Nhiều chính sách bảo tồn văn hóa dân tộc Cờ Lao

08:48, 24/10/2019

BHG - Năm 2011, Đề án phát triển KT – XH vùng dân tộc Cờ Lao tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 – 2020 được phê duyệt; theo đó, 517 hộ dân tộc Cờ Lao đang sinh sống ở các huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Vị Xuyên và Bắc Quang được hưởng các chính sách hỗ trợ từ đề án này. Nhờ có những chính sách hỗ trợ đó, đến nay, đời sống các hộ dân tộc Cờ Lao trên địa bàn huyện Đồng Văn có sự đổi thay rõ rệt; từng bước thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương ngày một phát triển.

Phần thi đan lát được tổ chức trong Lễ cũng thần Rừng của người Cờ Lao.
Phần thi đan lát được tổ chức trong Lễ cúng thần Rừng của người Cờ Lao.

Đồng bào Cờ Lao ở Đồng Văn chủ yếu sinh sống ở 2 xã Sính Lủng và Phố Là với 151 hộ, 657 khẩu; chiếm khoảng 4,2% dân số toàn huyện. Để thực hiện đề án, Ban Dân tộc tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

Phụ nữ dân tộc Cờ Lao trong trang phục truyền thống.
Phụ nữ dân tộc Cờ Lao trong trang phục truyền thống.

Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, định hướng phát triển kinh tế cho đồng bào Cờ Lao; năm 2017, chương trình hỗ trợ nuôi dê sinh sản cho hộ nghèo người dân tộc Cờ Lao được triển khai toàn diện; với chương trình này, các hộ nhận được từ 30 đến 35 kg dê giống để phát triển chăn nuôi và đã có 52 hộ được nhận dê giống với tổng số 157 con. Cùng đó, các buổi tham quan những mô hình sản xuất hiệu quả và tập huấn khuyến nông được thực hiện thường xuyên hơn... Đặc biệt, để sớm ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo, chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm cũng được triển khai thực hiện cho 47 hộ nghèo tại 2 xã. Theo đó, mỗi hộ sẽ nhận được 8,4 triệu đồng để mua vật liệu xây dựng; nhờ đó, đến năm 2018, 135 hộ dân tộc Cờ Lao trên địa bàn huyện đã được sống trong những ngôi nhà kiên cố. Các Chương trình 135, Quyết định 755, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được huyện sử dụng linh hoạt, hiệu quả. Những cây, con giống mới được đưa vào đã tác động mạnh đến ý thức sản xuất của người dân; nhiều gia đình đã biết phát triển kinh tế gia trại, trang trại với quy mô nhỏ và vừa. Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo trong dân tộc Cờ Lao là 115 hộ; đến năm 2018 giảm xuống 95 hộ.

Dân tộc Cờ Lao còn được biết đến là dân tộc thiểu số có nền văn hóa riêng biệt và những truyền thống đậm đà bản sắc. Bên cạnh sự hỗ trợ phát triển kinh tế, vấn đề về phát triển văn hóa, thông tin, y tế, giáo dục cho người đồng bào dân tộc Cờ Lao cũng được đẩy mạnh; công tác đào tạo nghề được quan tâm… Huyện đã lắp đặt Trạm truyền thông không dây, chiếu phim lưu động, cấp máy thu thanh cho các hộ, hỗ trợ bộ nhạc cụ dân tộc truyền thống; thành lập và duy trì các đội văn nghệ thôn, bản; các lễ hội, làng nghề từ lâu đời vẫn được bảo tồn và phát triển đến ngày nay, như: Lễ cúng thần Rừng, nghề đan lát, thêu dệt trang phục,… Từ nguồn hỗ trợ của đề án, huyện đã thành lập Làng nghề đan lát quẩy tấu tại xã Sính Lủng; phục dựng lại Lễ cúng thần Rừng tại 2 xã; tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân; đồng thời cũng giúp cho người dân nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa của dân tộc… Đặc biệt, để giữ gìn tiếng nói và trang phục của dân tộc, mỗi chị em phụ nữ người Cờ Lao được hỗ trợ 1 bộ trang phục truyền thống, sử dụng trong những sự kiện quan trọng; thay vì mặc trang phục của đồng bào Mông như trước đây. Từ những chính sách hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, phát triển kinh tế gia đình cho đến giữ gìn bản sắc văn hóa, y tế, giáo dục; đề án đã làm thay đổi đời sống của đồng bào dân tộc Cờ Lao trên Cao nguyên đá.

Nhờ có những chính sách hỗ trợ phù hợp, đến nay, tại những thôn người Cờ Lao sinh sống đã có những căn nhà xây khang trang, kiên cố; người dân đang dần có một cuộc sống ổn định, ấm no. Ông Nguyễn Văn Chiểu, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Văn cho biết: “Thực hiện Đề án của Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện Đồng Văn đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ; nhờ đó, đời sống của bà con đồng bào dân tộc Cờ Lao tại 2 xã của huyện đã có những đổi thay rõ rệt; từ nhận thức đến diện mạo Nông thôn mới. Hiện, đề án vẫn đang được tiếp tục triển khai với nhiều chính sách và đem lại hiệu quả thiết thực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc Cờ Lao trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung.”

Bài, ảnh:  MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quy tụ 2.933 hộ dân về nơi ở mới

BHG - Thực hiện Đề án Quy tụ dân cư, năm 2019 UBND tỉnh giao kế hoạch cho các địa phương triển khai thực hiện quy tụ 3.269 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét, vùng khó khăn về sống tập trung tại thôn bản; kinh phí hỗ trợ 60.380,5 triệu đồng.

 

29/08/2019
Điểm mới trong thi tuyển công chức với người dân tộc thiểu số

Ủy ban Dân tộc đang dự thảo Nghị định về chính sách đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số. Dự thảo Nghị định đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trình độ chuyên môn và năng lực trong xử lý công việc; am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

26/09/2019
Đề xuất lương cơ sở tăng lên mức 1,6 triệu đồng/tháng vào năm 2020

Theo đề xuất của Chính phủ, năm 2020 lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng (thêm 110.000 đồng/tháng). 

22/10/2019
Đưa tín dụng chính sách vào cuộc sống

BHG - Ngày 22.11.2014, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) (Chỉ thị 40) nhằm nâng cao hiệu quả TDCSXH, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng Nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển KT - XH tại địa phương.

 

 

22/08/2019