Lĩnh vực kinh tế
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 5 năm 2015 - 2020 trên các lĩnh vực cụ thể
1- Ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, gắn với hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch. Trong đó:
- Đẩy nhanh việc thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo mô hình chuỗi có sự tham gia của “Bốn nhà” nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng triển khai thực hiện chương trình phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo.
- Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch phát triển các vùng sản xuất chuyên canh các cây trồng có thế mạnh, các loại rừng; cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là phát triển các cây, con chủ lực.
- Tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng ở những nơi có điều kiện. - Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, dự án phát triển dược liệu. Xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển bền vững các vùng nguyên liệu trên cơ sở liên kết chặt chẽ sản xuất, chế biến, tiêu thụ với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.
- Tập trung phát triển một số sản phẩm có thế mạnh theo chuỗi giá trị và tiêu chuẩn VietGAP, như: Chè, cam, cây dược liệu, trâu, bò, ong... Mở rộng vùng sản xuất rau quả an toàn và diện tích cây vụ đông ở nơi có điều kiện phù hợp; quy hoạch, phát triển cây tam giác mạch và sản phẩm chế biến từ tam giác mạch phục vụ du lịch. Chuyển đổi một phần diện tích trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cỏ chăn nuôi, cây dược liệu và các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.
- Tập trung cải tạo nâng cao chất lượng giống trâu, bò, tăng số lượng gia súc sinh sản trong tổng đàn. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản ở nơi có điều kiện thuận lợi; bảo vệ, phát triển và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản ở các lòng hồ thủy điện.
- Đẩy mạnh phát triển vốn rừng kết hợp với khai thác hợp lý tài nguyên rừng, đất rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Tiếp tục tăng cường công tác khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc rừng hiện có, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ xung yếu. Quy hoạch và bảo đảm vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn; thực hiện chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, vườn tạp sang trồng rừng sản xuất; trồng rừng cảnh quan để phát triển du lịch; chủ động các biện pháp phòng, chống cháy rừng, khai thác, buôn bán, tàng trữ lâm sản trái phép.
- Chú trọng lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ ngân sách, với thực hiện xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí Quốc gia; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đảm bảo đồng bộ, ưu tiên các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc để góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khôi phục, phát triển thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, cân đối nguồn lực, xác định sản phẩm đặc thù của tỉnh để ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
(Còn nữa)
BTV (Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc