Cảnh sát giao thông sẽ hạn chế lập chốt trên đường

16:38, 21/10/2020

Thay vì lập chốt như hiện nay, cảnh sát giao thông hướng tới xử phạt qua camera và chỉ tuần lưu, giải quyết tai nạn giao thông.

CSGT xử phạt vi phạm giao thông ở khu vực trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hồi tháng 6.
CSGT xử phạt vi phạm giao thông ở khu vực trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hồi tháng 6.

Đây là một trong những mục tiêu của đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" do Cục Cảnh sát giao thông đang xây dựng.

Theo đó, đề án hướng tới việc tất cả lỗi vi phạm giao thông sẽ có hệ thống camera giám sát ở các tuyến đường ghi lại làm chứng cứ điện tử. Cảnh sát chỉ lập chốt xử lý lỗi không thể phát hiện bằng quan sát như vi phạm nồng độ cồn, ma tuý, cân tải trọng.

Chưa có mốc thời gian cụ thể đề án hoàn thiện và thực thi, tuy nhiên, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho biết đề án đã được trình lãnh đạo Bộ Công an để xem xét điều chỉnh, bổ sung. Việc này sẽ được thực hiện sớm nếu hoàn thiện hệ thống hạ tầng camera giám sát trên toàn quốc.

"Lúc đó, cảnh sát chỉ làm nhiệm vụ tuần lưu, điều tiết, chỉ huy dẫn đoàn, giải quyết tai nạn giao thông là chính", đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cảnh sát giao thông cho biết, ngày 20/10.

Về giải pháp tránh tiêu cực và hình ảnh không đẹp về cảnh sát trong quá trình xử phạt, ngoài việc hạn chế cảnh sát làm nhiệm vụ ngoài đường, đề án cũng tính đến việc trang bị đồng bộ camera cho cảnh sát để ghi lại toàn bộ quá trình tuần lưu.

Để đạt được các kỳ vọng trên, Cục đã cùng lãnh đạo Bộ thử nghiệm cho xe cảnh sát tuần lưu gắn camera, định vị đi trên đường và truyền về trung tâm. Với phương thức này, người chỉ huy ngồi ở nhà có thể nắm xe cảnh sát tuần lưu ở đâu, thuộc cấp có làm nhiệm vụ hay không, đang đi hướng nào, từ đó có thể giám sát và điều phối trong trường hợp khẩn cấp.

Cũng liên quan vấn đề này, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự mới nhất được Bộ Công an trình Quốc hội cũng đề xuất hệ thống camera của các đơn vị, địa phương sẽ tích hợp, chuyển cho Bộ Công an quản lý. Việc này được cho rằng giúp khai thác và sử dụng vì mục đích chung đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu sự hiện diện của cảnh sát giao thông trên đường...

Theo Thông tư 65 của Bộ Công an có hiệu lực từ 5/8, cảnh sát giao thông có ba hình thức kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường gồm: tuần tra, kiểm soát cơ động; lập chốt xử lý tại trạm hoặc tại một điểm trên đường; tuần tra kết hợp giữa cơ động với kiểm soát tại một điểm hoặc tại trạm.

Tuy nhiên Thông tư không quy định cụ thể cách bao nhiêu xa được lập chốt kiểm soát trên đường. Riêng trên cao tốc, cảnh sát giao thông không lập chốt xử lý vi phạm mà chỉ được tuần tra đi động, lập trạm kiểm soát ở hai đầu, điểm ra vào cao tốc, tại vị trí trạm thu phí để đảm bảo an toàn.

Trên hầu hết các tuyến cao tốc, hiện Cục Cảnh sát giao thông đầu tư hàng trăm camera giám sát tự động, trong có loại camera có thể phát hiện hơn chục lỗi như quá tốc độ, lấn làn, vượt sai, dừng đỗ và không thắt dây an toàn... Nhà chức trách còn phạt nguội qua hình ảnh người dân cung cấp, qua kênh báo chí, mạng xã hội.

Theo vnexpress.net


Cùng chuyên mục

Một số chính sách nổi bật có hiệu lực tháng 9/2020

Đăng ký khai sinh muộn không còn bị phạt; Tăng mạnh mức phạt với người ngoại tình; Phạt đến 30 triệu đồng nếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo; Trạm thu giá trở lại tên gọi "Trạm thu phí"... là một số quy định nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2020.

 

31/08/2020
Hàng loạt qui định quan trọng có hiệu lực từ tháng 8/2020

Chỉ 4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện; Cấp biển số màu vàng cho xe kinh doanh vận tải… là những chính sách nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2020.

31/07/2020
Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10.2020

Tháng 10 này, nhiều chính sách quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân như người dùng được chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác; thêm nhiều công việc yêu cầu nghiêm về an toàn lao động; bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng...sẽ chính thức có hiệu lực.

30/09/2020
Vì sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số

BHG - Ngày 28.5 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030. Với đặc thù một tỉnh có phần lớn dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, chương trình khi được triển khai sẽ có ý nghĩa, tác động lớn tới các chủ trương, chính sách của tỉnh với các địa phương đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

29/05/2020