Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư tạo động lực giảm nghèo ở Quang Bình
BHG - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW năm 2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”; hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Quang Bình đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo và thúc đẩy KT - XH phát triển.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quang Bình trao thẻ tiết kiệm cho người dân xã Bằng Lang. |
Với một quyết sách hợp lòng dân, ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Huyện ủy Quang Bình đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai đến cán bộ chủ chốt, các phòng, ban, hội, đoàn thể và các xã, thị trấn về nội dung này; nhằm giúp nhân dân tiếp cận với chương trình tín dụng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Trên cơ sở đó, hàng năm, các cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện và các hội, đoàn thể nhận ủy thác cho vay đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng khác. Qua đó, điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc sao cho phù hợp với thực tế từng vùng. Mặc dù còn nhiều khó khăn về thu ngân sách trên địa bàn, nhưng huyện đã cấp ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện (PGD Ngân hàng CSXH huyện) số tiền trên 1,4 tỷ đồng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển kinh tế.
Người dân xã Vĩ Thượng thoát nghèo từ nuôi trâu, bò sinh sản. |
Từ nhiều giải pháp tích cực, đến nay, PGD Ngân hàng CSXH huyện luôn duy trì 64 đầu mối tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác với tổng dư nợ cho vay đạt 297,4 tỷ đồng (tăng 42,1% so với năm 2014), với 8.844 khách hàng; tỷ lệ thu hồi nợ quá hạn đạt 98%. Ngoài ra, 100% xã, thị trấn đảm bảo nơi làm việc cho PGD Ngân hàng CSXH huyện mở điểm giao dịch lưu động 1 buổi/tháng. Thời gian qua, chất lượng hoạt động của 214 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở 135 thôn, tổ dân phố được nâng lên rõ rệt. Quá trình vận động, hướng dẫn, bình xét hộ vay vốn diễn ra công khai, dân chủ, đúng đối tượng; mức vay theo từng chương trình tín dụng và được lồng ghép với các chương trình, dự án như: Thanh niên khởi nghiệp; chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, cây trồng, vật nuôi; nuôi trâu, bò sinh sản… Có thể khẳng định: Quan điểm đột phá của Đảng đã thực sự đi sâu vào cuộc sống, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất của người dân; an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo, tinh thần xây dựng Nông thôn mới được phát huy.
Yên Thành là một trong những xã đưa Chỉ thị số 40 vào thực hiện hiệu quả. Cấp ủy xã coi công tác lãnh, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Do đó, các hội, đoàn thể thường xuyên phối hợp với chi bộ thôn và Tổ TK&VV để quản lý vốn vay. Thông qua ủy thác của các hội, đoàn thể; nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt hơn 18 tỷ đồng, với 410 hộ được vay vốn. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần theo từng năm, hiện còn 154 hộ. Có thể nói, với mạng lưới phục vụ rộng khắp, nguồn vốn đã bao phủ đến tất cả các thôn, bản với đa dạng các chương trình dành cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng công trình nước sạch; vệ sinh môi trường nông thôn...
Chị Long Thị Linh, thành viên Tổ TK&VV thôn Yên Lập, xã Yên Thành bày tỏ: “Trước kia, khi chưa có nguồn vốn vay tín dụng chính sách, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định; nên chỉ chăn nuôi nhỏ, lẻ…, nên nhiều lúc thiếu ăn. Năm 2009, được Ngân hàng CSXH cho vay số tiền 40 triệu đồng, tôi đầu tư mua 2 con trâu, 5 con lợn và vay thêm vốn chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn xây dựng công trình phụ khép kín. Có vốn trong tay, tôi tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn để biết cách phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Dần dà, tôi phát triển đàn trâu lên 5 con, đàn lợn hàng chục con và trả tiền gốc, lãi đúng kỳ hạn. Năm 2014, tôi tiếp tục được bổ sung nguồn vốn vay 50 triệu đồng để trồng 4 ha rừng keo và quế; giờ đây, mức thu nhập bình quân của gia đình đạt khoảng 80 - 100 triệu đồng/năm và tôi đã xây được căn nhà khang trang, sắm sửa tiện nghi phục vụ sinh hoạt thường ngày”.
Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH huyện Quang Bình, Nguyễn Thị Hằng cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, một số cơ sở vẫn chưa thật sự quyết liệt trong việc thực hiện Chỉ thị số 40. Thời gian tới, PGD Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục đẩy mạnh chủ trương huy động nguồn lực tín dụng CSXH; củng cố, kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH của huyện. Đồng thời, mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành và Ngân hàng CSXH xem xét tăng cường nguồn vốn cho hộ nghèo, đối tượng đã thoát khỏi ngưỡng nghèo nhưng còn khó khăn về vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, giúp nhân dân trong huyện có điều kiện thoát nghèo bền vững”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc