Trương Văn Đồng làm giàu từ các mô hình liên kết sản xuất

16:53, 26/08/2019

BHG - Với ý chí quyết tâm và nghị lực vượt khó cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, chàng trai người Dao, Trương Văn Đồng, sinh năm 1985, thôn Pha, xã Đồng Tâm (Bắc Quang) đã vươn lên làm giàu từ các mô hình kinh tế theo hướng liên doanh, liên kết – hướng đi mới ở vùng quê nghèo Đồng Tâm.

Anh Trương Văn Đồng chăm sóc vườn cam.
Anh Trương Văn Đồng chăm sóc vườn cam.

Khắc phục khó khăn về điều kiện kinh tế, đường giao thông và tập quán canh tác lạc hậu, Trương Văn Đồng đã mạnh dạn vận động các gia đình cùng liên kết sản xuất, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Nói về ý tưởng này, anh Đồng cho biết: Là cán bộ nông, lâm nghiệp của xã, sau khi có chủ trương khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa của tỉnh cùng với tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thấy việc chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất theo hướng tổ hợp tác, nhóm sở thích đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều, tôi đã mạnh dạn vận động các gia đình trong thôn và một số thôn lân cận thành lập các nhóm cùng sở thích. Ban đầu cũng gặp một số khó khăn, sau một thời gian tuyên truyền, giải thích, họ đã hiểu và cùng liên kết với tôi để thành lập các mô hình.

Năm 2014, anh Đồng vận động 3 hộ cùng tham gia nuôi trâu hàng hóa theo hình thức mua trâu gầy về nuôi vỗ béo. Tổng đàn trâu của nhóm dao động từ 12 – 18 con; các hộ cùng trồng cỏ, cùng chăm sóc; sau 3 - 5 tháng, trâu đủ trọng lượng thì xuất bán, lợi nhuận đạt 5 – 10 triệu đồng/con. Mỗi năm, mô hình đã đem lại cho gia đình anh và các hộ trong nhóm một khoản thu nhập đáng kể.

Đến năm 2015, anh tiếp tục đứng ra liên kết với 24 hộ dân thôn Pha, thôn Nhạ và thôn Lâm thành lập mô hình trồng rừng thâm canh liên kết. Ban đầu, anh trồng keo và Bồ đề trên diện tích 5 ha của gia đình; nhận thấy nhiều hộ trong thôn và các thôn lân cận có diện tích đất đồi tạp để hoang khá lớn, anh vận động họ cùng tham gia trồng rừng. Mô hình được thực hiện theo phương thức những hộ có điều kiện kinh tế đầu tư cây giống, phân bón; các hộ có đất thì góp đất, công lao động; đến thời gian khai thác gỗ thì lợi nhuận chia đôi. Đến nay, tổng diện tích rừng trồng được 34 ha, 24 hộ dân tham gia. Theo tính toán của anh Đồng, khoảng 2 - 3 năm nữa, khi cây đến tuổi khai thác, có thể đem lại thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/hộ.

Ngoài trồng rừng, anh còn thành lập Nhóm liên kết trồng cam gồm 7 hộ tham gia, tổng diện tích trên 7 ha cam Sành và cam Giấy. Anh vận động các hộ đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP nhằm đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, có 3 ha cam của nhóm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Anh Đồng chia sẻ: “Để có được quả cam ngon, đáp ứng tiêu chuẩn cam VietGAP, người trồng phải dành nhiều công sức và tâm huyết. Cam Sành đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc rất tỉ mỉ, phải áp dụng nghiêm ngặt từ quy trình làm đất, sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh. Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì sẽ cho quả đều, cam ngọt đậm hơn, năng suất, sản lượng tăng đáng kể. Từ đó đem lại thu nhập cao hơn so với cách trồng cam truyền thống”. Ngoài vận động các hộ trồng cam VietGAP, anh còn đứng ra thu mua sản phẩm của các hộ trong nhóm để bán chung, tránh tình trạng bị thương lái ép giá.

Với hình thức phát triển sản xuất theo hướng liên kết đã đem lại thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng mỗi năm cho gia đình anh Đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn giải quyết việc làm cho nhiều hộ dân trong xã và góp phần thay đổi tư duy trồng trọt, chăn nuôi của người dân bản địa, từng bước hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bài, ảnh:  PHƯƠNG NGUYỄN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khởi nghiệp từ sản xuất tinh dầu dược liệu

BHG - Chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất tinh dầu dược liệu của chị Nguyễn Thị Nhàn, đúng lúc chị đang vận hành máy chế xuất tinh dầu từ cây gừng. Mùi hương tỏa ra khiến mọi mệt nhọc sau quãng đường dài từ thành phố Hà Giang tới thôn Tấn Sà Phìn, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) gần như biến mất. Từ tỉnh Vĩnh Phúc lên Hà Giang lập nghiệp, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Thứ và chị Nguyễn Thị Nhàn từng bước tạo dựng cuộc sống với nghề chế biến chè Shan tuyết. Tiếp đến, năm 2017...

31/05/2019
Diễn đàn khởi nghiệp huyện Mèo Vạc

BHG - Sáng 27.6, UBND huyện Mèo Vạc đã tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp với chủ đề "Thúc đẩy phát triển khởi nghiệp – liên kết doanh nghiệp". Dự diễn đàn có đồng chí Trần Quang Minh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; các đồng chí trong BTV Huyện ủy cùng các ban, ngành đoàn thể, đoàn viên thanh niên (ĐVTN), hội viên trên địa bàn huyện.

 

27/06/2019
Phàn Mùi Pham với mô hình nuôi gà sạch

BHG - Ấp ủ dự định xây dựng mô hình chăn nuôi gà sạch thả đồi theo tiêu chuẩn GlobalGAP (Bộ tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), sau nhiều năm làm việc tại các trang trại, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, năm 2017, chị Phàn Mùi Pham (sinh năm 1989), tại thôn Yên Sơn, xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) đã trở về quê để xây dựng trang trại gà sạch thả đồi. Đến nay mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.

 

26/07/2019
Làm giàu từ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện sông Chừng

BHG - Đó là mô hình của anh Hoàng Văn Hưng (sinh 1988), thôn Tân Bình, thị trấn Yên Bình (Quang Bình) một điển hình trong phong trào khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên Quang Bình. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quang Bình, sau khi tốt nghiệp THPT năm 2010, Hoàng Văn Hưng xin đi nghĩa vụ quân sự. Năm 2013 anh Hưng xuất ngũ và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. 

26/06/2019