Chàng trai người Dao làm giàu từ cây chè

09:48, 24/04/2018

BHG - Về xã Quảng Nguyên (Xín Mần) tìm hiểu cây chè, tôi được khuyên đến gặp anh Lý Chàn Quên, thôn Quảng Hạ, người làm giàu thành công từ sản phẩm chè địa phương. Đến xưởng, lúc công nhân đang phơi, sấy mẻ chè đen sau 2 ngày mưa gió, nhìn quy mô nhà xưởng rộng rãi, cửa hàng tạp hóa khang trang, tôi càng cảm phục nghị lực của chàng trai người Dao đã gây dựng cơ ngơi từ hai bàn tay, khối óc dám nghĩ, dám làm.

Anh Lý Chàn Quên kiểm tra chè nguyên liệu.          					         Ảnh: TRỌNG TOAN
Anh Lý Chàn Quên kiểm tra chè nguyên liệu. 

Rót xong chén chè xanh mời khách, Lý Chàn Quên kể về quãng thời gian gây dựng cơ ngơi. “Nhà mình trước ở thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), năm 2008 mới chuyển lên đây kiếm sống” - Quên bắt đầu câu chuyện. Tiếng là dân thị trấn nhưng nha mình ở thôn xa nhất, sát với xã Tân Trịnh (Quang Bình). Bố mẹ làm việc vất vả, chỉ đủ nuôi bốn anh em cơm rau qua ngày; lớn lên, lần lượt từng người anh của mình đều bỏ mảnh đất ấy đi tìm kế sinh nhai. Mình lấy vợ, ở nhà nuôi bố mẹ, làm ruộng làm nương, nhưng khi sinh con rồi thấy; muốn ăn không có, mặc không đủ, nghĩ mãi không biết làm gì, khi người chú rủ chuyển lên xã Quảng Nguyên, mình gật đầu theo.

Ngày mới lên cũng khổ lắm, may có chú đi trước giúp vợ chồng mình nên mới trụ lại được. Hàng ngày, hôm đi làm thợ xây, hôm chặt củi bán, tối đi soi cua cá trên dòng Nậm Lỳ về cho con ăn. Dần dần, mình tích cóp được ít vốn mua gói kẹo, cân muối về cho vợ bán, còn mình đi sao chè thuê. Ở xưởng chè, thấy người ta làm ăn khấm khá, mình bắt đầu tìm hiểu, có hôm ở nhà thấy bà con trong làng mang chè tươi ra đổi lấy cân muối, mình bảo vợ đồng ý rồi từ đấy mình bén duyên với nghề làm chè.

Từ năm 2010, anh bắt đầu thu mua, chế biến chè vàng. Ban đầu chỉ đủ tiền mua một máy sao, dần dần mua thêm vài máy, lãi quay vòng anh mua thêm phân bón, nhập các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày về bán cho bà con. Sau này, vùng chè Quảng Nguyên phát triển hơn, khách hàng đổ về thu mua chè tăng, gia đình anh cũng bắt đầu có đồng ra đồng vào. Nghề làm chè có lúc bấp bênh, giá chè lúc lên, lúc xuống; có vụ chè khô lên tới 60 nghìn đồng/kg, xong có lúc cả vùng đầy chè nhưng không ai hỏi mua...

Đến năm 2014, có trong tay số vốn kha khá, anh mua thêm đất mở rộng cửa hàng tạp hóa, mua thêm máy sao chè; năm 2015 anh mua ô - tô tải vận chuyển hàng đi tiêu thụ tại các thị trường như huyện Bắc Quang, thành phố Hà Giang… Đầu năm 2017, anh đầu tư 500 triệu đồng, mở rộng quy mô nhà xưởng và máy sao chè hiện đại nhất xã Quảng Nguyên.

Hiện nay, xưởng sản xuất chè của anh giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động; vào chính vụ, anh phải thuê 15 -  20 người làm. Trừ chi phí sản xuất, thu mua nguyên liệu và tiền lương công nhân, mỗi tháng thu nhập bình quân của gia đình anh đạt từ 10 – 20 triệu. Ngoài đầu tư chế biến chè, kinh doanh tạp hóa, anh đang thuê mặt bằng thử nghiệm mô hình vườn ươm giống cây con với quy mô 100 nghìn cây quế.

Với những gì đã và đang làm được, Lý Chàn Quên thực sự là gương điển hình vươn lên làm giàu, được nhiều người noi theo.

TRỌNG TOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khởi nghiệp từ nguồn vốn vay Agribank

BHG - Từ tháng 9.2016, nhờ nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh huyện Yên Minh theo chính sách ưu đãi của Nghị quyết số 209  HĐND tỉnh; chàng thanh niên Lục Văn Truân ở thị trấn Yên Minh (Yên Minh) đã phát triển mô hình khởi nghiệp nuôi ong, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

26/02/2018
Đoàn Tuấn Anh khởi nghiệp với Mô hình trồng rau an toàn

BHG - Trồng rau sạch trong nhà lưới theo phương pháp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng là ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên Đoàn Tuấn Anh, thôn Tân Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên). Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và bản tính cần cù, chịu khó, anh đã cung cấp cho thị trường mỗi ngày hàng chục kg rau sạch, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới.

 

23/03/2018
Những đảng viên tiên phong khởi nghiệp ở Bắc Quang

BHG - Vào trung tuần tháng 3, theo chân cán bộ Huyện đoàn Bắc Quang, chúng tôi được "mục sở thị" nhiều mô hình phát triển kinh tế của các đảng viên. Những ngày này, tại Hợp tác xã (HTX) Thanh niên sản xuất hoa và rau an toàn thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh, những luống hoa cúc cuối cùng đang được thu hoạch để nhường đất cho việc gieo trồng các loại rau, củ mới. Xuất phát từ ý tưởng đưa cây hoa ly, đào và các sản phẩm nông nghiệp sạch vào sản xuất trong nhà lưới để cung cấp cho thị trường Hà Giang, phương án sản xuất kinh doanh của HTX đã được huyện Bắc Quang chọn là một trong những phương án điểm để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Thông qua cơ chế cho vay đầu tư có thu hồi của huyện, HTX được tiếp cận nguồn vốn vay 250 triệu đồng không lãi suất  trong thời gian 3 năm từ Quỹ thanh niên khởi nghiệp của huyện để đầu tư sản xuất kinh doanh...

 

21/03/2018
KHỞI NGHIỆP

LTS:  Phát huy nội lực để phát triển KT – XH, đưa tỉnh ta thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn là một chủ trương lớn của tỉnh, đã và đang được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động, trong đó có chương trình KHỞI NGHIỆP. Từ tháng ba này, Báo Hà Giang mở chuyên mục KHỞI NGHIỆP nhằm tuyên truyền sâu rộng, cổ vũ kịp thời, góp phần cho KHỞI NGHIỆP thành công. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

21/03/2017