Đồng Văn chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Mông
BHG - Đồng Văn là địa phương có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, chiếm tới trên 87% tổng dân số. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã triển khai, vận dụng linh hoạt nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ của T.Ư, tỉnh đầu tư cho vùng đồng bào Mông, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo tồn văn hóa và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần mang lại những đổi thay cho vùng đồng bào dân tộc Mông.
Thành viên Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm xã Sà Phìn có thu nhập khá nhờ bán sản phẩm cho khách du lịch. |
Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, huyện tập trung chuyển diện tích đất bạc màu, thiếu nước sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc; đẩy mạnh cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh thân tạo; vận động người dân vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi hàng hóa, xây dựng các gia trại... Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện thụ tinh nhân tạo cho trên 2.000 con bò, đạt trên 150% kế hoạch và trở thành địa phương dẫn đầu của tỉnh trong thụ tinh nhân tạo đàn bò; có hàng nghìn hộ được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền trên 100 tỷ đồng phát triển chăn nuôi, xây dựng gia trại chăn nuôi.
Từ những chính sách phù hợp, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, đi đầu trong việc phát triển kinh tế, như gia đình ông Dinh Mí Chứ, thôn Sà Lủng, xã Lũng Táo làm giàu từ nuôi bò vỗ béo; hộ ông Vàng Pà Say, thôn Sà Phìn B, xã Sà Phìn nuôi lợn nái sinh sản; ông Vàng Mí Lình, thôn Sáng Ngài, xã Sủng Là và ông Vàng Mí Sính, thôn Xín Mần Kha, xã Lũng Cú với mô hình trồng lê cho thu hoạch trên 100 triệu đồng/năm… Hiện nay, đời sống đồng bào dân tộc Mông được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình trên 6%/năm, có 30/225 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 215/225 thôn có điện lưới Quốc gia, nâng tỷ lệ hộ dân trong vùng đồng bào dân tộc Mông có điện chiếm trên 93%.
Người dân xã Phố Cáo trồng lê theo quy mô hàng hóa. |
Thực hiện Đề án 09 của Tỉnh ủy về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông, huyện Đồng Văn đẩy mạnh việc khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, như: Nghề dệt lanh thổ cẩm xã Lũng Cú, Sà Phìn; chạm khắc bạc, xã Sủng Là; chế tác khèn Mông, xã Hố Quáng Phìn; rèn, đúc lưỡi cày, đan quẩy tấu, may mặc xã Sính Lủng, Sảng Tủng, Tả Lủng, Phố Cáo. Việc đầu tư phát triển làng nghề truyền thống không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn là “cú hích”, động lực giúp đồng bào Mông có việc làm ổn định, tăng thu nhập.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đồng Văn Ly Mí Vàng cho biết: Đồng bào dân tộc Mông luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm thông qua việc triển khai nhiều chương trình, dự án, góp phần làm thay đổi toàn diện đời sống của người dân. Tuy nhiên, trong vùng đồng bào Mông tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn ở mức cao; một bộ phận người dân còn tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nhu cầu đầu tư, hỗ trợ của người dân rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế… đây là những vấn đề lớn mà Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện cần sớm có giải pháp khắc phục.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc