Ứng dụng kho bạc điện tử ở Vị Xuyên
BHG - Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh luôn chú trọng cải cách hành chính, nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin giúp các tổ chức, cá nhân thuận tiện trong giao dịch. Nổi bật là KBNN huyện Vị Xuyên đã triển khai đồng bộ hóa, áp dụng hệ thống kho bạc điện tử (KBĐT) vào thực tiễn, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng phục vụ chiếm được lòng tin của các đơn vị trên địa bàn.
Nhờ thực hiện ứng dụng kho bạc điện tử, khách hàng đến giao dịch trực tiếp tại bộ phận một cửa kho bạc huyện giảm. |
KBNN huyện đã thực hiện thành công ứng dụng KBĐT tại 180 đơn vị trên địa bàn, ngoài các ngành lực lượng vũ trang như quốc phòng, an ninh có chế độ bảo mật riêng. KBNN huyện đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, bổ sung kiến thức về các bước sử dụng nghiệp vụ thành thạo, để trực tiếp tham gia thực hiện giao dịch trực tuyến qua ứng dụng KBĐT; giúp việc giao nhận chứng từ được nhanh chóng, thông suốt; làm thay đổi nhận thức của các đơn vị đối với KBNN huyện trong việc kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN), các quy trình kiểm soát hồ sơ được công khai, minh bạch, có thông báo trực tiếp trên phần mềm hệ thống như: Đã tiếp nhận, thời gian, kiểm duyệt, trả lỗi, từ chối thanh toán… Thời gian chuyển tải hồ sơ của đơn vị đến KBNN huyện qua ứng dụng chỉ cần 2 – 5 phút là đã hoàn thành, rút ngắn được thời gian, khoảng cách địa lý, tránh phải đi lại nhiều lần; tiết kiệm được nhiều chi phí về giấy in, hóa đơn, chứng từ lưu 3 – 5 liên,… Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, Nguyễn Thị Tuyên cho biết: Trước đây, phải ký hồ sơ trên giấy, tốn nhiều văn phòng phẩm của đơn vị, kế toán thường xuyên phải xuống trực tiếp KBNN huyện nhiều lần để chuyển chứng từ, mất nhiều thời gian đi lại. Khi ứng dụng KBĐT được triển khai, áp dụng vào công việc giao dịch qua trực tuyến nhanh gọn, chính xác. Chủ tài khoản được cấp chữ ký số, ký duyệt trên máy tính có kết nối internet rất thuận tiện, mang lại tiện ích hữu hiệu, tăng năng suất, hiệu quả trong công việc. Kế toán cũng không phải di chuyển nhiều, khi có trục trặc, thiếu sót chứng từ, chỉ cần làm việc ngay tại trụ sở xã là có thể khắc phục, bổ sung ngay những thông tin, dữ liệu còn thiếu, đẩy lên hệ thống KBĐT nhanh chóng, bảo mật an toàn.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung, kế toán UBND xã Minh Tân tâm sự: Tôi thấy ứng dụng KBĐT rất hữu ích; hàng tháng, tôi phải thực hiện các khoản chi lương, tiền điện, công vụ đều thực hiện qua giao dịch KBĐT rất nhanh chóng, chính xác tuyệt đối. Nếu kế toán có thiếu xót thông tin hồ sơ chứng từ sẽ được KBNN huyện trả lại ngay trên hệ thống, để bổ sung kịp thời; không phải di chuyển nhiều lần như trước...
Ứng dụng KBĐT không chỉ mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho đơn vị sử dụng, mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KBNN huyện. Thông qua ứng dụng đã giảm thiểu được các giao dịch chứng từ trực tiếp, giúp đạt hiệu quả cao trong công việc, hoạt động của KBNN huyện được minh bạch, công tâm, phục vụ người dân, doanh nghiệp, đơn vị sẽ tốt hơn nữa; các hồ sơ đều được xử lý nhanh chóng vào cuối ngày, không để tình trạng, tồn đọng hồ sơ. Từ khi ứng dụng KBĐT được triển khai tại KBNN huyện rất ít khách hàng đến giao dịch trực tiếp.
Giám đốc KBNN huyện Vị Xuyên, Trương Thị Hoa cho biết: Từ khi triển khai ứng dụng KBĐT đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đơn giản hóa quy trình kiểm soát NSNN qua KBNN, giúp cho các hoạt động diễn ra công khai, minh bạch, phục vụ các đơn vị ngày càng tốt hơn. Hiện nay, khi dịch bệnh Covid – 19 đang diễn ra phức tạp, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân, việc thực hiện các giao dịch qua KBĐT giúp giảm thiểu được tình trạng lây lan dịch bệnh ngoài cộng đồng; giúp đơn vị hoàn thành mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. KBĐT giúp đơn vị thu nộp vào NSNN các khoản tiền theo quy định và phát triển kinh tế của địa phương. Trong thời gian tới, triển khai ứng dụng cảnh báo rủi ro cho kế toán và chủ tài khoản trên điện thoại thông minh, khi đơn vị gửi hồ sơ qua KBĐT sẽ nhận được tin nhắn phản hồi, truy số tiền dư còn lại trong tài khoản, các dịch vụ công cảnh báo rủi ro không mất phí hàng tháng, nhanh chóng, chính xác; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mở thêm các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các kế toán thuộc các đơn vị trên địa bàn. Đề xuất KBNN tỉnh tiếp tục nâng cao, cải tiến chương trình, tối ưu hóa các ứng dụng, để khắc phục 1 số khó khăn phát sinh tại đơn vị. Những kết quả đạt được giúp KBNN huyện đang dần hiện thực hóa vì nền hành chính phục vụ khách hàng, hướng tới năm 2030 sẽ nâng cấp lên kho bạc số với tiêu chí 3 không: Dùng tiền mặt, chứng từ giấy, khách hàng trực tiếp đến tại bộ phận giao dịch.
Bài, ảnh: ĐỨC NINH