Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
BHG - Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025”, tỉnh ta tích cực triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền bằng các hình thức dễ hiểu, dễ nhớ và đạt được những kết quả tích cực, giúp thế hệ con, cháu khi sinh ra có cơ thể khỏe mạnh, phát triển đầy đủ về trí tuệ.
Cán bộ xã Sủng Là (Đồng Văn) tuyên truyền tới người dân về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Đức Ninh |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT), trong đó chủ yếu là nhận thức của đồng bào DTTS còn hạn chế về nhiều mặt, mang nặng tư tưởng lạc hậu, bố mẹ thường lên nương, đồi lao động sản xuất ít có thời gian bên con để sẻ chia những thay đổi tâm sinh lý của tuổi dậy thì.
Kết hôn sớm khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, khi sinh ra trẻ em có thể ảnh hưởng lớn đến tầm vóc, thể lực, thậm chí xảy ra trường hợp sinh thiếu tháng có nguy cơ tử vong cao. Kết hôn cận huyết thống hay xảy ra sinh con dị dạng, mắc nhiều bệnh di truyền: Bạch tạng, mù màu, tan máu bẩm sinh, da vảy cá… những bệnh này mở đầu cho cuộc sống tàn phế theo suốt cuộc đời, gây hệ lụy khôn lường.
Hà Giang là tỉnh miền núi có 19 dân tộc anh em cùng chung sống, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 87,67%; trong đó, dân tộc Mông chiếm 34,24%, Dao 14,88%, Nùng 9,53%... Có 5 DTTS dưới 10.000 người gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao. Hầu hết đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi cao, địa hình chia cắt và thường hay xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt.
Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025” tập trung thực hiện ở 7 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Tỉnh tập trung phổ biến quán triệt Quyết định số 498 ngày 14.4.2015 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản liên quan đến TH&HNCHT thông qua các hình thức: Hội nghị, hội thảo, các cuộc thi, sân khấu hóa, sinh hoạt câu lạc bộ, các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông bằng tiếng dân tộc. Trong đó, nổi bật như: Tổ chức thi phòng, chống tệ nạn TH&HNCHT cho học sinh Trường PTDT Nội trú THCS&THPT Yên Minh; hội thảo tại xã Chí Cà (Xín Mần); tuyên truyền tại các huyện với 11.214 lượt hoạt động truyền thông, thu hút 1.238.900 người tham gia; cấp phát trên 10.000 tờ rơi; 2.000 cuốn tài liệu tuyên truyền, có song ngữ Việt – Mông; 1.000 cuốn sổ tay; 500 đĩa video; 941 pa nô, áp phích... Nhiều địa phương phân công nhiệm vụ cho cán bộ chuyên trách dân số, tư pháp xã thường xuyên theo dõi, quản lý đối tượng vị thành niên, thu thập thông tin, dự báo trước các trường hợp kết hôn, cặp có khả năng kết hôn trước tuổi, kết hôn cận huyết thống để tư vấn, can thiệp kịp thời; đồng thời nâng cao ý thức tự giác trong thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình. Tại các trường, học sinh được cán bộ địa phương, thầy, cô giáo, Đoàn Thanh niên của nhà trường tổ chức các buổi thảo luận, trao đổi, trả lời những thắc mắc giúp học sinh bày tỏ những quan điểm về sức khỏe sinh sản, dấu hiệu thay đổi tâm sinh lý tuổi mới lớn.
Từ năm 2016 – 2020, nhiều địa phương triển khai thực hiện tốt việc giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT, tiêu biểu như: Xã Chí Cà (Xín Mần) năm 2016 có 8 cặp tảo hôn, 1 cặp hôn nhân cận huyết thống, đến năm 2019 không có trường hợp nào vi phạm; xã Nà Khương (Quang Bình) năm 2018 có 2 cặp tảo hôn, đến năm 2020 không xảy ra vi phạm; xã Thanh Vân (Quản Bạ) năm 2019 có 1 cặp tảo hôn đến năm 2020 không có trường hợp nào vi phạm; xã Lao Và Chải (Yên Minh) năm 2018 có 16 cặp tảo hôn, 1 cặp hôn nhân cận huyết thống, đến năm 2020 chỉ còn 5 cặp tảo hôn; xã Sùng Trà (Mèo Vạc) năm 2019 có 8 cặp tảo hôn, Ban Chỉ đạo xã đã xử lý theo quy ước thôn, phạt vi phạm hành chính và vận động được 4 học sinh tiếp tục quay lại trường học tập, đến năm 2020 không xảy ra vi phạm…
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh: Các hoạt động tuyên truyền đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội vùng đồng bào DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, giúp người dân nhận rõ tác hại của TH&HNCHT không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thế hệ sau, mà còn vi phạm pháp luật. Việc triển khai Đề án đã giảm thiểu được nhiều trường hợp TH&HNCHT. Thời gian tới, sẽ triển khai nhiều hoạt động phù hợp với các yếu tố văn hóa, giới tính, độ tuổi, riêng từng dân tộc nhằm nâng cao nhận thức, xóa bỏ những hủ tục, tăng cường vận động thanh, thiếu niên, gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, qua đó giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT, nâng cao chất lượng dân số.
ĐỨC NINH