Cô giáo vùng cao khởi nghiệp từ trồng Dâu tây
BHG - Hiện nay nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp sạch được nhiều bạn trẻ yêu thích, đầu tư phát triển. Các mô hình đã thể hiện rõ sức trẻ và tinh thần xung kích trong lập nghiệp. Trong đó, chị Triệu Mùi Mủi là tấm gương thanh niên tiêu biểu khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp nhờ tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Chị Triệu Mùi Mủi (trái) thu hoạch dâu tây. |
Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhận thấy đất đai, khí hậu địa phương thuận lợi, chị Triệu Mùi Mủi (SN 1990), dân tộc Dao, thôn Tân Phong, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) hiện đang là giáo viên Trường Mầm non xã Hồ Thầu. Không chỉ là một giáo viên say mê với nghề nghiệp, chị Mủi còn rất năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình. 4 năm trước chị Mủi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm giống dâu tây trên vùng núi cao. Nhắc đến dâu tây, nhiều người nghĩ ngay đến loại trái bày bán nhiều ở vùng đất Đà Lạt, Mộc Châu. Ít ai ngờ rằng vùng đất dưới đỉnh núi Chiêu Lầu Thi này cũng có thể trồng và phát triển thành công, với năng xuất chất lượng cao. Vừa mày mò, học hỏi, ban đầu chỉ là trồng thử rồi không biết từ lúc nào, chị đã thực sự hứng thú với giống cây trồng này. Với số tiền tích góp trong quá trình đi làm, chị có được một số vốn, kết hợp vay thêm 30 triệu đồng từ anh em trong gia đình để thực hiện ước mơ của mình. Trò chuyện với cô giáo trẻ, chúng tôi được chị Triệu Mùi Mủi chia sẻ: Ý tưởng được mở ra từ sự yêu thích, đam mê cây dâu tây, nhận thấy khí hậu địa phương mát mẻ thích hợp trồng loại quả này, đồng thời khi theo dõi trên các trang thông tin điện tử nhìn cây dâu tây phát triển tốt ở Mộc Châu, tôi rất yêu thích và đặt một ít về trồng thử. Trên diện tích đất chủ yếu trồng lúa, ngô tôi đã cải tạo đất để trồng thử nghiệm dâu tây. Sau một thời gian chăm sóc cây cho thu quả, sinh trưởng phát triển tốt.
Sau khi đã chắc chắn với những gì mình thử nghiệm, chị mới bắt tay vào mở rộng nhanh chóng trong 1 năm trở lại đây (2020-2021). Từ diện tích chỉ vài trăm mét vuông thử nghiệm, đến nay chị đã mở rộng hơn 1 ha, trong đó chị trồng hơn 0,5 ha trên diện tích ruộng bậc thang. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, chế độ chăm sóc nên vườn dâu tây của chị phát triển xanh tốt. Sau 4 tháng chăm sóc vườn dâu bắt đầu cho thu hoạch trái. Trung bình mỗi ngày cho thu từ 5 kg dâu, với giá từ 120.000 - 130.000 đồng/kg quả nhỏ; quả to, đỏ mọng bán với giá cao hơn từ 150.000 - 170.000 đồng/kg.
Để có được thành công, trong quá trình thực hiện chị cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc thiếu vốn, thiếu đầu ra, kỹ thuật ban đầu cũng còn hạn chế, cây trồng sâu bệnh, chị đã tự mình mày mò, tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, qua hình ảnh, video về cách chăm sóc dâu hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, chị còn quảng bá về dâu tây trên mạng xã hội, giới thiệu qua bạn bè, nhờ vậy mà đã có nhiều người biết đến. Giờ đây ngoài bán cho các khách hàng ở địa phương, chị Mủi còn chuyển hàng đi các huyện trong và ngoài tỉnh. Không những nỗ lực nâng cao thu nhập cho gia đình, chị Mủi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân ở địa phương, nhất là những thanh niên ở địa phương với mong muốn lập thân lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Hiện nay, nhiều người biết đến vườn dâu của chị Mủi khi tham quan khám phá đỉnh Chiêu Lầu Thi. Khách vào vườn tự do hái dâu ăn miễn phí. Khi khách có nhu cầu mua dâu tươi mang về, chị mới tính tiền. Từ khi mở cửa đón khách đến tham quan, trung bình mỗi ngày vườn dâu của chị Triệu Mùi Mủi đón khoảng chục lượt khách. Người dân trong xã và các xã lân cận rủ nhau đến điểm hẹn mới này để mua trái dâu, tham quan và thưởng thức những quả dâu tây chín mọng. Đây là thành công bước đầu của chị sau 1 năm phát triển đưa loại cây trồng Mộc Châu về vùng núi cao Hồ Thầu.
Chị Mủi chia sẻ, dâu tây dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao hơn khi trồng ngô, lúa. Để vườn dâu tây cho quả nhiều, yếu tố quan trọng nhất là khâu chọn giống. Cây giống phải là những cây khỏe mạnh, có khả năng kháng bệnh cao. Khi làm đất phải đảm bảo độ tơi xốp trộn cùng phân chuồng, bón phân đúng liều lượng theo từng giai đoạn phát triển. Chia sẻ về dự định của mình, chị Mủi cho biết sẽ tiếp tục phát triển trồng dâu, nếu đủ nguồn vốn chị sẽ đầu tư nhà lưới để vườn dâu đạt sản lượng cao hơn.
Với sự cần cù trong lao động và ý chí vươn lên, chị Triệu Mùi Mủi đã và đang góp phần làm cho vùng đất này có thêm sản phẩm du lịch mới, làm cho mùa xuân trên núi cao Hồ Thầu đẹp hơn, hấp dẫn hơn.
Bài, ảnh: Bích Hoài
Ý kiến bạn đọc