Hiểu đúng về bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 03/2021/NĐ-CP về Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới và sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/3/2021.
Đây là loại hình bảo hiểm mà các chủ xe bắt buộc mua, với nhiều điều khoản thay đổi so với các quy định cũ. Người dân cần nắm rõ các quy định mới để biết được các quyền lợi và trách nhiệm khi sở hữu xe và tham gia giao thông.
Có mấy loại bảo hiểm xe máy?
Xe máy có 2 loại bảo hiểm là bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.
- Bảo hiểm bắt buộc: Theo Nghị định 03, chủ xe cơ giới tham gia giao thông và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo Điều 3 của Nghị định, chủ xe cơ giới được hiểu là chủ sở hữu xe hoặc được chủ sở hữu xe giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe cơ giới.
Nghị định quy định xe cơ giới bao gồm ô tô, xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện). Bảng giá phí bảo hiểm bắt buộc (chưa bao gồm VAT) theo Thông tư số 04/2021/TT-BTC ngày 15/1/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:
TT |
Loại xe |
Phí bảo hiểm (VNĐ) |
1 |
Mô tô 2 bánh từ 50 cc trở xuống |
55.000 |
2 |
Mô tô 2 bánh trên 50 cc |
60.000 |
3 |
Xe máy điện |
55.000 |
- Bảo hiểm tự nguyện:
Bảo hiểm xe máy tự nguyện không thuộc loại bảo hiểm quy định bắt buộc phải mua theo quy định của pháp luật, do vậy việc có hay không sẽ không liên quan tới việc xử phạt của cảnh sát.
Sự khác biệt lớn nhất của 2 loại hình bảo hiểm này là bảo hiểm bắt buộc nhằm mục đích đảm bảo khả năng thực hiện nghĩa vụ bồi thường của chủ xe với bên thứ ba khi gây tai nạn cho người và gây thiệt hại cho tài sản của họ. Việc các đơn vị bảo hiểm đứng ra bồi thường theo quy định của Nhà nước sẽ giúp chủ xe có thể giảm bớt áp lực tài chính, an tâm hơn để khắc phục hậu quả cho các sự cố tai nạn.
Trong khi đó, bảo hiểm tự nguyện nhằm bồi thường cho chính chủ xe/lái xe và người ngồi trên xe khi gặp tai nạn bất ngờ, bồi thường thiệt hại cho chủ xe khi xe bị cháy nổ, hỏa hoạn, mất cắp…
Như vậy, điểm giống nhau giữa hai loại hình bảo hiểm này là cùng bảo vệ tài chính cho chủ xe; điểm khác nhau là bảo hiểm bắt buộc nhằm đảm bảo lợi ích công cộng và an sinh xã hội, còn bảo hiểm bắt buộc nhằm bảo vệ trước hết cho người mua bảo hiểm.
Mức phí bảo hiểm tự nguyện bao gồm phí bảo hiểm vật chất sẽ được tính tùy vào từng loại xe và phí bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe sẽ tùy vào số người tham gia.
Mức bồi thường tối đa
Theo Điều 4, Thông tư 04/2121/TT-BTC có quy định mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người và tài sản do xe máy gây ra. Mức trách nhiệm bảo hiểm được hiểu là số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả cho thiệt hại về người và tài sản trong mỗi vụ tổn thất xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.
Theo đó, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn.
Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) gây ra là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.
Thời gian chi trả bồi thường và quy định về tạm ứng bồi thường
Khoản 2, Điều 14 của Nghị định quy định: “Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được Bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng”.
Như vậy, luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải lập tức tạm ứng khi chủ xe chưa hoàn thành hồ sơ yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 3 ngày này, doanh nghiệp sẽ phải xác định tai nạn thuộc phạm vi bồi thường hay không để đưa ra mức bồi thường thiệt hại:
* Trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:
- 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 105 triệu đồng).
- 50% mức bồi thường Bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu (tương ứng 75 triệu đồng).
* Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:
- 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 45 triệu đồng).
- 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu (tương ứng 15 triệu đồng).
Chính sách mới về bảo hiểm bắt buộc xe máy được đánh giá có tác động rất tích cực cả đối với đối tượng tham gia giao thông cũng như là cả đối với tác động về mặt xã hội. Cụ thể, tất cả các bên đến vụ tai nạn đều sẽ được hỗ trợ kịp thời, trong đó nạn nhân tai nạn giao thông được giúp khắc phục tổn thất về người và tài sản, còn chủ xe và lái xe cũng nhanh chóng ổn định cuộc sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Theo: BHXHVN
Ý kiến bạn đọc