Trao "cần câu" cho thanh niên
BHG - Làm thế nào để phát triển ý tưởng kinh doanh thành hiện thực, phát huy được những tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm đặc sản của địa phương thành hàng hóa có giá trị? Những câu hỏi này luôn thường trực trong đầu của thanh niên nông thôn mong muốn khởi nghiệp. Giải đáp những thắc mắc này, vừa qua huyện Quản Bạ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp (TT.BSA) mở lớp tập huấn “Phát triển tài nguyên bản địa bằng ứng dụng công nghệ” cho thanh niên.
Các bạn trẻ tham gia tập huấn “Phát triển tài nguyên bản địa bằng ứng dụng công nghệ” trao đổi ý tưởng. |
Thực hiện Đề án 844 của Chính phủ về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong thời gian qua tỉnh ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện về vốn, môi trường để hỗ trợ khởi nghiệp. Quản Bạ là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, song cấp ủy, chính quyền địa phương đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Sèn Thăng Long cho biết: Ban hỗ trợ phát triển khởi nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn đã tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt đoàn viên, thanh niên vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện như Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh, Nghị quyết 14 của HĐND huyện, vay vốn từ Ngân hành Chính sách Xã hội với tổng dư nợ đạt 45.876 triệu đồng/1.460 hộ vay. Đến nay, toàn huyện có 208 mô hình thanh niên khởi nghiệp, trong đó 57 mô hình đạt hiệu quả.
Để khởi nghiệp thành công cần rất nhiều yếu tố, trong đó có kiến thức về kinh doanh. Giám đốc điều hành Công ty tư vấn The Pathfinder, Trần Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn chiến lược và thương hiệu đánh giá: Hà Giang có nhiều đặc sản quý, bí quyết chế biến đặc sản của các dân tộc thiểu số rất phong phú, đạt trình độ cao, là những tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, các bạn thanh niên đã khởi nghiệp, kinh doanh ở trên địa bàn tỉnh trình độ còn hạn chế do chưa được tiếp cận với kiến thức mới, vẫn duy trì các đặc điểm truyền thống của ông cha nên làm giới hạn giá trị gia tăng của sản phẩm. Các sản phẩm còn đơn giản, chưa có mô hình kinh doanh rõ ràng, chỉ mới ở mức chế biến sơ khai, mặc dù chất lượng sản phẩm rất tốt... Để tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng lớn hơn thì khâu chế biến cần cao hơn. Đồng thời, điều chỉnh về bao bì sản phẩm, truyền thông, marketing online, đổi mới cách kinh doanh bền vững, phát triển rộng hơn.
Qua tập huấn khởi nghiệp đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho những người mới bắt tay vào kinh doanh. Chị Nông Thị Thoan, HTX phát triển nông, lâm nghiệp và dịch vụ du lịch Bảo Lâm (Bắc Quang) chia sẻ: “Tham gia khóa tập huấn, tôi được biết những kiến thức, kỹ năng cần thiết để bước vào thị trường một cách hiệu quả. Nâng cao thêm kỹ năng quản trị doanh nghiệp, cách xây dựng dự án kinh doanh, hoạch định chính sách, chiến lược, xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, biết cách tiếp thị và phân phối sản phẩm ra thị trường... đó là những kiến thức rất thiết thực mà trước khi khởi nghiệp tôi còn thiếu”. Lớp tập huấn cũng là nơi để các bạn trẻ có cùng ý tưởng, niềm đam mê khởi nghiệp được giao lưu, học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích.
Những lớp tập huấn khởi nghiệp như trên là sự quan tâm của chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp. Qua đây, thanh niên khởi nghiệp không chỉ được hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi, mà còn được đào tạo thêm về kiến thức kinh doanh để ý tưởng khởi nghiệp phát triển thành công.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc