí trung tâm trong xã hội, so sánh cùng trời đất và xác định không có gì quý bằng Nhân dân, mạnh bằng Nhân dân, không có gì chống lại được dân chúng: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại được”. Từ nguyên lý “dân là gốc”, Người đi đến kết luận: “Có dân là có tất cả, mất dân là mất hết”.
Từ quan điểm chiến lược, đến những mong muốn thiết thực cụ thể của dân đều là mục tiêu cách mạng của Hồ Chí Minh. Có thể nói, toàn bộ sự nghiệp cách mạng, mục tiêu để đấu tranh lý tưởng để giành được, để đem đến đó là Nhân dân, cốt lõi là độc lập dân tộc, Nhân dân tự do, đồng bào hạnh phúc. Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, dân luôn là mục tiêu, là động lực. Ở mỗi giai đoạn có những phong trào khác nhau, các phong trào được tổ chức thành công đều nhờ vào sự đóng góp rất lớn và hiệu quả của Nhân dân. Khi chưa giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Người Đông Dương dấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”, Người đã nắm bắt được thời cơ đó để tập hợp toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh, đoàn kết đứng lên giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau khi giành được độc lập, xây dựng Nhà nước mới, Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền lợi đều của dân. Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước của dân là Nhà nước dân là chủ và dân làm chủ thì: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại cho dân ta phải hết sức tránh”; “Chính phủ từ toàn quốc cho đến làng đều là công bộc của dân, chứ không phải để đè đầu dân”. Nhiều lần Người nhấn mạnh: “Dân làm chủ và dân là chủ nên cán bộ từ Trung ương đến cơ sở đều là công bộc, là đầy tớ của dân”.
Nhà nước vì dân, của dân là Nhà nước có đội ngũ cán bộ từ người đứng đầu đến công chức bình thường đều là công bộc, đều là đầy tớ của dân chứ không phải “làm quan cách mạng, để cưỡi đầu cưỡi cổ dân”. Tư tưởng “dân là gốc”, quan điểm “trọng dân”, chính quyền vì dân phục vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng hiện nay cần được quán triệt và vận dụng tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn chú trọng và đã từng bước hoàn thiện chính quyền vì Nhân dân phục vụ. Giai đoạn từ 2021-2030, Đảng đã định hướng: “Xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”. Hệ thống hành chính Nhà nước đã và đang tiếp tục sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ và công chức được đào tạo ngày càng bài bản, có năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc, có tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp ngày càng cao, qua đó phục vụ Nhân dân ngày một hiệu quả hơn. Công tác quản lý cán bộ, công chức được quan tâm đúng mức như giảm được một số cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, tinh giản biên chế, cải tiến chất lượng hội họp, áp dụng công nghệ số… Tuy vậy, việc xây dựng nền hành chính vì Nhân dân phục vụ vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế: Phân cấp, phân quyền chưa hợp lý, gây phiền hà, sách nhiễu; kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan Nhà nước chưa đi vào thực chất; tình trạng “lạm quyền”, “cậy quyền”, “quan liêu, hách dịch”, “hành dân”… còn phổ biến.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, việc xây dựng chính quyền vì Nhân dân phục vụ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là vô cùng quan trọng. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. “Tổ chức một cách có hiệu quả, thực chất việc Nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ”. Muốn xây dựng được chính quyền vì dân thì phải động viên, khuyến khích Nhân dân sử dụng quyền công dân và làm trọn nghĩa vụ công dân. Không ngừng nâng cao dân trí, giáo dục ý thức chính trị của Nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động của Nhà nước.
Phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của Nhân dân. Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ quyền và trách nhiệm của Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Mặt trận Tổ quốc của các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; động viên Nhân dân tham gia phong trào kinh tế; quản lý và tự quản xã hội, phát triển và thụ hưởng văn hóa cộng đồng; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân. Công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết, phản hồi, ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực của bộ máy Nhà nước, của cán bộ, đảng viên, công chức như quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm “lợi ích nhóm”…
Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức thật sự là công bộc của dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân, như điều Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Giáo dục bồi dưỡng về phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức để họ thực sự chuyên nghiệp, công tâm, trung thực từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn, phù hợp với vị trí việc làm, nhất là đối với người đứng đầu.
Đội ngũ cán bộ, công chức phải gần dân, lắng nghe, khơi dậy, động viên nhân dân phát huy dân chủ và tiếp thu, phản hồi ý kiến của Nhân dân. Để từ đó, vừa nắm bắt tâm tư, tình cảm của dân, vừa điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nền công vụ liêm, chính, trọng dân. Sự nghiệp đổi mới được vận hành trong cơ chế thị trường định hướng XHCN đã và đang đi vào cuộc sống, mang lại những thành tựu to lớn, toàn diện nhưng cũng xuất hiện nhiều mặt tiêu cực. Vấn đề nổi lên là làm sao để quyền lực của dân được thực thi một cách đầy đủ, thực chất và hiệu quả nhất. Tất cả các chủ thể trong xã hội quan hệ đến quyền lực đều phải thực sự liêm chính, chí công, vô tư với những giá trị liêm sỉ đích thực, có trách nhiệm và khả năng tự phê bình, tự quản lý, tự phát hiện, tự điều chỉnh với tư cách những người được Đảng và dân giao quyền thực thi công vụ nhằm mục tiêu xây dựng xã hội phát triển vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.
Đặng Duy Báu
Ý kiến bạn đọc