Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
BHG - Mới sau hơn một tháng triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, đến nay đã có gần 600 ngôi nhà của người có công, hộ nghèo, cận nghèo đang được xây mới, sửa chữa và trong số đó nhiều ngôi nhà sẽ xong trước Tết Nguyên đán để nhân dân vui Xuân, đón Tết. Nổi bật như huyện Yên Minh đến hết ngày 29.11 có 141/199 hộ đã khởi công đạt 70,9%. Trong đó: Số hộ hoàn thành là 5 hộ; số hộ khởi công hoàn thành dưới 30% là 86 hộ; số hộ khởi công hoàn thành từ 30-50% là 15 hộ; số hộ khởi công hoàn thành từ trên 50-70% là 30 hộ; số hộ khởi công hoàn thành từ trên 70-90% là 5 hộ. Huyện Hoàng Su Phì đã khởi công 115 /199 hộ, trong đó 7 hộ đã thực hiện đạt 70% trở lên và 41 hộ đã thực hiện đạt 50% trở lên. Có thể thấy, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh ta đã có sức lan tỏa lớn, và trở thành một biểu tượng của sự đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng.
Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo
Đoàn viên, thanh niên xã Cán Tỷ (Quản Bạ) đào móng giúp gia đình anh Hạng Mí Sử, thôn Đầu Cầu 1 xây nhà mới. |
Triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30.10.2024, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã tổ chức hội nghị lần thứ 24, quán triệt: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ và việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên địa bàn tỉnh, thể hiện trách nhiệm, đạo lý “thương người như thể thương thân”, góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người nghèo, người yếu thế, để không ai bị bỏ lại phía sau. Thể hiện tinh thần, khí thế, quyết tâm chính trị của tỉnh trong phong trào thi đua cùng cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Để đảm bảo thống nhất trong lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, BTV Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát do đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân nhiệm cụ thể làm cơ sở để BCĐ, các thành viên và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện chương trình đồng bộ và hiệu quả. Thành lập BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp huyện, xã; yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện rà soát nghiêm túc, thực chất, đúng đối tượng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tính chính xác của số liệu báo cáo.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy – Trưởng BCĐ cho biết: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà còn là trách nhiệm, tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với người có công, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác. Trên tinh thần đó, BCĐ đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc; triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng theo mốc thời gian đã thống nhất. Đồng thời quán triệt phương châm thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ”; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm.
Những kết quả ấn tượng
Các lực lượng xã Má Lé (Đồng Văn) giúp người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát. |
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh xã hội, giai đoạn 2019 – 2024 toàn tỉnh có 19.553 nhà được hỗ trợ xây mới, sửa chữa thuộc các chương trình như: Chương trình 1953, chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình nhà Đại đoàn kết, Mái ấm công đoàn, nhà Chữ thập đỏ; chương trình hỗ trợ nhà bị thiệt hại bởi thiên tai với tổng kinh phí đã hỗ trợ hơn 903 tỷ đồng.
Theo rà soát của các huyện, thành phố đến 15.11.2024, tổng số hộ cần hỗ trợ nhà ở là 6.481 hộ (xây mới 5.529 nhà, sửa chữa 952 nhà). Cụ thể: Hộ người có công cần được hỗ trợ 83 hộ (xây mới 43 nhà, sửa chữa 40 nhà); hộ nghèo, cận nghèo thuộc danh sách hỗ trợ từ các Chương trình MTQG 3.857 hộ (xây mới 3.147 hộ, sửa chữa 710 hộ); hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát 2.541 hộ (xây dựng mới 2.339 nhà, sửa chữa 202 nhà). Về thời gian thực hiện, đối với hộ người có công hoàn thành nhà ở trong quý II/2025; đối với hộ nghèo, cận nghèo thuộc danh sách hỗ trợ từ Chương trình MTQG phải hoàn thành trước ngày 31.12.2025; đối với hộ nghèo, cận nghèo theo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ hoàn thành từ tháng 11.2024 đến hết tháng 7.2025.
Ngôi nhà đầu tiên trong chương trình được khởi công là của gia đình anh Hạng Mí Sử, cư trú ở xóm 2, thôn Đầu Cầu I, xã Cán Tỷ (Quản Bạ). Gia đình có 5 khẩu, thuộc hộ nghèo, đang sống trong ngôi nhà được quây tạm bằng phên tre đã xuống cấp nghiêm trọng, con bị ốm thường xuyên, sản xuất nông nghiệp manh mún, thu nhập bấp bênh; dù vợ Sử đã đi lao động trong và ngoài tỉnh nhưng do chữa bệnh cho con nên không có tích lũy để làm nhà mới. Đợt này, gia đình anh Sử được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây nhà có diện tích 90 m2 theo kiến trúc truyền thống dân tộc Mông; quá trình xây dựng sẽ được chính quyền địa phương và cộng đồng giúp đỡ thêm về vật liệu, ngày công. Ngôi nhà dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 1 tháng thi công.
Ngôi nhà ông Chủ Thông Tài, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), được xây dựng từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh sắp hoàn thành đưa vào sử dụng. |
Anh Sử chia sẻ trong xúc động: “Gia đình tôi rất mừng khi sắp có được ngôi nhà mới kiên cố; càng phấn khởi khi ngôi nhà sẽ được hoàn thành trước Tết Nguyên đán, vậy là Tết này gia đình sẽ có nhà mới đón Tết rồi. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; cảm ơn cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã hỗ trợ gia đình tôi về vật chất, ngày công để gia đình tôi sớm xây xong nhà mới”.
Có thể thấy, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh ta có sức lan tỏa rộng lớn. Đến nay, sau hơn 1 tháng thực hiện đã có gần 600 ngôi nhà của người có công, hộ nghèo, cận nghèo đang được xây mới, sửa chữa với tiêu chí “3 cứng” (cứng nền, cứng tường và cứng mái).
Sức mạnh cộng đồng
Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là câu chuyện về những ngôi nhà mới mà còn là bài học về sự đoàn kết. Nhiều tổ chức, cá nhân không ngần ngại góp công, góp của. Cùng với đó, các chương trình từ thiện, quỹ hỗ trợ và những chiến dịch kêu gọi đóng góp từ cộng đồng đã tạo thành nguồn lực to lớn để thực hiện mục tiêu này. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng phát huy vai trò dẫn dắt, vận động người dân tự giác tham gia phong trào. Các gia đình được hỗ trợ không chỉ nhận nhà mới mà còn được hướng dẫn cách cải thiện thu nhập, ổn định đời sống lâu dài.
Hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát vẫn còn nhiều thách thức, nhưng những thành tựu đạt được bước đầu là minh chứng cho ý chí, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và lòng nhân ái của cộng đồng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào, với mục tiêu không chỉ xóa hết nhà tạm mà còn xây dựng một Hà Giang phát triển bền vững.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc