Đề án Quy tụ dân cư giúp hàng nghìn hộ dân có nơi ở mới an toàn
BHG - Với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, ổn định đời sống cho các hộ đang sinh sống rải rác ở vùng sâu, biên giới, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, giúp người dân có nơi ở mới an toàn, tốt hơn nơi ở cũ; trong giai đoạn 2011 – 2015, toàn tỉnh đã di dời được 4.401 hộ đến nơi ở an toàn theo Đề án Quy tụ dân cư (Đề án 105 của UBND tỉnh). Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2018 – 2020, toàn tỉnh phấn đấu di chuyển 4.692 hộ đến nơi ở mới theo Đề án 1631 của UBND tỉnh. Đến hết tháng 8.2019, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của bà con, tỉnh ta đã thực hiện được 2.933 hộ, đạt 89,7% kế hoạch năm và đạt 62,5% kế hoạch cả giai đoạn. Với tiến độ triển khai đã đạt được, cùng sự đồng thuận cao của các hộ dân, dự kiến Đề án quy tụ dân cư giai đoạn 2018 – 2020 của tỉnh sẽ “cán đích” trước một năm.
Ngôi nhà tại nơi ở mới của gia đình anh Lù Seo Cảnh, thôn Cốc Sọoc, xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì). |
Đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT cho biết: Ngay từ đầu năm, ngành đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ cấu nguồn vốn, sau đó tiến hành triển khai đến các huyện và xây dựng mục tiêu phấn đấu thực hiện Đề án cán đích trước 1 năm. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động nhân dân. Qua nhiều năm triển khai thực hiện, nhận thức của người dân về vấn đề quy tụ, ổn định dân cư được nâng lên, các hộ thuộc diện di dời sau khi có kế hoạch đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương chuyển đến nơi ở mới đảm bảo an toàn. Một số huyện thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm tỉnh giao và đề xuất xin thêm chỉ tiêu như Yên Minh, Mèo Vạc, Quang Bình. Trong quá trình thực hiện Đề án, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nên người dân sau khi chuyển đến nơi ở mới đều có nhà ở và ổn định sản xuất, không xảy ra tình trạng các hộ quay về nơi ở cũ. Khó khăn nhất trong thực hiện Đề án, đó là tìm đất ở và đất sản xuất cho người dân đã được giải quyết bằng việc phát huy tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng dân cư, mỗi hộ cùng san sẻ một phần đất của gia đình cho các hộ từ nơi khó khăn chuyển đến. Từ đó, không những giúp các hộ yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống mà còn góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Ngôi nhà xây kiên cố tại nơi ở mới của một hộ dân thuộc diện di chuyển tại xã Má Lé (Đồng Văn). |
Với chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ thôn biên giới, 32 triệu đồng/hộ thôn nội địa (thuộc xã biên giới), 20 triệu đồng/hộ xã nội địa và 10 triệu đồng/hộ ổn định tại chỗ; mức hỗ trợ cho các hộ thuộc phạm vi thực hiện Đề án không cao. Vì vậy, việc bố trí đất làm nhà ở cho các hộ gặp nhiều khó khăn do Đề án không bố trí kinh phí để các địa phương san ủi, tạo mặt bằng. Giải pháp được triển khai và thực hiện hiệu quả là các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ trong thôn, trong dòng họ tự thoả thuận trao đổi đất cho nhau để làm nhà ở và một phần các địa phương bố trí quỹ đất chưa sử dụng cho các hộ mới chuyển đến. Còn đối với đất sản xuất, các hộ vẫn thực hiện trên diện tích đã được giao từ trước để canh tác phục vụ đời sống do các hộ di chuyển chủ yếu trong thôn, trong xã. Chính vì vậy, việc di chuyển đến nơi ở mới đã đem lại những hiệu quả đáng mừng về mặt KT – XH, môi trường, QP – AN, không gây xáo trộn lớn trong sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Sinh sống tại thôn Cốc Sọoc, xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì), trước đây, cứ mỗi khi đến mùa mưa bão gia đình anh Lù Seo Cảnh lại sống trong lo sợ lũ quét và sạt lở đất. Từ ngày được chuyển đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn, các thành viên trong gia đình đều phấn khởi và tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Anh Cảnh cho biết: “Ban đầu, khi được vận động đến nơi ở mới, chúng tôi cũng rất băn khoăn vì ngại thay đổi chỗ ở, lại xa đất canh tác hiện tại của gia đình. Được sự tuyên truyền của lãnh đạo xã, lại có thêm kinh phí của tỉnh, huyện hỗ trợ cho gia đình làm nhà, giờ chúng tôi đã có ngôi nhà mới khang trang, có đường bê tông đến trước cửa, gia đình yên tâm, phấn khởi lắm”.
Chị Giàng Thị Pà, thôn Bó Pèng, xã Minh Sơn (Bắc Mê) cũng không giấu nổi niềm vui khi được chuyển đến nơi ở mới. “Với số tiền hỗ trợ của tỉnh, gia đình vay mượn thêm để làm ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp hơn. Trước kia mỗi nhà ở một quả đồi, có việc gì gọi nhau cũng khó. Nay đến đây ở tập trung, không khí xóm làng vui tươi, ấm áp hơn hẳn. Về nơi ở mới có điện lưới thắp sáng, đường xá đi lại dễ dàng, trẻ con đi học cũng gần hơn. Không những thế, gia đình tôi còn được cán bộ xã hỗ trợ tập huấn chăn nuôi, trồng trọt nên gia đình rất tin tưởng về một cuộc sống mới ấm no, đủ đầy hơn” – Chị Pà tâm sự.
Đó là chia sẻ của 2 gia đình đại diện cho hàng nghìn hộ dân được chuyển đến nơi ở mới an toàn và khang trang hơn theo Đề án quy tụ dân cư giai đoạn 2018 – 2020 của tỉnh. Cùng với đó, để tạo điều kiện cho các hộ dân được quy tụ có môi trường sống tốt hơn, yên tâm phát triển kinh tế, hàng trăm công trình phúc lợi xã hội đã được xây mới, sửa chữa, nâng cấp như: Đường giao thông, công trình cấp nước sinh hoạt, trụ sở thôn, công trình thủy lợi…
Theo kế hoạch, cả 2 giai đoạn, từ 2011 đến 2020, Đề án Quy tụ dân cư sẽ giúp gần 10.000 hộ dân sinh sống ở vùng sâu biên giới, vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai chuyển đến nơi ở mới an toàn, yên tâm phát triển kinh tế, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản; góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở các địa phương.
Bài, ảnh: Đ. DŨNG - NG.PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc