Nguyễn Tiến Tài lập nghiệp từ nuôi gà Đông tảo

09:31, 06/06/2018

BHG - Anh Nguyễn Tiến Tài (sinh 1993) là tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp tại thôn Độc Lập, xã Đạo Đức (Vị Xuyên). Nhạy cảm trước nhu cầu thị trường, anh Tài quyết định lập nghiệp bằng nuôi gà Đông Tảo. Hiện, gia đình anh Tài nuôi gà Đông Tảo quy mô lớn đầu tiên và cũng lớn nhất thôn Độc Lập.

Anh Tài chăm sóc đàn gà của gia đình mình.
Anh Tài chăm sóc đàn gà của gia đình mình.

Trước khi bén duyên với giống gà đặc sản này, gia đình anh Tài sinh sống chủ yếu bằng việc kinh doanh nhỏ lẻ; nên thu nhập thấp, vất vả cả năm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Đứng trước gánh nặng cơm áo, gạo tiền, anh băn khoăn tìm lối đi mới để cải thiện cuộc sống cho gia đình. Thông qua truyền hình và mạng Internet để tìm hiểu về kỹ thuật nuôi gà Đông tảo, anh Tài nhận thấy đây là giống gà quý hiếm, giá trị thương phẩm cao, nhu cầu thị trường lớn, nguồn cung cho thị trường đối với tỉnh ta còn khan hiếm, nên anh đã quyết định đầu tư vốn để mở trang trại nuôi gà Đông tảo. Năm 2016, anh và gia đình quyết định đầu tư 30 triệu đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại và nhập con giống ở Viện Chăn nuôi về nuôi thử nghiệm. Sau hai năm, đàn gà của gia đình anh phát triển rất tốt và  luôn duy trì đàn khoảng 400 con gà lớn, nhỏ. Vào thời gian cao điểm trước Tết Nguyên đán, trang trại gà nhà anh có tới 200 con gà Đông tảo trưởng thành và xuất bán.

Gà Đông tảo là loài gà có nguồn gốc từ xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, trước đây gà thường được nuôi để cúng tế hay tiến Vua. Đặc điểm nổi bật của gà Đông tảo là đôi chân to và thô, khi trưởng thành con trống thường nặng trên 4 kg, con mái nặng trên 3 kg. Đến thăm trang trại của gia đình anh Tài, chúng tôi rất ấn tượng với dáng hình bệ vệ, thân hình vững chãi, màu da đỏ và đặc biệt là đôi chân rất lớn với lớp vảy sù sì của đàn gà Đông tảo. Anh Tài cho biết: “Gà Đông tảo là loài không quen nuôi nhốt, ưa chạy nhảy nên phải xây chuồng trại rộng rãi. Nếu nhốt chúng trong không gian hẹp khó vận động thì thịt và đôi chân sẽ không săn chắc, bán không được giá”.

Lúc mới bắt đầu nuôi gà Đông tảo, anh Tài gặp khá nhiều khó khăn, vì đây là giống gà lạ lại yêu cầu phải có chế độ chăm sóc đặc biệt; khi đó, gia đình anh lại đang thiếu vốn để xây dựng chuồng trại. Nhưng với tinh thần của một thanh niên trẻ, không ngại khó, ngại khổ; anh đã tìm hiểu trên mạng và theo dõi các kênh nông nghiệp trên truyền hình để tích lũy thêm kinh nghiệm. Từ đó, anh rút ra được những điểm khác biệt căn bản giữa nuôi gà Đông tảo với các giống gà khác, gà Đông tảo chủ yếu phát triển về đôi chân nên cần phải bổ sung nhiều canxi và khoáng chất. Ngoài thức ăn thông thường, anh cho gà ăn thêm cá, ốc, trái cây và bổ sung thêm canxi bằng các loại thuốc được khuyên dùng. Bên cạnh đó, gà Đông tảo cũng dễ mắc các bệnh như tụ huyết trùng, cúm…, nên phải tiêm chủng để phòng tránh bệnh, dịch.

Phải mất khoảng một năm nuôi thả vườn, với nguồn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng thì gà mới có thể cho thịt; khi gà đủ điều kiện xuất bán, anh Tài chủ yếu bán buôn cho thương lái trong địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi con gà Đông tảo của gia đình anh đều đạt từ 3 – 4 kg. Giá bán trên thị trường ổn định: Gà trống 300 nghìn đồng/kg, gà mái 200 nghìn đồng/kg, đặc biệt những con gà chân to, đẹp có giá bán lên đến 800 nghìn đồng/kg. Mỗi lứa gà xuất bán, đã mang về cho gia đình anh doanh thu khoảng 80 triệu đồng; thu nhập một năm của gia đình anh từ bán gà khoảng 150 triệu đồng.

Ngoài nuôi gà Đông tảo, gia đình anh còn nuôi thêm 600 con gà thường cùng 14 con lợn; trang trại nhà anh lúc nhiều, có đến trên 1.000 con gà, ngan... Thời gian tới, anh đang có kế hoạch vay thêm vốn để mở rộng quy mô nuôi gà Đông tảo, gà thiến, gà mái đẻ; đồng thời đầu tư nguồn điện 3 pha để có nguồn điện ổn định cho máy ấp trứng, anh Tài cho biết thêm.

P.V


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thủ tướng yêu cầu sớm đưa khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy đại học

Kết luận phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị sớm đưa vào chương trình giảng dạy của các trường vấn đề khởi nghiệp một cách sâu sắc và thực tế hơn. Ươm mầm khởi nghiệp là một mục tiêu của đại học.

30/05/2018
Chương trình nghệ thuật "Khát vọng khởi nghiệp – Bừng sáng bản làng"

Hưởng ứng tinh thần khởi nghiệp Quốc gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với thanh niên – những người đang nắm giữ tương lai của đất nước, tối 23/5, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật "Khát vọng khởi nghiệp – Bừng sáng bản làng". Chương trình tôn vinh những cá nhân, tập thể đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khu vực phía Bắc

24/05/2018
Chàng trai người Dao làm giàu từ cây chè

BHG - Về xã Quảng Nguyên (Xín Mần) tìm hiểu cây chè, tôi được khuyên đến gặp anh Lý Chàn Quên, thôn Quảng Hạ, người làm giàu thành công từ sản phẩm chè địa phương. Đến xưởng, lúc công nhân đang phơi, sấy mẻ chè đen sau 2 ngày mưa gió, nhìn quy mô nhà xưởng rộng rãi, cửa hàng tạp hóa khang trang, tôi càng cảm phục nghị lực của chàng trai người Dao đã gây dựng cơ ngơi từ hai bàn tay, khối óc dám nghĩ, dám làm. Rót xong chén chè xanh mời khách, Lý Chàn Quên kể về quãng thời gian gây dựng cơ ngơi. "Nhà mình trước ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), năm 2008 mới chuyển lên đây kiếm sống"...

24/04/2018
Cô gái quê Hà Giang sở hữu doanh nghiệp triệu đô ở tuổi 33

BHG - Sinh ra và lớn lên ở thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình, xuống Hà Nội học, cô gái trẻ Thái Hòa (sinh 1985) đã một mình "liều lĩnh" xông pha vào lĩnh vực thời trang với xuất phát điểm từ con số 0.

23/05/2018