Vì mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ
BHG- Cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết đang được toàn ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tập trung thực hiện. BHXH Hà Giang được ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác CCHC, sử dụng giao dịch điện tử, góp phần nâng cao chất lượng phụ vụ nhân dân.
Cán bộ BHXH tỉnh tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận giao dịch một cửa. |
Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam và UBND tỉnh về CCHC, ngày 19.02.2016, BHXH tỉnh đã ban hành Kế hoạch công tác CCHC năm 2016 dựa trên các quyết định về CCHC của BHXH Việt Nam nhằm cắt giảm thủ tục, hồ sơ, quy trình thực hiện trong tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); BHXH các huyện, thành phố đều thực hiện niêm yết công khai bộ TTHC để giải quyết các chế độ chính sách về BHXH, BHYT.
Từ tháng 02.2016, cơ quan BHXH không tiếp nhận hồ sơ giấy của đơn vị sử dụng lao động khi đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; các đơn vị phải dùng chữ ký số để giao dịch điện tử, đồng thời thực hiện việc trả kết quả thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho nhân dân, doanh nghiệp. Năm 2016, BHXH đã tiếp nhận 94.506 hồ sơ; trong đó, có 51.920 hồ sơ được tiếp nhận qua giao dịch điện tử; 36.696 hồ sơ nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính. Số hồ sơ giao dịch điện tử và bưu chính chiếm tỷ lệ 93,7%, đạt 998,2% so với năm 2015. Có 2.972 hồ sơ trả kết quả trước thời hạn theo quy định. Những con số ấn tượng chứng minh hiệu quả của việc thực hiện CCHC.
Bên cạnh đó, các phòng nghiệp vụ hoạt động có sự phối hợp chặt chẽ, không chồng chéo; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động chỉ đạo, điều hành, chú trọng lắp đặt các thiết bị khai thác thông tin có ích trên mạng Iternet để phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn; thực hiện hiệu quả chương trình hệ thống mạng trao đổi nội bộ; thuê bao và kết nối đường truyền riêng nhằm kết nối liên thông hệ thống các phần mềm giữa HBXH huyện với BHXH tỉnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đầy đủ, đảm bảo cho bộ phận “Một cửa” hoạt động hiệu quả; duy trì hệ thống quản lý chất lượng 9001:2008 tại Văn phòng BHXH tỉnh và các đơn vị cấp huyện nhằm chuẩn hóa phương pháp làm việc, giảm phiền hà, minh bạch thông tin trong quá trình giải qyết công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong thực hiện giải quyết TTHC. Đồng thời, BHXH tỉnh chú trọng việc chấn chỉnh kỷ cương, lề lối, tác phong làm việc của công chức, viên chức theo hướng thực sự vì dân, phục vụ nhân dân, không ngừng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng cán bộ đúng vị trí việc làm, phát huy được khả năng, sở trường và trình độc chuyên môn của từng người giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Nghiêm túc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp theo quy định của BHXH Việt Nam và UBND tỉnh.
Tại Cuộc thi sáng kiến Cải cách TTHC và giao dịch điện tử do BHXH Việt Nam tổ chức, BHXH tỉnh đạt 1 giải Ba, 2 giải Khuyến khích về các sáng kiến.
Bà Nghiêm Thị Mão, Trưởng phòng tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, BHXH tỉnh chia sẻ: “Các sáng kiến này đã được áp dụng thử nghiệm từ năm 2015, chính thức đi vào hoạt động từ 5.2016 và đã thu được nhiều kết quả. Các chế độ chính sách được cập nhật thường xuyên; các thao tác nghiệp vụ đơn giản, thuận tiện; các sáng kiến này còn hỗ trợ các cán bộ BHXH, hệ thống Bưu điện, đơn vị sử dụng lao động kiểm soát lẫn nhau trong các TTHC, góp phần minh bạch thông tin và tránh nhầm lẫn. Ở BHXH tỉnh, mỗi cán bộ đều là một “Tư vấn viên” sẵn sàng hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giúp họ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng đến sự hài lòng của nhân dân”.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc