Nhiều chính sách ưu tiên phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ
BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định một trong hai khâu đột phá là: Đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Cụ thể hóa nghị quyết này, tỉnh ta đã triển khai các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ đột phá ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất như: Chương trình hành động số 185/CTHĐ-UBND ngày 03.8.2016 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Chương trình Tiếp sức khởi nghiệp tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định 294/QĐ-UBND ngày 6.3.2017 của UBND tỉnh về việc ban hành chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020, với mục tiêu: Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành, phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Vườn trồng cây Đương quy Nhật Bản của Công ty Cổ phần phát triển công nghệ Hà Giang. Ảnh: PHAN MẠNH |
Theo đó, đối với các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ với mức hỗ trợ tối đa 50% tổng chi phí thực hiện các nội dung theo quy định, nhưng không quá 200 triệu đồng/dự án; đối với dự án hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp KHCN, các doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ để tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường, mức hỗ trợ tối đa 50% tổng chi phí các nội dung thực hiện, nhưng không quá 300 triệu đồng/dự án; đối với dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN, các doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu KHCN có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước cho doanh nghiệp KHCN có nhu cầu, đủ điều kiện ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, mức hỗ trợ tối đa 50% tổng chi phí các nội dung, nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KHCN trên địa bàn tỉnh rất ít, hiện mới chỉ duy nhất 1/hơn 2 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN. Theo Giám đốc Sở KHCN tỉnh, Đàm Xuân Lan: “Mặc dù có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, nhưng việc phát triển các doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Trước hết, để được công nhận doanh nghiệp KHCN, hoạt động chính của doanh nghiệp phải thực hiện sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm hàng hóa được hình thành từ kết quả nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp được quyền sở hữu, hoặc sử dụng hợp pháp. Hiện nay, một số ít doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất trên nền tảng công nghệ có sẵn hoặc thông qua các chương trình, đề tài, dự án KHCN của Nhà nước hỗ trợ trong một số công đoạn sản xuất; chưa có sản phẩm, hàng hóa được hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; sản phẩm không có tính mới, tính sáng tạo; rất ít doanh nghiệp có cơ sở, bộ phận chuyên trách nghiên cứu, ứng dụng KHCN; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, khó tiếp cận các chương trình hỗ trợ do trình tự, thủ tục khá phức tạp; nhiều doanh nghiệp khó khăn về tài chính, nhân lực và thiếu thông tin về hoạt động ươm tạo công nghệ...”.
Ông Vàng Thìn Nghì, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển công nghệ Hà Giang - doanh nghiệp đầu tiên được tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN cho biết: Công ty đang hoạt động trong các lĩnh vực: Tài nguyên – Môi trường; sản xuất nước uống tinh khiết; nghiên cứu và phát triển giống cây dược liệu. Xác định doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì cần đầu tư sâu vào khoa học, kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu thị trường nên công ty đã đầu tư nghiên cứu quy trình sản xuất giống Đương quy Nhật Bản theo phương pháp hữu tính tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ). Bước đầu bắt tay vào thực hiện, công ty gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành nên kết quả nghiên cứu đã được Hội đồng Khoa học tỉnh đánh giá cao; việc phát triển cây Đương quy Nhật sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương; nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời đóng góp đáng kể vào sự nghiệp KHCN của tỉnh”.
Thực tế cho thấy, hiệu quả các ứng dụng KHCN mang lại đối với cuộc sống vô cùng to lớn; trong khi các doanh nghiệp chưa tìm được hướng đi phù hợp, bền vững, ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh để tạo thương hiệu và tính cạnh tranh trên thị trường thì các cấp, ngành cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tham gia các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh; khuyến khích tư nhân đầu tư cho hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KHCN và hỗ trợ các doanh nghiệp đã đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được công nhận doanh nghiệp KHCN.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc