Không để phụ nữ dân tộc thiểu số bị bỏ lại phía sau
BHG - Là tỉnh miền núi có đông đồng bào DTTS cùng sinh sống; với những đặc điểm giới, định kiến xã hội, phụ nữ và trẻ em gái DTTS luôn ở vị trí yếu thế hơn trong gia đình, ngoài xã hội. Họ phải đối mặt với nhiều sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng kép cả về dân tộc và giới; điều này ảnh hưởng tới cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công trong bối cảnh phụ nữ DTTS thường nghèo, bấp bênh về thu nhập; bị tụt hậu trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hòa nhập xã hội; là nguyên nhân dẫn tới phụ nữ DTTS đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Phụ nữ xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) tiếp cận thông tin, văn hóa tại Bảo tàng tỉnh. |
Đồng hành cùng phụ nữ, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị em học tập, lao động và vươn lên trong cuộc sống. Một trong những hoạt động hỗ trợ bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét là Chương trình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, giai đoạn 2017 – 2025, với mục tiêu: Nâng cao hiểu biết cho phụ nữ về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo; khuyến khích các ý tưởng kinh doanh; đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế; hỗ trợ 500 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; thành lập 8 HTX do phụ nữ quản lý; tư vấn, hỗ trợ ít nhất 200 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác của phụ nữ mới thành lập. Sau gần 2 năm triển khai, phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa lớn. Các cấp, ngành đều chung tay hỗ trợ phụ nữ thực hiện ý tưởng sáng tạo; tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi của T.Ư và địa phương; nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho phụ nữ.
Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng cao. |
Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ thành lập 5 HTX do phụ nữ làm chủ, gồm: HTX Sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông, lâm nghiệp Hướng Dương, xã Linh Hồ và HTX Sản xuất rượu men lá truyền thống, dịch vụ nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, giao thông vận tải Thuận Thành, xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên); HTX Dịch vụ tổng hợp nông, lâm nghiệp, thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn và HTX Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn); HTX Sản xuất và phân phối bánh chưng gù bà Dung, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang). Thành lập và duy trì hoạt động trên 400 tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế, 37 tổ phụ nữ khởi sự kinh doanh; hỗ trợ trên 130 phụ nữ khởi sự kinh doanh theo hình thức phát triển kinh tế hộ. Tổ chức cho đại diện các HTX tham gia tập huấn kỹ năng lãnh đạo và phát triển kinh doanh; nâng cao năng lực cho Ban quản lý/Hội đồng quản trị tổ hợp tác và HTX; lập kế hoạch kinh doanh; hướng dẫn cơ sở xây dựng 10 đề án/kế hoạch kinh doanh tham gia Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019 do T.Ư Hội LHPN tổ chức.
Ngoài ra, Hội Phụ nữ các cấp đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với nhiều hình thức, như: Giúp đỡ ngày công, cây, con giống, vốn; tích cực khai thác, tín chấp các nguồn vốn cho hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế từ các tổ chức tín dụng; vận động hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện các hình thức tiết kiệm. Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển được triển khai tại 30 xã thuộc 5 huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì đã triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền, thành lập nhóm và giải ngân đến các nhóm tiết kiệm tín dụng. Các cấp Hội phối hợp với các ngành tổ chức dạy nghề cho lao động nữ; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... với hàng nghìn lượt người tham gia. Sau tập huấn, hầu hết các hội viên đều áp dụng kiến thức vào phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gia đình. Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP phát động được triển khai tại 5 xã biên giới của tỉnh gồm: Xín Cái (Mèo Vạc), Bát Đại Sơn (Quản Bạ), Má Lé (Đồng Văn), Thèn Chu Phìn (Hoàng Su Phì) và Lao Chải (Vị Xuyên) bước đầu mang lại hiệu quả. Thông qua các hoạt động hỗ trợ về công cụ sản xuất; vốn, con giống, xóa nhà tạm… đã từng bước nâng cao kiến thức cho phụ nữ DTTS vùng biên giới; khơi gợi ý chí vươn lên trong sản xuất, kinh doanh nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, các chương trình, kế hoạch về nâng cao chất lượng dân số, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình với sự ra đời và hoạt động hiệu quả của hàng trăm câu lạc bộ… góp phần đẩy lùi các hệ lụy và quan niệm sống lạc hậu, ảnh hưởng đến cuộc sống của phụ nữ DTTS. Từ đây, tỷ lệ phụ nữ DTTS được chăm sóc sức khỏe, xóa mù chữ và tiếp cận các dịch vụ công không ngừng tăng lên. Nhiều phụ nữ DTTS được học tập, tiếp cận KHKT và được bầu vào các vị trí lãnh đạo trong cơ quan Đảng, chính quyền ở địa phương.
Với sự đồng hành của toàn xã hội, phụ nữ DTTS đang ngày càng được trao nhiều cơ hội để vươn lên trong cuộc sống, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc