Hoàng Văn Lượng - khởi nghiệp từ chăn nuôi tổng hợp
BHG - Tận dụng lợi thế về nguồn thức ăn tự nhiên tại gia đình, địa phương và phát huy tinh thần của thanh niên “dám nghĩ, dám làm”, anh Hoàng Văn Lượng, 29 tuổi, thôn Sơn Đông, xã Hương Sơn (Quang Bình) đã quyết định khởi nghiệp theo mô hình chăn nuôi tổng hợp. Sau 3 năm thực hiện, mô hình này đang đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho gia đình.
Bắt đầu khởi nghiệp từ đầu năm 2021 với mô hình nuôi dê sinh sản, anh Lượng dùng số tiền mình tích góp trước đó để mua 10 con dê sinh sản. Dê anh lựa chọn là những con đã mang bầu hoặc vừa phối giống, điều này giúp rút ngắn được thời gian chăm sóc mà lại nhanh có dê sinh sản. Anh Lượng cho biết: Thời gian dê mang bầu ngắn, một mẹ thường sinh sản được từ 1 đến 2 con, dê con chỉ cần nuôi 6 tháng là có thể tiêu thụ ra thị trường. Như vậy, từ một con dê cái ban đầu mình thu được 2 lứa dê con trong năm. Nguồn thức ăn của dê đa dạng, dễ chăm sóc và chăn thả hơn những con vật khác. Đầu ra của dê cũng nhiều, mình không lo gặp phải tình trạng “ế” vì không có ai mua.
Anh Hoàng Văn Lượng (phải) giới thiệu về lứa lợn lai rừng 10 ngày tuổi. |
Với 10 con dê sinh sản, một năm anh Lượng có trên 30 con dê giống tiêu thụ. Sau một năm, anh Lượng đã thu được đủ số vốn mình bỏ ra và bắt đầu tính đến lãi. Hiện, nguồn thu nhập từ nuôi dê của gia đình anh mỗi năm đạt 70 triệu đồng trở lên.
Từ nguồn lãi nuôi dê, giữa năm 2022, anh Lượng tiếp tục triển khai thêm nuôi lợn lai rừng sinh sản. Nói về lý do mở rộng thêm mô hình của mình, anh Lượng cho biết: Lợn lai rừng có sức đề kháng tốt, nguồn thức ăn đơn giản chỉ là rau xanh, cây chuối, sắn, ngô và những nguyên liệu này gia đình đều có sẵn, nguồn vốn bỏ ra ít, dễ chăm sóc, giá cả ngoài thị trường lại cao.
Lợn sinh sản sau một tháng có thể tách mẹ, biểu đạt 8 đến 10 kg trở lên sẽ bán ra thị trường với giá 150.000/kg. Từ 5 con lợn nái, mỗi năm anh Lượng cho xuất chuồng trên 40 con lợn giống và thu nhập trên 80 triệu đồng. Với hiệu quả đạt được như hiện nay, thời gian tới anh Lượng sẽ mở rộng thêm mô hình nuôi lợn lai rừng bằng việc tăng số lượng lợn nái và nuôi thêm cả lợn thương phẩm.
Mặc dù chăn nuôi giúp đem lại thu nhập cao, xong cũng có nhiều rủi ro vì tình hình dịch bệnh. Hiểu rõ vấn đề đó, trong quá trình chăm sóc, anh Lượng thường xuyên tìm hiểu thêm thông tin về các loại bệnh mà dê, lợn lai rừng hay gặp phải để chủ động phòng bệnh. Nhờ vậy, đàn vật nuôi của gia đình anh luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Khách hàng của anh Lượng chủ yếu là các nhà hàng ở những thành phố lớn, địa điểm du lịch. Ngoài ra, anh còn cung cấp dê giống cho các dự án nuôi dê của xã Hương Sơn và những địa phương lân cận. Đặc biệt, với ý tưởng khởi nghiệp của mình, anh Lượng còn nằm trong top 10 Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, Nguyễn Văn Kiêm cho biết: Chương trình khởi nghiệp luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm và tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn triển khai ý tưởng làm giàu chính đáng cho bản thân, hộ gia đình. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của đoàn viên Hoàng Văn Lượng là một trong những mô hình điển hình của xã, nhận được sự đánh giá cao từ ý tưởng đến hiệu quả kinh tế. Trong thời gian tới, xã sẽ có những chỉ đạo cụ thể về việc hỗ trợ chính sách giúp cho đoàn viên Lượng nhân rộng mô hình của mình.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Ý kiến bạn đọc