Đột phá xây dựng chính quyền điện tử
BHG - Trong xu thế bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trở thành nhu cầu thiết yếu của con người và có tính quyết định đến sự phát triển KT-XH. Không nằm ngoài xu thế này, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của chính quyền, tạo đà xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang). |
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được phát triển trên nền tảng CNTT. Tiếp cận xu thế này, tỉnh ta có nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của CNTT, cải cách hành chính (CCHC), từng bước xây dựng chính quyền điện tử với các trụ cột: Hạ tầng CNTT, ứng dụng CNTT và nhân lực CNTT. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực phát triển hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong cơ quan, địa phương mình. Đến nay, 11/11 huyện, thành phố, 193/193 xã, phường, thị trấn có mạng cáp quang đến trung tâm. Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đạt 104,06%; tỷ lệ máy tính kết nối internet đạt 91,14%. Hơn nữa, mạng truyền số liệu chuyên dùng được đầu tư tại 73 điểm kết nối, đáp ứng yêu cầu: Đường truyền riêng, tốc độ cao, an toàn bảo mật cho mạng diện rộng của các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, gần 5.900 chứng thư số được cấp cho cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền, phục vụ việc ký số văn bản, thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước… Có thể nói, hệ thống hạ tầng CNTT đã chứng minh vai trò chủ đạo trong hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh và nhanh chóng hình thành hệ thống thông tin chính quyền điện tử, tạo nền tảng thực hiện chuyển đổi số. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hà Giang có mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT ở mức khá so với các tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2019, tỉnh ta xếp hạng thứ 20/63 tỉnh, thành, tăng 18 bậc so với năm 2012.
Hiện nay, việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành điện tử được thực hiện tại 100% các cấp, ngành, cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Điều này làm thay đổi căn bản phương thức làm việc từ giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử. Văn bản điện tử dần thay thế văn bản giấy, giúp các cơ quan, đơn vị tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể cho việc phát hành văn bản giấy. Hơn nữa, thời gian gửi, nhận văn bản từ tỉnh đến cơ sở chỉ còn tính bằng giây… Cùng với kết quả này, tỉnh ta còn hoàn thành kết nối liên thông quản lý văn bản của tỉnh với trục liên thông văn bản quốc gia; kết nối dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với nền tảng thanh toán quốc gia; công khai số lượng văn bản điện tử, tình hình giải quyết TTHC của tỉnh lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Đặc biệt, Cổng dịch vụ công tỉnh Hà Giang còn được kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với 100% hệ thống “một cửa điện tử”, “một cửa điện tử liên thông”, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp giải quyết các TTHC một cách nhanh chóng, thuận tiện, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, các hệ thống ứng dụng CNTT chuyên ngành trong lĩnh vực: Y tế, bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh, cấp đổi giấy phép lái xe, dịch vụ thuế, kho bạc, điện lực… cũng được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả từ tỉnh đến xã.
Trong xây dựng chính quyền điện tử, thông qua các dịch vụ công trực tuyến giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này hạn chế tối đa việc doanh nghiệp, người dân phải đến trực tiếp cơ quan chính quyền thực hiện các TTHC như trước đây. Do đó, cải cách TTHC, nâng cao chất lượng công vụ được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Trong đó, công tác rà soát, đơn giản hóa, chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC đạt nhiều kết quả tích cực: 31,55% TTHC được rút ngắn trên 30% thời gian giải quyết; số TTHC cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 19,28%, mức độ 4 đạt 14,79%; số TTHC giải quyết sớm và đúng hạn chiếm gần 90%... Đi liền với kết quả trên, chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân. Minh chứng cho điều này chính là sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 84,80%, đưa Hà Giang xếp hạng thứ 35/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Ứng dụng CNTT là khâu quan trọng quyết định sự thành công trong tiến trình CCHC của tỉnh; giúp đổi mới phương thức, lề lối làm việc theo hướng hiện đại, tạo nền tảng xây dựng thành công chính quyền điện tử. Trên cơ sở đó, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí, mang lại lợi ích thiết thực cho các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tác động tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc