Những bước tiến vượt bậc trong cải cách hành chính nơi cực Bắc
BHG - Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (CCHC) – PAR Index năm 2020 của tỉnh ta tăng mạnh, đánh dấu bước tiến vượt bậc trong thực hiện nhiệm vụ CCHC nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, tỉnh ta có chỉ số xếp hạng nhóm B toàn quốc, vượt mục tiêu Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh.
Người dân, doanh nghiệp hài lòng đối với kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Ảnh: THU PHƯƠNG |
Năm 2020 ghi dấu nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ CCHC của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Cấp ủy, chính quyền tỉnh đã kịp thời ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp cấp bách, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước (HCNN), tăng cường giải quyết hồ sơ, xử lý công việc trên môi trường điện tử; đẩy mạnh giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19. Trên cơ sở đó, góp phần quan trọng thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển KT-XH, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Thành quả từ sự nỗ lực trên được minh chứng khi tỉnh ta liên tiếp đón tin vui - các chỉ số liên quan đến CCHC đều có bước tiến vượt bậc. Theo công bố của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thì chỉ số PAPI của tỉnh ta bứt phá 12 bậc so với năm 2019 để đứng đầu nhóm đạt điểm Trung bình thấp, xếp hạng thứ 33/63 tỉnh, thành phố. Kết quả công bố chỉ số PAR Index, SIPAS từ Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho thấy: Chỉ số SIPAS của tỉnh ta tăng 10 bậc so với năm 2019 và xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố với 87,60%, thuộc nhóm có chỉ số hài lòng trung bình cao của cả nước. Riêng chỉ số PAR Index đạt 83,87%, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố (tăng 20 bậc so với năm 2019). Chỉ số này đã đưa tỉnh ta lần đầu tiên xếp nhóm B của cả nước sau 9 năm kể từ khi chỉ số PAR Index được triển khai trên phạm vi toàn quốc (năm 2012); đồng thời vượt mục tiêu 3,87% so với Nghị quyết số 04, ngày 12.4.2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC giai đoạn 2016 – 2020 đề ra.
PAR Index chính là công cụ quản lý quan trọng, phục vụ có hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị, giúp xác định rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ CCHC. Chỉ số PAR Index năm 2020 được xác định dựa trên kết quả đánh giá 2 nhóm tiêu chí: Kết quả thực hiện CCHC (có 7 chỉ số thành phần) và tác động của CCHC (có 3 nhóm tiêu chí). Phân tích kết quả chỉ số PAR Index của tỉnh ta cho thấy, nhiều chỉ số thành phần (CSTP) tăng mạnh, như: Công tác chỉ đạo, điều hành liên quan đến CCHC đạt 7,89/8,5 điểm (tương đương 92,82%), tăng 22,23% và 29 bậc so với năm 2019, xếp hạng thứ 26/63 tỉnh, thành phố. Tương tự như vậy, CSTP xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 3,43% và 24 bậc so với năm 2019; CSTP xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tăng 19 bậc và xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố. Riêng CSTP hiện đại hóa hành chính xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 17,68% và 33 bậc so với năm 2019. Đây là minh chứng cho sự quyết liệt của tỉnh trong ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001) theo quy định...
Một trong những giá trị cốt lõi của PAR Index chính là đánh giá tác động của CCHC đến người dân, tổ chức (NDTC) và phát triển KT-XH của tỉnh. Nói cách khác, đây chính là chỉ số SIPAS – đo lường sự hài lòng của NDTC đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ công của cơ quan HCNN thông qua ý kiến phản hồi của NDTC. Trên cơ sở đó, giúp cơ quan HCNN nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong muốn của NDTC để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của NDTC. Kết quả khảo sát cho thấy sự hài lòng của NDTC đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN trên địa bàn tỉnh đạt 8,77/10 điểm, đưa tỉnh ta xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố. Nhiều chỉ số nhận được sự hài lòng cao, như: Chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ, tổ chức giải quyết TTHC, sự hài lòng về công chức giải quyết TTHC, kết quả giải quyết TTHC...
Những kết quả nổi bật trên cho thấy, tỉnh ta đã, đang chuyển đổi mạnh mẽ “nền hành chính mệnh lệnh” sang “nền hành chính phục vụ”. Và nay, tỉnh ta tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, phục vụ nhân dân; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển KT-XH, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
THU PHƯƠNG