Xếp hạng, xếp lương theo quy định mới phải bảo đảm quyền lợi giáo viên
Chiều 26/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về một số vấn đề vướng mắc về bổ nhiệm, xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh những đổi mới trong việc bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để chuẩn hoá, xếp hạng giáo viên; lương của giáo viên được xếp theo trình độ chuẩn được đào tạo quy định trong Luật Giáo dục 2019,… đại diện các bộ, ngành cũng đã phân tích, làm rõ những vấn đề bất cập phát sinh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên trong biên chế như việc chuyển xếp hạng theo quy định mới chưa tính đến trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa đạt chuẩn theo quy định và quá trình giảng dạy của 1 bộ phận giáo viên; các địa phương chưa triển khai thống nhất việc bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên;… Đồng thời, tại cuộc họp cũng bàn đến vấn đề giáo viên hợp đồng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ sẽ khẩn trương tổng hợp thông tin phản ánh về những tồn tại, bất cập liên quan đến bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên, làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung thông tư nhằm bảo đảm quyền lợi của giáo viên và phù hợp với những quy định mới tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm, động viên thầy trò trường THCS Phú Đông, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang trong chuyến công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chiều 19/11. |
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu việc sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi, “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát nguyện vọng, thu thập phản ánh của giáo viên cả nước về xếp hạng, xếp lương, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng những ý kiến đóng góp xác đáng vào thông tư mới, có kế hoạch để triển khai thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc sau khi ban hành, không để giáo viên bị thiệt thòi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính rà soát những vấn đề bất cập liên quan đến chế độ, chính sách lương, phụ cấp đối với giáo viên hợp đồng đúng theo công việc giảng dạy đang thực hiện; rà soát lộ trình sắp xếp, cơ cấu lại giáo viên ở các địa phương theo hướng giảm nhưng không để thiếu giáo viên đứng lớp.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường quản lý việc thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên tại các địa phương.