Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển
BHG - Cải thiện thứ hạng khởi sự doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh… Đây là nhóm các giải pháp quan trọng của tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh để đồng hành cùng DN phát triển.
Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm OCOP của tỉnh. |
Để cải thiện thứ hạng khởi sự kinh doanh, tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông; thường xuyên rà soát, cải tiến quy trình thủ tục; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; ví như thời gian đăng ký DN từ 2 ngày làm việc (theo quy định tại Luật DN) giảm còn 1 ngày làm việc. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ, hỗ trợ DN theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đi liền với đó, tỷ lệ đăng ký DN qua mạng điện tử tăng, chiếm 53% lượt DN đăng ký. Chỉ tính riêng năm 2019, toàn tỉnh có 172 DN thành lập mới với 115 đơn vị trực thuộc, gồm: Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh,… nâng tổng số DN toàn tỉnh lên 2.016 và 711 đơn vị trực thuộc với tổng số vốn đăng ký trên 30,3 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các hợp tác xã (HTX), đặc biệt là HTX nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn; hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như: Cam Sành, chè Shan tuyết, lúa gạo chất lượng cao... Đặc biệt, năm 2019, toàn tỉnh có 69 sản phẩm tiêu biểu của 43 DN, HTX được xếp hạng 3 sao và 4 sao cấp tỉnh trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh luôn tận tâm phục vụ người dân và doanh nghiệp. |
Không chỉ cải thiện thứ hạng khởi sự kinh doanh, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sự gắn kết, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chính quyền tỉnh, huyện với DN không ngừng được cải thiện. Điều đó được minh chứng thông qua các hoạt động gặp mặt, đối thoại để tăng cường lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN phát triển, như: Chương trình Cà phê doanh nhân sáng thứ Hai hàng tuần; hội nghị gặp mặt đối thoại với DN; gặp mặt nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10)… Cùng với đó, công tác xúc tiến đầu tư được chỉ đạo quyết liệt và đạt những kết quả tích cực; thực hiện cắt giảm 1/3 thời gian đối với giải quyết thủ tục đầu tư. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được các tập đoàn lớn đầu tư vào địa bàn, như: Tập đoàn TH, Vingroup, FLC và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 35 dự án với tổng vốn đầu tư 4.263 tỷ đồng…
Cùng với giải pháp trên, công tác đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội được các cấp, ngành của tỉnh coi trọng. Điển hình như: 88% số DN đang hoạt động thực hiện kê khai thuế qua mạng, 93% DN đăng ký nộp thuế điện tử thành công với các ngân hàng thương mại, 134 đơn vị sử dụng hóa đơn điện tử… Hoặc như lĩnh vực bảo hiểm, không chỉ tiếp nhận và trả kết quả TTHC tập trung mà còn đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử nhằm rút ngắn thời gian giao dịch cho tổ chức, cá nhân; hạn chế hồ sơ quá hạn... Điển hình như năm 2019, số đơn vị thực hiện giao dịch điện tử đạt đến 92%. Rút ngắn thời gian, thủ tục thực hiện nhiệm vụ về thu, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế từ 9 TTHC giảm còn 5 TTHC; cắt giảm từ 32 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành xuống còn 28 TTHC…
Đặc biệt, tỉnh ta đã lựa chọn cán bộ làm công tác một cửa có phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức tốt để phục vụ người dân, DN thực hiện các giao dịch hành chính. Và nay, trong tổng số 1.563 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, ngành được đưa vào thực hiện tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; tiến tới giải quyết “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả TTHC) ngay tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Không những vậy, với 26 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích đã góp phần giảm thời gian giải quyết TTHC liên quan đến lĩnh vực vận tải từ 3 – 5%. Riêng lĩnh vực ngân hàng, hoạt động ngân hàng điện tử qua các kênh Mobile Banking, Bank Plus, VN Topup,... ổn định, thông suốt. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ, góp phần thực hiện mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công tại một số lĩnh vực, như: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chi trả chương trình an sinh xã hội... Mặt khác, giảm 20 – 40% về thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng; giảm thời gian giải quyết cho vay ngắn hạn từ đối đa 5 ngày xuống 4 ngày và cho vay trung hạn, dài hạn giảm từ tối đa 7 ngày xuống còn 5 ngày đối với các khoản vay... Hoặc công tác thanh toán liên kho bạc, liên ngân hàng, thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại được thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến (DVC) một cách nhanh chóng, chính xác, an toàn; năm 2019, ước tỷ lệ thanh toán dịch vụ công trực tuyến lên đến 90,4% và chi tiền mặt chỉ chiếm 9,6% trên tổng chi ngân sách nhà nước.
Thực tế cho thấy, đẩy mạnh cải cách TTHC, đơn giản hóa các quy trình thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư… đã trở thành hệ thống quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở để đồng hành cùng DN phát triển. Qua đó, kết tinh những thành quả quan trọng của Hà Giang trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững DN.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc