Phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng
BHG - Đảm an toàn thông tin và an ninh mạng, xây dựng hạ tầng viễn thông làm nền tảng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số là một trong những mục tiêu hướng đến trong kế hoạch ứng dụng CNTT của tỉnh trong 5 năm tới.
Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục cho người dân. |
Kế hoạch ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng, giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu chính là xây dựng hạ tầng thông tin hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ nhằm kết nối các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, đảm bảo internet băng thông rộng chất lượng cao diện rộng toàn tỉnh; hoàn thành các hệ thống nền tảng phát triển chính quyền điện tử, triển khai các giải pháp kết nối với các hệ thống thông tin, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành, địa phương. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh. Cung cấp dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 3 và 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau. Ứng dụng CNTT để giảm thời gian, số lần người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC)...
Hiện, hạ tầng kỹ thuật mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, nhà nước trên địa bàn tỉnh có 225 điểm. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có mạng LAN, kết nối internet băng rộng đạt 98%; cơ bản các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có cáp quang; số trạm thu phát sóng 2G, 3G, 4G có 2.418 trạm; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98,6%, riêng khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%.
Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đã được triển khai, trở thành hạ tầng kỹ thuật CNTT quan trọng, cho phép kết nối, liên kết tích hợp ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức có tài khoản thư điện tử và thường xuyên sử dụng trong công việc; 100% lãnh đạo có thẩm quyền ký các cấp trong hệ thống chính trị được trang bị chữ ký số chuyên dùng.
Hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến của tỉnh được triển khai với quy mô 241 điểm cầu. Đạt tỷ lệ 100% các cơ quan hành chính có thể tham gia các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp: T.Ư, tỉnh, huyện, xã. Bên cạnh đó, hệ thống giao ban trực tuyến còn được sử dụng để trao đổi, làm việc trên môi trường mạng với các đối tác, địa phương trong và ngoài tỉnh, nước ngoài.
Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh đang được triển khai thử nghiệm và kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ. Đang triển khai thử nghiệm Trung tâm điều hành đô thị thông minh. Đồng thời, tỉnh đã đầu tư triển khai hệ thống một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Nghị định số 61 của Chính phủ. Đến nay, Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh có tổng số 1.947 dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 35,13%. Bên cạnh đó, mạng lưới các cơ sở giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, điện lực đã được đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng CNTT từ tỉnh đến xã và tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng.
Về đảm bảo an toàn thông tin mạng, tỉnh đã thành lập Tổ ứng cứu sự cố máy tính, ban hành quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị xử lý tình huống mất an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2020, Sở Thông tin - Truyền thông đã triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin (SOC) của tỉnh nhằm kết nối với hệ thống giám sát an toàn quốc gia (NCSC), đảm bảo mô hình an toàn thông tin 4 lớp theo quy định.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc