Chàng trai “bỏ phố về quê” khởi nghiệp
BHG - Những năm gần đây, nhiều người trẻ có xu hướng quyết định về quê lập nghiệp. Phần lớn của những ý tưởng “bỏ phố về quê” hiện nay lại đến từ những người có tình yêu sâu đậm với quê hương, khát khao mang những tri thức được học, góp bàn tay xây dựng cuộc sống làng quê ngày càng khởi sắc hơn.
Anh Nguyễn Thanh Luân (sinh năm 1987), thôn Kè Nhạn, xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang được nhận vào làm việc tại ngành thông tin của Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Hà Giang được 10 năm với mức lương hơn 3 triệu đồng. Tuy nhiên, với khao khát lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, năm 2018 anh Luân quyết định “bỏ phố về quê” làm kinh tế.
Anh Nguyễn Thanh Luân là một trong những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang |
Năm 2018, tận dụng lợi thế diện tích đất đai của gia đình anh quyết định trồng cây cam. Nhận thấy trồng cam chưa mang lại nhiều hiệu quả kinh tế đến năm 2022, anh đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng chính sách với số tiền 30 triệu đồng và bắt đầu tiến hành cải tạo vùng đất đồi rộng khoảng 1 ha của gia đình, mở rộng mô hình nuôi gà đồi thương phẩm. Với những kiến thức được đi học hỏi tại các địa phương khác, anh Luân đã xây dựng trang trại chăn nuôi theo mô hình khép kín, chia thành các khu chuyên biệt, vừa đảm bảo vệ sinh lại đảm bảo quy trình chăm sóc an toàn. Với 2.500 con gà giống mỗi năm anh nuôi 2 lứa đến nay gia đình anh có 4 chuồng mỗi chuồng 1000 con. Anh Luân cho biết: “Để gà ít bệnh nhà tôi thường xuyên rắc vôi bột quanh chuồng, rải vỏ chấu phủ lên trên mặt đất để cho gà không bị đau chân, bảo đảm cho việc dọn dẹp vệ sinh”. Hiệu quả từ việc nuôi gà đã mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Theo anh Luân, thị trường xuất bán của gia đình anh chủ yếu là các lái buôn trong tỉnh và những tiệc cưới cũng thường xuyên đặt hàng.
Ngoài ra, từ việc trồng cây cam mở rộng đất, học hỏi thêm kinh nghiệm từ những địa phương khác đã giúp gia đình anh thu về mỗi vụ cam được 17 tấn với khoảng 170 triệu đồng. Tận dụng phân chuồng hoai mục từ việc nuôi gà, anh sử dụng vào bón phân cho cây trồng, vừa tiết kiệm chi phí lại đem về năng suất cao. Nhiều vụ cam của gia đình được xuất đi bán sang các tỉnh khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Không dừng lại ở đó, anh Luân còn mở rộng ao nuôi thêm cá trắm, rô phi, chép. Hiện ao nhà anh đang có khoảng 1.000 con cá trắm cỏ.
Ông Đặng Tiến Cường, phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bắc Quang đánh giá: Mô hình nuôi gà đồi thương phẩm của anh Nguyễn Thanh Luân rất đáng để nhân rộng đến với các gia đình khác. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng anh Luân rất tích cực tìm tòi, đổi mới tư duy trong chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Hành trình khởi nghiệp “bỏ phố về quê” của anh Nguyễn Thanh Luân còn nhiều gian nan. Với nhiều người, hành trình ấy là sự liều lĩnh, cũng có người coi đó là sự dũng cảm khi dám phá vỡ cái vỏ bọc bình yên để sống hết mình với đam mê. Riêng với anh Luân cho rằng bất kì ai nếu biết tận dụng các lợi thế và thế mạnh sẵn có cũng có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Bài, ảnh: H.Cừ - M.Ánh
Ý kiến bạn đọc