Thành phố Hà Giang hiện đại hóa nền hành chính
BHG - Với mục tiêu đổi mới phương thức phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo quan trọng trong phát triển, thành phố Hà Giang (TPHG) đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước xây dựng nền kinh tế số, xã hội số và hiện đại hóa nền hành chính.
Trung tâm điều hành giám sát IOC đi vào hoạt động giúp lãnh đạo thành phố theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình phát triển KT - XH và đưa ra quyết định trong chỉ đạo, điều hành. |
Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 17.9.2019 của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 7.3.2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng 2025; TPHG đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn lực hoàn thiện chính quyền điện tử, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) và công nghệ thông tin (CNTT) vào mọi lĩnh vực, đặc biệt là các hoạt động quản lý hành chính Nhà nước và điều hành phát triển KT – XH.
TPHG có 8 đơn vị hành chính trực thuộc. Hiện, toàn thành phố có trên 5.430 hộ dân có máy vi tính, trong đó có 4.661 hộ có kết nối Internet; trên 22.000 người biết sử dụng internet; bình quân 156/100 dân có số thuê bao điện thoại và 58/100 dân có thuê bao Internet. Đây là nền tảng cốt lõi quan trọng để hình thành các công dân điện tử. Để hướng đến chính quyền điện tử, thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng nhanh gọn, thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Thành lập Trung tâm giải quyết TTHC công; tăng cường kiểm soát quá trình giải quyết TTHC, rút ngắn tối thiểu 10% thời gian giải quyết THHC và triển khai giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công, kết quả giải quyết hồ sơ trước và đúng thời hạn đạt tỷ lệ trên 98%. Tất cả các TTHC được niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận một cửa của thành phố và các xã, phường.
Thành phố cũng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và hạ tầng CNTT nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC. Hiện 100% TTHC thực hiện cung cấp dịch vụ công mức độ 2; các phòng, ban, đơn vị đều khai thác hiệu quả dịch vụ Internet phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thông qua hộp thư điện tử, Website, hệ thống quản lý văn bản điều hành VNPT Ioffice. Các ứng dụng phần mềm kế toán, kiểm tra, hệ thống giải quyết TTHC công, giao ban trực tuyến, quản lý camera giám sát giao thông, hỗ trợ thuế điện tử, quản lý cán bộ công chức, viên chức... đều được triển khai hiệu quả. 100% hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được quản lý trên phần mềm theo hệ thống quản lý trên phạm vi toàn tỉnh. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính và kết nối Internet phục vụ công việc và tạo lập hòm thư điện tử công vụ; không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức công vụ. 100% cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường sử dụng chữ ký số, trao đổi qua hệ thống thư điện tử công vụ, hạn chế văn bản giấy giúp công tác chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí. Các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và thực hiện đầy đủ Quy chế dân chủ cơ sở.
Trang thông tin điện tử thành phố và các xã, phường thường xuyên được nâng cấp, khai thác và sử dụng hiệu quả, phản ảnh kịp thời, đầy đủ các hoạt động trên địa bàn. Công tác sắp xếp bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được triển khai mạnh mẽ, đến nay đã giảm 6 cơ quan, đơn vị, trong đó giảm 2 đơn vị chuyên môn và 4 đơn vị sự nghiệp. Thành phố đang triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ hình thức đơn vị sự nghiệp có thu sang mô hình doanh nghiệp theo chủ trương của UBND tỉnh.
Năm 2018, tỉnh phê duyệt Đề án “Xây dựng đô thị thông minh thành phố Hà Giang đến năm 2020” nhằm xây dựng TPHG thành đô thị thông minh, kiểu mẫu, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và nâng cao hoạt động các cơ quan Nhà nước, thúc đẩy KT – XH phát triển. Cụ thể hóa nội dung này, thành phố đã phối hợp với VNPT Hà Giang đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành giám sát IOC với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Mục tiêu là cung cấp cho lãnh đạo thành phố cái nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn. Hệ thống có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống; các chỉ tiêu đánh giá về tình hình KT – XH; chất lượng dịch vụ; giải quyết dịch vụ hành chính công… giúp lãnh đạo thành phố dễ dàng theo dõi, phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định trong chỉ đạo, điều hành.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đào Quang Diệu cho biết: “Xây dựng thành phố thông minh, hiện đại hóa nền hành chính là xu thế tất yếu trong giai đoạn phát triển hiện nay, vì vậy TPHG tập trung ưu tiên bố trí các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng nhu cầu nền kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của tỉnh, các ngành, đơn vị liên quan”.
Bài, ảnh: Biện Luân