Quản Bạ tạo "đòn bẩy" từ các cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp
BHG - Xác định nông nghiệp là một trong những “mũi nhọn” phát triển kinh tế, trong năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện Quản Bạ đã xây dựng Nghị quyết hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp.
Anh Lê Trung Kiên, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) phát triển đàn ong từ các chính sách hỗ trợ của huyện. |
Thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc:
Nhằm khuyến kkích người dân phát triển các cây, con thế mạnh của địa phương, HĐND huyện Quản Bạ đã ban hành Nghị quyết 32 về mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đề cập đến kinh nghiệm đưa nghị quyết vào cuộc sống, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Hạng Dương Thành cho biết: “Các định hướng trong phát triển KT-XH của tỉnh, huyện sẽ là “xương sống” để đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Để việc hỗ trợ có hiệu quả, kết thúc một năm huyện sẽ rà soát, đánh giá lại các chính sách hỗ trợ trong năm để nhân rộng hoặc hủy bỏ những chính sách không còn phù hợp; dành nguồn lực tập trung hỗ trợ đúng trọng tâm. Để triển khai các chính sách trong năm tiếp theo, ngay sau khi định hình được chính sách, huyện sẽ xin ý kiến của người dân, các xã về dự kiến các chính sách hỗ trợ trong năm, sau đó đề ra nghị quyết và triển khai thực hiện. Việc quan trọng nhất để cho chính sách có hiệu quả là phải phổ biến rộng rãi cho người dân biết, chủ động tham gia đăng ký ngay từ đầu năm. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành của huyện với các xã, thị trấn để thống nhất cách triển khai”. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời điều chỉnh những vướng mắc trong quá trình hỗ trợ. Giúp người dân có kinh phí, không bị lúng túng trong việc huy động nguồn lực cho sản xuất. Năm qua, huyện hỗ trợ tổng kinh phí là trên 5,4 tỷ đồng với 14 nội dung. Trong đó, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy phát triển đàn bò vàng vùng cao là một trong những nội dung trọng tâm, huyện đã có các cơ chế như: Hỗ trợ trồng cỏ với mức 4 triệu đồng/ha và hỗ trợ chuyển đổi diện tích đất dốc, đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Hỗ trợ thụ tinh nhân tạo bò với số vốn là 110 triệu đồng, đã phối giống thành công 506 con bò; góp phần tích cực vào công tác cải tạo chất lượng và tăng số lượng đàn bò. Hỗ trợ xây dựng bể chứa thức ăn cho gia súc vào mùa Đông với mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/bể 4m3, giúp nhân dân xây được 107 bể ở các xã Quyết Tiến, Thanh Vân, Tùng Vài. Anh Lục Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Vân, cho biết: “Các chính sách hỗ trợ đã giúp người dân trong xã được hưởng lợi rất nhiều qua vay vốn ưu đãi để tăng số lượng đàn bò, ngựa, dê. Bên cạnh đó, còn nâng cao việc áp dụng KHKT vào chăn nuôi như được hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho đàn bò, xây bể ủ chua cỏ… qua đó góp phần tích cực trong việc dự trữ thức ăn cho đàn gia súc vào mùa Đông, tăng năng suất, sản lượng và thu nhập từ chăn nuôi”. Qua các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhân dân ủng hộ và có khả năng nhân rộng.
Không chỉ có chăn nuôi bò mà các loại con thế mạnh khác cũng được quan tâm khuyến kích phát triển như: hỗ trợ đầu tư có thu hồi nuôi dê hàng hóa cho 31 hộ ở các xã: Thái An, Nghĩa Thuận, Cán Tỷ với kinh phí 620 triệu đồng. Hỗ trợ đầu tư có thu hồi nuôi ngựa lai, ngựa địa phương và ngựa bạch với số tiền là 620 triệu đồng. Hỗ trợ đầu tư có thu hồi nuôi hươu 144 triệu đồng. Anh Lò Sín Quân, ở xã Quyết Tiến, chia sẻ: “Nhà tôi được hưởng các nguồn vốn vay ưu đãi từ Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, Nghị quyết 32 của HĐND huyện với tiền là gần 1 tỷ đồng để đầu tư chuồng trại, con giống phát triển chăn nuôi bò và hươu sinh sản. Nhờ có nguồn vốn kịp thời đã giúp tôi mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, tăng thu nhập gia đình”.
Phát triển các cây, con thế mạnh:
Bên cạnh đại gia súc, huyện cũng thúc đẩy phát triển các loại cây, con thế mạnh khác như nuôi ong, là loại sản phẩm đặc sản của địa phương, đã đầu tư cho 2 HTX ở xã Thanh Vân phát triển nghề nuôi ong như: hỗ trợ tem, nhãn, quảng bá sản phẩm với số tiền là 340 triệu đồng. Hỗ trợ vùng nguyên liệu phục vụ nuôi ong là trên 244 triệu đồng, nhân dân đã trồng được 34,41 ha hoa Bạc hà ở các xã Quyết Tiến, Thanh Vân, Lùng Tám, Cán Tỷ, Bát Đại Sơn, Thái An. Qua đó, có tác dụng mở rộng vùng nguyên liệu để phát triển nghề nuôi ong ở địa phương.
Việc hỗ trợ người dân thâm canh, tăng năng suất cây trồng với kinh phí trên 2,2 tỷ đồng để mua phân bón cũng được bà con đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, cây dược liệu cũng được hỗ trợ với 4 HTX dược liệu và một số hộ dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô, lúa sang dược liệu. Hỗ trợ trồng Hồng không hạt; làm thí điểm nhà trồng rau an toàn với diện tích 3.500 m2; chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng hoa Tam giác mạch phục vụ phát triển du lịch... là những mô hình đã tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất, khắc phục được những ảnh hưởng của thời tiết, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong phát triển du lịch gắn với các hộ dân phát triển nông nghiệp, dịch vụ.
Thông qua các hoạt động trên đã khẳng định vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh, chỉ đạo đưa các cơ chế, chính sách vào phát triển sản xuất tại địa phương. Các mô hình được hỗ trợ có khả năng nhân rộng, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc