Thành công từ mô hình trồng cây lê xen canh và chăn nuôi tổng hợp

07:56, 15/09/2017

BHG - Trên con đường lập thân, lập nghiệp có nhiều cách làm, lĩnh vực để các bạn trẻ lựa chọn cho mình hướng đi riêng, vừa khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương nhưng cũng phù hợp với điều kiện, sở trường. Đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) Vi Học Lần, sinh năm 1986, dân tộc Hán, thôn Lán Xì B, xã Phố Cáo (Đồng Văn) là một trong số những người như thế. Ngay khi xác định hướng khởi nghiệp, anh đã chọn, thực hiện thành công mô hình trồng cây lê hàng hóa xen canh với trồng ngô, đậu tương và chăn nuôi tổng hợp, bước đầu mang lại thu nhập khá, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương.

Vườn lê của gia đình anh Vi Học Lần mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.     					Ảnh: HOÀNG NGỌC
Vườn lê của gia đình anh Vi Học Lần mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Ảnh: HOÀNG NGỌC

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, nhà đông anh em nên khi anh Vi Học Lần xây dựng gia đình, bố mẹ cho ra ở riêng, tài sản của anh không có gì đáng giá ngoài gần 1 ha đất đồi tạp bạc màu và ít đất trồng ngô. Nhìn vào thực tế nhiều ĐVTN ở thôn, xã lúc mới lập gia đình cũng nghèo như anh, dù chịu khó làm ăn, gặp thời thiết thuận lợi ngô được mùa cũng chỉ đủ ăn. Với ý chí, quyết tâm tìm hướng làm kinh tế mới để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, Vi Học Lần đã bàn với vợ là Lưu Thị Thơm, cũng là một ĐVTN trẻ, có khát vọng làm giàu vay tiền ngân hàng, cùng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng hai bên gia đình khai phá diện tích đất đồi bạc màu thành ruộng trồng lê Đài Loan xen canh với trồng ngô, đậu tương.

Năm 2015, huyện Đồng Văn có chủ trương hỗ trợ vốn, giống, phân bón, kỹ thuật... cho người dân trồng cây lê hàng hóa. Tất cả các hộ có diện tích lê đã trồng, có nhu cầu trồng, tham gia trồng mới cây lê đều được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo và tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm. Nắm bắt được chủ trương đó, gia đình anh Lần đã đăng ký tham gia, cùng với diện tích đất được khai phá, đất trước kia trồng ngô anh chuyển sang trồng xen canh với cây Lê hàng hóa trên diện tích gần 1 ha, được cán bộ kỹ thuật của huyện, xã xuống hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật về chăm sóc, tỉa cành, bón phân. Do được chăm sóc tốt, vụ lê đầu tiên năm 2017 vừa qua, gia đình anh Lần đã có 300 cây lê cho thu hoạch; trung bình mỗi cây cho thu từ trên dưới 10 - 30 kg quả, với giá bán bình quân 12.000 đồng/kg. Cùng với thu hoạch quả lê, gia đình anh Lần cũng thu được một lượng lớn ngô hạt và đậu tương từ trồng xen canh với cây lê.

Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, tận dụng được những sản phẩm từ nông nghiệp, gia đình anh Lần đã dành tiền đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, ngan với gần 200 con các loại và 10 con lợn thịt. Theo anh Lần, từ tiền bán lê, nuôi gà, ngan, lợn mỗi năm trừ chi phí cũng để ra được khoảng 60 triệu đồng. Số tiền trên không quá lớn nhưng đối với một hộ gia đình ở vùng cao biên giới, phải canh tác ở vùng đất khắc nghiệt thu nhập như thế là khá cao so với mặt bằng chung của người dân trong vùng.

 Cũng theo anh Lần, việc trồng cây lê hàng hóa xen canh với trồng ngô, đậu tương không chỉ tăng năng suất, sản lượng cây trồng mà còn làm cho đất mầu mỡ, tơi xốp hơn. Trong thời gian tới, gia đình anh sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng Lê hàng hóa xen canh với việc trồng thêm rau xanh, hành, rau thơm trái vụ vào vụ Đông; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch. 

HOÀNG NGỌC


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn viên Lý Thị Minh khởi nghiệp từ mô hình phát triển kinh tế gia đình

BHG - Đầu tháng 8 này, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình đoàn viên Lý Thị Minh, sinh năm 1982, tại thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. Đây là một trong những mô hình thanh niên "khởi nghiệp" đầy triển vọng trên địa bàn huyện Quang Bình. 

31/08/2017
Vi Hồng Tưởng vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng

BHG- Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà (Mèo Vạc). Từ nhỏ, Vi Văn Tưởng (sinh năm 1994) đã phải theo bố, mẹ lên nương làm rẫy. Thấu được sự nhọc nhằn, vất vả của bố mẹ, Tưởng đã cố gắng học tập, mong muốn sau này có kiến thức để thoát khỏi cảnh đói, nghèo. 

29/08/2017
Giám đốc trẻ truyền cảm hứng khởi nghiệp trên quê hương Việt Lâm

BHG - Là một trong những người trẻ tuổi được tiếp cận với phong trào khởi nghiệp từ rất sớm; năm 2013, khi còn là sinh viên năm thứ nhất Học viện Lâm nghiệp Việt Nam, chàng thanh niên trẻ Hà Ngọc Châm đã tham gia vào CLB Khởi nghiệp của Thành đoàn Hà Nội. 

28/07/2017
Trần Xuân Hưởng xây dựng thành công Thương hiệu Mật ong Phong Hưởng

BHG- Trong thời gian qua, trên địa bàn thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong các lĩnh vực, từ phát triển chăn nuôi bò, dê, ong, trồng ớt gió đến làm dịch vụ du lịch, kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, sản xuất vật liệu xây dựng do các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) làm chủ. 

27/06/2017