Đổi mới hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
BHG - Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập, đảm bảo tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, khắc phục tình trạng dàn trải, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước đối với ĐVSN công lập là một trong những nội dung chính của Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII. Cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết, tỉnh ta đã sớm xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện, đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Đội ngũ cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Trong ảnh: Lãnh đạo Trung tâm kiểm tra, chỉ đạo công tác chuyên môn. |
Theo thống kê đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 852 ĐVSN công lập. Trong đó, ĐVSN của Đảng có 15 đơn vị (4 đơn vị cấp tỉnh, 11 đơn vị cấp huyện), số còn lại là ĐVSN trực thuộc UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND cấp huyện. Trong tổng số các ĐVSN công lập, có 34 đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động, 38 đơn vị tự đảm bảo chi phí một phần, 780 đơn vị ngân sách đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Trong thời gian qua, đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết số 19 Hội nghị lần thứ 6 BCH T.Ư khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSN, tỉnh ta đã chủ động ban hành các đề án, kế hoạch và đề ra giải pháp thực hiện; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại ĐVSN công lập theo lộ trình đã đề ra.
Hiện tỉnh ta đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở hợp nhất 5 trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tỉnh; sáp nhập Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật vào Trường Cao đẳng nghề thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh; sáp nhập Trung tâm công tác xã hội trẻ em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội; sáp nhập Trung tâm dạy nghề các huyện với Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên… Hiện tại, tỉnh ta đang tiếp tục triển khai, thực hiện đề án hợp nhất các sở, ngành có chức năng tương đồng. Triển khai sắp xếp tổ chức, bộ máy thuộc lĩnh vực y tế, nông nghiệp tuyến huyện… Qua quá trình thực hiện, về cơ bản mô hình và cơ cấu tổ chức các ĐVSN công lập được thực hiện theo đúng hướng dẫn của T.Ư, phù hợp với thực tiễn của địa phương, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả.
Để tìm hiểu rõ hơn về tính hiệu quả của việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy hoạt động theo Nghị quyết T.Ư 6, chúng tôi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Thu, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Tuy mới được sáp nhập đầu tháng 4 vừa qua, nhưng do việc sắp xếp tổ chức bộ máy hợp lý nên mọi công việc, nhiệm vụ được duy trì và thực hiện tốt. Điều cảm nhận rõ nhất là đã nâng cao được năng lực quản lý, điều hành, đảm bảo tinh gọn bộ máy, không trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, tiết kiệm được nguồn ngân sách. Trước thời điểm sáp nhập, Trung tâm có 5 Giám đốc, 12 Phó Giám đốc cấp tương đương, nay chỉ còn 1 Giám đốc và 3 Phó Giám đốc; từ 23 lãnh đạo cấp trưởng khoa, phòng sau sáp nhập còn 15; 18 lãnh đạo cấp phó khoa, phòng nay chỉ còn 8.
Việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động trong các ĐVSN công lập là việc làm cần thiết, đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đây sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tỉnh ta tiếp tục có những bước đi, cách làm phù hợp, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII, từng bước xây dựng bộ máy hành chính công thực sự vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc