Lợi ích từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

08:40, 14/04/2021

BHG - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thực hiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng, độ che phủ rừng và chất lượng rừng được nâng lên, cải thiện đời sống của người dân. Năm 2013 tỉnh ta bắt đầu thực hiện chính sách chi trả DVMTR, từ đó công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, bà con cùng bảo vệ, chăm sóc, hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR. Năm 2020, có 342.108,83 ha/459.804,50 ha rừng được chi trả tiền DVMTR (chiếm 74,4% diện tích rừng toàn tỉnh). Trong đó, chủ rừng là tổ chức 49.611,50 ha; chủ rừng là cá nhân, hộ dân 83.381,79 ha; chủ rừng là cộng đồng dân cư 942,87 ha; tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng 74,61 ha; UBND cấp xã quản lý (163 xã, phường, thị trấn) 208.098,06 ha.

Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc.
Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc.

Ông Đinh Xuân Lượng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Tổng số tiền thực hiện chi trả DVMTR trong năm 2020 là 247.624,755 triệu đồng; tổng số tiền đã chi trả 132.677,074 triệu đồng. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMRT trên địa bàn toàn tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng; nhận thức của người dân về quản lý bảo vệ rừng được nâng lên; không còn hiện tượng lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy, nạn tàn phá, khai thác gỗ rừng trái phép giảm đáng kể; đời sống của người dân về vật chất và tinh thần được cải thiện; hàng năm người dân có nguồn thu nhập ổn định, bình quân là 1.133.599 đồng/hộ/năm; nhiều hộ gia đình có nguồn thu đạt trên 40 triệu đồng/năm. 

Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn đã thành lập Tổ quần chúng bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại các thôn được  quần chúng bảo vệ rừng được trang bị bảo hộ lao động, dụng cụ tuần tra canh gác rừng. Qua đó, số vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản giảm cả 3 tiêu trí (số vụ vi phạm, số diện tích và số lâm sản bị thiệt hại). Kể từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, tình trạng sản xuất trên nương giảm do người dân được hưởng lợi từ việc giữ rừng.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Hà Giang, Nguyễn Mạnh Hà khẳng định: Chính sách chi trả DVMTR đã thu hút lực lượng lao động lớn trong dân, nhất là vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các cấp, ngành cho nên việc chi trả DVMTR góp phần lớn vào công tác bảo vệ rừng. Từ khi triển khai thực hiện chính sách, không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, PCCCR, mà còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập. Ngoài việc chi cho công tác bảo vệ rừng, làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, các xã, phường còn sử dụng tiền DVMTR mua trang thiết bị cho tổ công tác, cây giống cho người dân, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người dân vì thế rừng không còn bị phá, diện tích được tăng lên. Tuy nhiên, việc chi trả DVMT rừng còn gặp khó khăn, do nhiều hộ dân vùng sâu, xa không quan tâm tới bìa đỏ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nên việc chi trả còn vướng mắc. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân kiến thức, kỹ năng trong việc sản xuất trên nương đảm bảo an toàn, thường xuyên phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn tuần tra kiểm soát rừng, bảo vệ rừng, PCCCR, phát hiện các hành vi xâm hại rừng.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỂN

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Người dân cần lưu ý gì?

Từ ngày 1-1-2021, quy định thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có hiệu lực. Quy định này tạo thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế, nhưng cũng được dự báo tạo "áp lực" không nhỏ lên Quỹ bảo hiểm y tế. 

31/12/2020
Thủ tướng đồng ý ban hành chuẩn nghèo mới

Chiều 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020, chủ yếu bàn về công tác xây dựng thể chế chính sách, pháp luật.

 

30/12/2020
Tết Nguyên đán Tân Sửu có 7 ngày nghỉ

Người lao động sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 10 đến 16/2/2021, tức từ 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu. Ngày 26/11, Văn phòng Chính phủ thông báo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã duyệt phương án nghỉ Tết với năm ngày theo quy định và hai ngày nghỉ bù, do mùng 2 và 3 Tết (tức 13 đến 14/2/2021) trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật. Người lao động nghỉ bù mùng 4 và 5 tháng Giêng năm Tân Sửu, tức 15 đến 16/2/2021.

 

27/11/2020
Quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử

Mẫu thẻ Căn cước công dân (CCCD) theo Thông tư số 06 có gắn chíp điện tử và lưu trữ thông tin cơ bản của công dân, cùng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Thông tư số 06/2021/TT-BCA quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân (Thông tư số 06), gồm 05 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 23-01-2021 đã được Bộ trưởng Công an ký ban hành.

 

27/01/2021