Ngô Văn Thành khơi dậy sức trẻ từ phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp

08:39, 16/06/2021

BHG - Với sự cần cù, chịu khó vươn lên trong cuộc sống, sinh hoạt, từ một thanh niên (TN) có hoàn cảnh khó khăn, anh Ngô Văn Thành, thôn Nà Pâu, xã Lạc Nông (Bắc Mê) đã từng bước gây dựng kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Mô hình kinh tế của Thành đã khơi dậy sức trẻ từ phong trào TN lập thân, lập nghiệp (LTLN), tạo sức lan toả sâu rộng với nhiều ý tưởng táo bạo, mới mẻ, từng bước gặt hái thành công.

Anh Ngô Văn Thành với mô hình làm bún khô.
Anh Ngô Văn Thành với mô hình làm bún khô.

Anh Ngô Văn Thành, thôn Nà Pâu, xã Lạc Nông khởi nghiệp thành công với mô hình làm bún khô.

Lạc Nông là một xã thuần nông, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy để tìm kiếm được việc làm hoặc đầu tư sản xuất, kinh doanh đối với đoàn viên, TN trên địa bàn xã là vô cùng khó khăn. Theo lời anh Ngô Văn Thành, sau khi được gia đình nuôi ăn học đến năm 2012, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng Cao đẳng kế toán, sau khi ra trường anh đã tìm kiếm công việc tại địa phương theo ngành học của mình và ấp ủ ước mơ LTLN trên chính mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, tại địa phương không có nhiều doanh nghiệp, HTX, do vậy anh Thành đã không thể tìm được việc làm theo ý muốn. Đến năm 2016, anh Thành mạnh dạn đăng ký tham gia lớp tập huấn về công tác khởi nghiệp trong đoàn viên, TN do tỉnh tổ chức, sau khi được các chuyên gia cũng như các đồng chí lãnh đạo tỉnh tư vấn, hướng dẫn, anh Thành đã tìm hiểu và quyết tâm khởi nghiệp. Khi tìm hiểu về phong tục tập quán của bà con nơi sinh sống anh nhận thấy, cứ mỗi dịp lễ, Tết thì bà con thường làm bún để ăn, tuy nhiên việc làm bún theo cách thủ công rất vất vả, tốn nhiều nhân công và khi làm ra sản phẩm thì không bảo quản để sử dụng được lâu, hư hỏng, gây lãng phí. Vì vậy, sau quá trình nghiên cứu nhu cầu của bà con và nhận thấy các loại gạo làm bún của địa phương rất dồi dào, đa dạng; anh Thành quyết định thuyết phục gia đình và vay vốn thêm để đầu tư máy làm bún khô bằng điện 3 pha với tổng kinh phí trên 95 triệu đồng, sản phẩm làm ra được bà con nhân dân đón nhận.

Không chỉ dừng lại ở sản xuất sản phẩm bún trắng, anh Thành còn tìm tòi và tiến hành sản xuất bún bằng lá cơm đỏ, lá cơm tím, bún gấc, bún nghệ vàng; đến nay, những sản phẩm này đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin tưởng sử dụng, qua đó tạo việc làm cho 5 lao động thời vụ là những đoàn viên, TN tại địa phương với mức thu nhập 200 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài làm bún, anh Thành còn đầu tư mua xe tải chở dịch vụ cho người dân; đến nay, gia đình anh có thu nhập ổn định, hàng năm trừ chi phí cho thu nhập trên 150 triệu đồng.

Khi chúng tôi tìm hiểu về những kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, anh Thành chia sẻ: Trước hết phải xác định được hướng, lên kế hoạch, mạnh dạn đầu tư. Tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, các nguồn vốn vay để tiến hành khởi nghiệp. Mạnh dạn, sáng tạo trong khởi nghiệp, không ngại khó, ngại khổ, vươn lên trong cuộc sống. Luôn có kế hoạch và phương án sản xuất cho những năm tiếp theo.

Đồng chí Phan Văn Phúc, Bí thư Đoàn xã Lạc Nông cho biết: Phong trào Thanh niên LTLN ở Lạc Nông đã và đang tạo sức lan tỏa sâu rộng, thu hút nhiều TN vượt khó vươn lên làm giàu. Với ý tưởng táo bạo, mới mẻ, nhiều mô hình khởi nghiệp của TN đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế địa phương. Qua đó không chỉ giúp giảm nghèo cho đoàn viên, TN, quan trọng hơn làm cho công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên của xã Lạc Nông có nhiều khởi sắc, đặc biệt là các phong trào thi đua.

Với thành công ban đầu trên con đường LTLN, Ngô Văn Thành là một tấm gương sáng, không chịu khuất phục khó khăn, tự ý thức tìm hiểu, học tập phát triển kinh tế tại địa phương. Thành luôn cởi mở, có tinh thần giúp đỡ nhiều đoàn viên, TN khác trong xã, nhất là những đoàn viên, TN có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế trong tiếp cận khoa học, kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh để có cơ hội phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống mới.

Bài, ảnh:  VĂN QUÂN


Cùng chuyên mục

Khởi nghiệp với nghề chăm sóc thú cưng ở Hà Giang

BHG - Bác sĩ thú y không phải là một nghề mới, tuy nhiên tại Hà Giang vẫn còn rất ít người theo đuổi nghề này. Nhìn nhận được những tiềm năng còn bỏ ngỏ, chị Phùng Thị Hảo – chủ phòng khám Thú y Hà Giang (Tổ 8, phường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang) là một trong những người tiên phong đưa dịch vụ thú y trở nên phổ biến hơn tới người dân ở Hà Giang.

31/03/2021
Mèo Vạc tháo gỡ khó khăn trong phong trào khởi nghiệp

BHG - Nhằm phát huy tinh thần xung kích của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), huyện Mèo Vạc triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp; khuyến khích hình thành các nhóm sở thích cùng phát triển. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia phong trào khởi nghiệp, góp phần phát triển KT – XH địa phương.

 

25/11/2020
Đoàn viên Lương Văn Quỳnh làm giàu từ mô hình cải tạo vườn tạp

BHG - Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, ngay từ khi còn nhỏ, anh Lương Văn Quỳnh, sinh năm 1990, thôn Lùng Càng, xã Phong Quang (Vị Xuyên) đã mang trong mình ý chí vươn lên làm giàu. Qua tìm hiểu, anh nắm được chủ trương cải tạo vườn tạp gắn với thực hiện xây dựng Nông thôn mới (NTM) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cuối năm 2019, anh Quỳnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện cải tạo vườn tạp đã giúp gia đình anh có thu nhập ổn định.

 

24/12/2020
Triệu Quang Vinh khởi nghiệp từ chế biến chè hữu cơ

BHG - Năm 2008, hồ thủy điện Nặm An, xã Tân Thành (Bắc Quang) dâng nước, gần 20 ha đất trồng lúa của thôn Nặm An nằm dưới lòng hồ. Diện tích đất lúa của thôn bị thu hẹp, anh Triệu Quang Vinh, dân tộc Dao, người con của quê hương Nặm An luôn trăn trở tìm hướng đi mới để thoát nghèo.

20/01/2021