Đổi thay ở Đồng Văn

08:56, 22/08/2019

BHG - Nhiều năm trước đây, huyện Đồng Văn được biết đến như một trong những vùng đất nghèo nhất cả nước. Song những năm gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nỗ lực từ chính người dân đã làm cho diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng đổi thay rõ rệt. Các mặt văn hóa, kinh tế, xã hội của huyện đã, đang từng bước được khởi sắc; tạo nên bức tranh tươi mới và đầy sức sống trên vùng Cao nguyên đá.

Lớp xóa mù chữ của phụ nữ thị trấn Đồng Văn.
Lớp xóa mù chữ của phụ nữ thị trấn Đồng Văn.

Những năm qua, sự phát triển đồng đều của Đồng Văn đã chứng minh sự “trở mình thức dậy” của một huyện nghèo nhất cả nước; chỉ tính riêng trong những tháng đầu năm 2019, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt trên 70 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt trên 240 tỷ đồng; hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động... Các chợ thu hút đông đảo người dân đến trao đổi, mua bán; các HTX, tổ hợp tác được thành lập và hoạt động ngày một hiệu quả; tiêu biểu như: Tổ hợp tác Trồng rau màu thôn Séo Lủng B, xã Sảng Tủng; Tổ hợp tác May mặc xã Sủng Là; Tổ hợp tác Thêu dệt trang phục dân tộc thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú; Tổ hợp tác Thêu dệt trang phục thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú..., mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Chợ bò Lũng Phìn.
Chợ bò Lũng Phìn.

Các chương trình mục tiêu Quốc gia được triển khai đồng bộ với các biện pháp giảm nghèo bền vững và từng bước được thực hiện hiệu quả; công tác khám, chữa bệnh ngày càng được quan tâm, chú trọng. 6 tháng đầu năm 2019, đã khám, chữa bệnh cho 22.692 lượt bệnh nhân; cấp phát và quản lý 74.984 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đồng bào DTTS. Về giáo dục, duy trì tốt quy mô phát triển trường, lớp và duy trì tỷ lệ sĩ số học sinh; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Các lớp xóa mù chữ cho phụ nữ DTTS đã góp phần giảm tỷ lệ mù chữ xuống mức thấp nhất. Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xử lý các trường hợp tảo hôn tại các thôn, xã. Tổ chức tuyên truyền Đề án 09 về Bảo tồn văn hóa dân tộc Mông đến người dân; thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo tồn văn hóa các dân tộc Cờ Lao, Lô Lô... Đồng thời, chỉ đạo đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại 100% các trường học trên địa bàn huyện được 558 buổi với 131.783 lượt học sinh tham gia. Công tác giải quyết việc làm, dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm; đẩy mạnh tổ chức các lớp dạy nghề cho thanh, thiếu niên và giải quyết việc làm mới được 2.079 lao động là người DTTS.

Vượt qua những khó khăn, hạn chế về địa hình, giao thông; đồng thời phát huy những thế mạnh của địa phương như sự đặc sắc về văn hóa,... huyện đã đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc; từng bước đưa Đồng Văn trở thành một trong những điểm đáng đến đối với du khách trong và ngoài nước. Hàng năm, những lễ hội lớn đều được lựa chọn và tổ chức thành công; tạo dấu ấn cho du lịch huyện nhà như: Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Ngày hội dân tộc Mông; Lễ hội khèn Mông; Giải Marathon chạy trên cung đường Hạnh phúc...

Thôn Thài Phìn Tủng, xã Thài Phìn Tủng là bức tranh tiêu biểu nhất cho thấy sự khởi sắc của vùng đồng bào DTTS ở Đồng Văn; toàn thôn có 84 hộ với 387 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Cùng chung những khó khăn như nhiều thôn khác trong xã như: Quỹ đất khan hiếm, diện tích đất bằng ít, khó khăn trong phát triển trồng trọt; xã đã định hướng cho người dân trong thôn phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi, đồng thời, giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất thấp để xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm nghèo bền vững, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn đã giảm xuống dưới 50% và là thôn có thu nhập bình quân đầu người cao nhất xã. Anh Sùng Mí Cò, Phó Chủ tịch xã Thài Phìn Tủng cho biết: “Xã đã định hướng cho thôn Thài Phìn Tủng đẩy mạnh phát triển kinh tế chủ yếu là chăn nuôi bò vỗ béo, vừa khắc phục hạn chế về diện tích đất, đồng thời phát huy thế mạnh sẵn có của thôn. Đây sẽ là thôn phát triển toàn diện và chủ lực trong quá trình xây dựng NTM ở Thài Phìn Tủng”.

Cũng giống như thôn Thài Phìn Tủng, rất nhiều thôn, xã khác của huyện vùng cao Đồng Văn đang từng ngày được “thay da, đổi thịt”; diện mạo Nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Là một huyện có trên 90% đồng bào DTTS, đây có lẽ là tín hiệu đáng mừng, là sự mong mỏi chung của nhân dân các dân tộc nơi đây về một tương lai tươi sáng hơn.

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Đòn bẩy" cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Vị Xuyên và Đồng Văn

BHG - Trong những năm qua, việc quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được tỉnh ta đặt lên hàng đầu. Các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS được đẩy mạnh, đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo huyện Vị Xuyên và Đồng Văn thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

 

31/07/2019
Bắc Quang phát huy vai trò đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

BHG - Nhằm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phù hợp để đào tạo nguồn nhân lực, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Từ năm 2014 đến nay, toàn huyện có 23 cán bộ là người DTTS được bầu vào BCH Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020; 22 người là đại biểu HĐND huyện, 464 người là đại biểu HĐND cấp xã, nhiệm kỳ 2016 – 2021; 87 người đang đảm nhiệm các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã.

29/07/2019
Đồng Văn đổi mới tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói về công tác tuyên truyền: "Trong dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lưng chừng, có lớp lạc hậu". Vì vậy, đối với mỗi tầng lớp và đối tượng, Bác yêu cầu: "Phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho lớp đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp...

29/07/2019
Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Quang

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tư tưởng xuyên suốt của Người về "đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống đồng bào" trở thành kim chỉ nam cho công tác chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta nói chung; cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang nói riêng. Và bức tranh khởi sắc vùng đồng bào DTTS huyện Bắc Quang chính là minh chứng sinh động cho việc thấm nhuần tư tưởng cao quý của Người về công tác dân tộc.

 

24/07/2019