Gỡ "điểm nghẽn" cho dòng vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn
BHG - Nhiều chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh thời gian qua đang ngày càng phát huy hiệu quả, giúp hàng ngàn hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Nhờ nguồn vốn vay từ Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, anh Vũ Thành Duy, tổ 8, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) đã phát triển chăn nuôi trên 100 đàn ong, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả: Nghị định số 55/2015/NĐ- CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến kích khoanh nuôi, bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững; 14 chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách được triển khai tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Nghị quyết 209/2015/NQ - HĐND tỉnh; 2 đề án của UBND tỉnh về đầu tư tín dụng cho các HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 và các HTX sản xuất theo mô hình liên kết với xã viên.
Hiện nay, Hà Giang đang tập trung hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất theo VietGAP, tập trung các chương trình kinh tế trọng tâm và vùng động lực, đặc biệt khuyến khích ưu tiên chương trình khởi nghiệp vì vậy nhu cầu về nguồn vốn để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh là rất lớn. Với lãi suất thấp, mức vay không đảm bảo bằng tài sản được nâng lên, hồ sơ, thủ tục vay vốn được đơn giản hóa, giải ngân nhanh... các chương trình tín dụng trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân tiếp cận nguồn vốn. Năm 2016, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 30% tổng dư nợ, trong đó cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ - CP đạt trên 4.490 tỷ đồng, Nghị quyết 209 đạt 200 tỷ đồng cho trên 1.800 hộ vay... Từ đây, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, cho thu nhập cao. Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Vũ Thành Duy, tổ 8, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) với thu nhập trên 150 triệu đồng/năm là một điển hình. Khởi nghiệp từ việc đầu tư phát triển chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả, nhưng nguồn vốn ít trong khi nhu cầu đầu tư lớn “Khiến cái khó bó cái khôn”. Sau khi tìm hiểu và tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng NN&PTNT với chính sách ưu đãi, anh đã mở rộng trồng cây ăn quả trên diện tích 1,5 ha, xây dựng chuồng trại và nuôi trên 10 con lợn nái, trên 60 con lợn thịt được nuôi gối lứa xuất bán thường xuyên; 5 ao cá trên diện tích 9.000 m2. Đặc biệt, từ nguồn vốn 100 triệu đồng vay theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, Duy đã đầu tư phát triển trên 100 đàn ong. Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, Duy cho biết: “Để phát triển kinh tế quy mô lớn hơn, nhu cầu về nguồn vốn của gia đình tôi rất lớn. Với những nông dân, việc được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi có ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro, quy mô nhỏ lẻ, nguồn thu chưa nhiều, nếu phải vay vốn theo lãi suất thị trường thì nhiều hộ dân không chịu nổi”.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong vệc triển khai, giải ngân các nguồn vốn tín dụng theo chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đáp ứng cơ bản nhu cầu về vốn vay của khách hàng, triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN Việt Nam, UBND tỉnh giúp nhiều gia đình có vốn để đầu tư sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, đầu tư cơ sở, xây dựng trang trại, sản xuất hàng nông sản.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của địa phương như: Phát triển cây cam, chè, dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, nuôi ong... những chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã giúp tháo gỡ “Điểm nghẽn” để dòng vốn chảy về khu vực nông thôn hiệu quả, góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc