PAR Index - công cụ phản chiếu hoạt động cải cách hành chính
BHG - Trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC), PAR Index (Chỉ số CCHC) chính là công cụ theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả CCHC hằng năm của các cấp, ngành trong tỉnh. Từ chỉ số này góp phần quan trọng xác định ưu điểm, hạn chế trong thực hiện CCHC nhằm mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
Người dân tra cứu thủ tục hành chính tại “Bộ phận một cửa” UBND xã Thuận Hòa (Vị Xuyên). |
2019 là năm đầu tiên tỉnh ta thử nghiệm sử dụng hệ thống phần mềm đánh giá Chỉ số CCHC đối với 20 sở, ban, ngành và UBND 11 huyện, thành phố. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị tự đánh giá kết quả CCHC trên hệ thống phần mềm mà không phải nộp tài liệu kiểm chứng bằng bản giấy về Ban Tổ chức – Nội vụ tỉnh như cách làm truyền thống. Đồng thời, cũng là năm đầu tiên có sự tham gia của 6 sở, ban, ngành thuộc Hội đồng thẩm định và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định; nhằm thẩm định, phân hạng kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC đối với từng cơ quan, đơn vị. Công tác thẩm định từng lĩnh vực được phân quyền cho các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ nhằm bảo đảm tính chính xác, khách quan, minh bạch. Ví dụ như: Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh thẩm định nội dung chỉ đạo, điều hành, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); Sở Tư pháp thẩm định nội dung xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định nội dung hiện đại hoá hành chính…
Theo đó, Bộ tiêu chí (TC) xác định Chỉ số CCHC được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, với 41 TC, 72 tiêu chí thành phần (TCTP) đối với cấp tỉnh và 44 TC, 88 TCTP đối với cấp huyện, liên quan đến: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cải cách cơ chế quản lý tài chính công; hiện đại hoá hành chính. Kết quả đánh giá Chỉ số CCHC được tính theo thang điểm 100 (trong đó có 70 điểm nội dung, 30 điểm điều tra xã hội học) và phân thành 5 loại: Xuất sắc (từ 90 điểm trở lên); Tốt (từ 80 đến dưới 90 điểm); Khá (từ 65 đến dưới 80 điểm); Trung bình (từ 50 đến dưới 65 điểm) và loại Yếu (dưới 50 điểm).
Theo kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 mới đây của UBND tỉnh đối với 20 sở, ban, ngành và UBND 11 huyện, thành phố cho thấy: Không có cơ quan cấp tỉnh nào xếp loại Tốt và Xuất sắc; chỉ có 12/20 cơ quan xếp loại Khá; 7/20 cơ quan xếp loại Trung bình, riêng Ban Quản lý khu kinh tế xếp loại Yếu. Như vậy, giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 20 sở, ban, ngành mới đạt 65,93%, giảm 10,89% so với năm 2018 và không đơn vị nào có kết quả Chỉ số CCHC trên 80%. Khoảng cách giữa đơn vị đạt điểm cao nhất (Sở Tài chính) với đơn vị đạt chỉ số thấp nhất (Ban Quản lý khu kinh tế) là 35,85%; trong khi đó, năm 2018 khoảng cách này là 15,45%.
Đối với cấp huyện, thành phố, Bộ TC đánh giá Chỉ số CCHC có sự sửa đổi, bổ sung một số TC, TCTP để đo lường, bám sát các nội dung, nhiệm vụ CCHC mới, do UBND tỉnh giao cho các địa phương thực hiện từ năm 2018. Việc điều chỉnh lần này nhằm hướng đến tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân… Đặc biệt, phương pháp đánh giá thang điểm của một số TC, TCTP có sự điều chỉnh, cải thiện đáng kể. Việc tăng cường áp dụng công thức để đo lường kết quả và tính điểm theo các giá trị tuyệt đối, áp dụng phần mềm và có sự tham gia của sở, ban, ngành liên quan giúp cho kết quả đánh giá phản ánh chính xác, sát với thực tiễn triển khai ở các địa phương. Kết quả Chỉ số CCHC cấp huyện, thành phố năm 2019 cho thấy: Chỉ có 2 đơn vị xếp loại Tốt (gồm UBND huyện Bắc Quang và Bắc Mê); 8 đơn vị xếp loại Khá và 1 đơn vị xếp loại Trung bình (UBND huyện Yên Minh). Nếu như năm 2018, khoảng cách giữa đơn vị đạt điểm cao nhất với đơn vị thấp nhất là 21,52% thì năm nay, khoảng cách này lên đến 24,71%.
Thực tế cho thấy, Chỉ số CCHC phản ánh tương đối đầy đủ kết quả đạt được của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong CCHC trên từng lĩnh vực. Ví như TC đánh giá việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC của các sở, ban, ngành đã phân hạng thành 4 nhóm: 5 đơn vị Tốt, 6 đơn vị Khá, 8 đơn vị Trung bình và 1 đơn vị xếp hạng Yếu. Nguyên nhân đạt điểm thấp được nhận định, do các đơn vị chưa kịp thời rà soát, bổ sung đề án xác định cơ cấu CBCCVC theo vị trí việc làm; chưa thường xuyên cập nhập thông tin CBCCVC vào phần mềm quản lý CBCCVC, chưa thực hiện báo cáo thống kê số lượng, chất lượng CBCCVC theo quy định… Hoặc như kết quả đánh giá TC cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cho thấy: Đơn vị dẫn đầu là UBND huyện Xín Mần, đạt 92,41% và là đơn vị duy nhất thuộc nhóm xuất sắc ở TCTP này. Đây là minh chứng xác đáng cho quyết tâm lớn của các đồng chí lãnh đạo địa phương. Bỡi lẽ, cũng chỉ số này, năm 2018, huyện Xín Mần đứng vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng. Khác với địa phương này, Quang Bình là huyện có kết quả TCTP thấp nhất (đạt 58,35%), thuộc nhóm Trung bình, giảm 23,9% và 2 bậc xếp loại so với năm 2018 (thuộc nhóm Tốt). Nguyên nhân đạt điểm thấp ở TC này do huyện Quang Bình chưa có tài liệu chứng minh về số phòng, ban, đơn vị có cơ cấu lãnh đạo hợp lý; chưa thể hiện được việc tinh giản biên chế của đơn vị đến năm 2019…
Thực tế cho thấy, Chỉ số CCHC đã phản ánh tương đối khách quan, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC và là nguồn thông tin quan trọng để các cơ quan, đơn vị phát huy thế mạnh, khắc phục những điểm còn hạn chế. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện mục tiêu: “Đẩy mạnh CCHC vì Hà Giang phát triển”.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc