Bắc Mê chậm giải ngân nguồn vốn theo Nghị quyết 209

08:52, 15/03/2017

BHG - Ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành của huyện Bắc Mê đã và đang tích cực triển khai Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh về đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa. Trong đó, công tác giám sát hiệu quả nguồn vốn cho vay được đặc biệt chú trọng; qua đó, đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước trên địa bàn huyện vẫn còn chậm, chưa phát huy hiệu quả.

Theo tổng hợp, triển khai Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, đợt 1 toàn huyện Bắc Mê có 1.529 hộ dân đăng ký vay vốn để sản xuất. Trong đó, chủ yếu là phát triển chăn nuôi trâu, bò và phát triển đàn ong mật với tổng nguồn vốn đăng ký là gần 126 tỷ đồng. Trên cơ sở nhu cầu đăng ký của nhân dân, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn tự rà soát các hộ đủ điều kiện gửi về huyện. Trong tổng số 1.529 hồ sơ đăng ký của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn 13 xã, thị trấn đã được Tổ thẩm định của huyện, UBND xã tiến hành thẩm định. Qua thẩm định, có 226/1.529 hồ sơ đủ điều kiện vay vốn, với tổng vốn đăng ký là trên 20 tỷ đồng và đã được UBND huyện phê duyêt. Tính đến 24.12.2016, trong số 226 hộ đủ điều kiện vay vốn, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đã tiến hành giải ngân được 173 hộ với số tiền 14 tỷ 800 triệu đồng (trong đó: vay mua trâu, bò: 170 hộ bằng 14 tỷ 500 triệu đồng; vay nuôi ong: 3 hộ bằng 300 triệu đồng). Qua kiểm tra việc sử dụng vốn vay sau giải ngân: Số trâu, bò phải mua theo số tiền đã giải ngân là 725 con. Nhưng số trâu, bò đã mua hiện chỉ được 335 con. Bà Phan Thị Bình, thôn Nà Nưa 2, xã Đường Hồng cho biết: Gia đình tôi vay vốn 100 triệu đồng để phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh ngoài việc không còn dư nợ với các ngân hàng, có chuồng trại kiên cố và đã trồng cỏ chăn nuôi thì gia đình tôi phải có tài sản đảm bảo là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nộp vào ngân hàng.

Tổ công tác kiểm tra việc sử dụng vốn vay sau giải ngân tại gia đình ông Trần Văn Và, thôn Nà Ngoòng, xã Minh Sơn.
Tổ công tác kiểm tra việc sử dụng vốn vay sau giải ngân tại gia đình ông Trần Văn Và, thôn Nà Ngoòng, xã Minh Sơn.

Như vậy, việc thẩm định và giải ngân nguồn vốn vay của huyện Bắc Mê đạt thấp so với các địa phương trong toàn tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là người dân còn thiếu chủ động, chưa nghiên cứu kỹ quy định vay theo Nghị quyết 209; do trình độ truyền đạt của cán bộ cơ sở còn hạn chế dẫn đến một số hộ chưa hiểu được chính sách hoặc hiểu chưa đúng về chính sách. Trong số hộ gia đình, cá nhân đăng ký vay vốn, thì phần lớn đã dự nợ tại Ngân hàng CSXH, do đó sẽ hạn chế việc tiếp cận nguồn vốn vay để sản xuất hàng hóa; một số hộ tuy đủ điều kiện vay vốn và đã được UBND huyện phê duyệt, nhưng khi giải ngân lại không vay vốn; công tác phối hợp giữa các phòng chuyên môn của UBND huyện và Ngân hàng NN&PTNT chưa được chặt chẽ. Việc giải ngân của ngân hàng còn cứng nhắc khi yêu cầu người nông dân phải có cỏ đã trồng cho thu hoạch, chuồng trại phải kiên cố thì mới giải ngân...

Ông Lý Hải Vĩnh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Công tác tổ chức thẩm định gặp nhiều khó khăn, Tổ thẩm định chủ yếu là cán bộ Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT; cán bộ Phòng NN&PTNT và các thành phần ở xã, thôn; trong khi đội ngũ cán bộ ít, hồ sơ đăng ký vay vốn lớn. Mặt khác, số hộ đăng ký vay vốn sống rải rác, không tập trung, giao thông đi lại khó khăn, mà công tác thẩm định đòi hỏi phải đến thực tế từng gia đình, do đó tiến độ thẩm định chậm.

Theo Nghị định 55/2015 của Chính phủ về cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì các hộ cần có tài sản đảm bảo. Như vậy nếu như các hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay các gia đình đang còn dư nợ tại ngân hàng thì sẽ không được tiếp cận với chính sách. Do đó, nhiều gia đình mong muốn ngân hàng cần có phương án đảm bảo để khuyến khích người nông dân. Bên cạnh đó cũng cần tiếp tục xem xét giải ngân nguồn vốn cho vay tại trụ sở các xã, thị trấn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nông dân. Ngoài những vấn đề trên thì việc sắp xếp thứ tự ưu tiên để giải ngân cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Công tác tuyên truyền, triển khai chính sách đã được huyện, xã triển khai đến thôn, bản. Tuy nhiên do trình độ tiếp thu của nhân dân và truyền đạt của cán bộ cơ sở còn hạn chế, một số hộ chưa hiểu được chính sách hoặc hiểu chưa đúng về chính sách, dẫn đến tình trạng đăng ký ồ ạt, khó khăn cho công tác thẩm định. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai thẩm định tại các xã thị trấn. Đồng thời, sau khi kết thúc công tác thẩm định sẽ tổ chức giải ngân theo hình thức quấn chiếu, tránh tình trạng dàn trải...

Để thực hiện tốt Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, các cấp, các ngành của huyện cần phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Bên cạnh đó, làm tốt công tác sàng lọc theo phương châm “chậm mà chắc”, không chạy theo thành tích, đảm bảo lựa chọn chính xác các đối tượng được vay và quản lý tốt nguồn vốn để Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả tích cực đối với nền sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Mê.

Bài, ảnh: Văn Quân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn nỗ lực cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo

BHG - Xác định phát triển chăn nuôi là một trong hướng đi chính,  nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và là thế mạnh của địa phương. Trong những năm gần đây, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp gắn với việc lồng ghép, vận dụng linh hoạt các chương trình, chính sách mới nhằm phát triển đàn gia súc.

30/09/2016
Động lực cho người dân Bắc Mê phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa

BHG- Xác định các chính sách được quy định trong Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND ngày 10.12.2015 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 209) chính là động lực mạnh mẽ để nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa; nên trong thời gian qua, UBND huyện Bắc Mê đã và đang tích cực đẩy mạnh tiến độ thực hiện các nội dung của nghị quyết. 

30/06/2016
"Dồn điền - đổi thửa",chủ trương hợp lòng dân ở Quang Bình

BHG- Trong những năm qua, huyện Quang Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực KT-XH; sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển toàn diện, cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác từng bước được nâng cao. 

30/03/2016
Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp - cần song hành với cải cách hành chính

BHG- Đa phần các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông – lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đều cho rằng: Tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, mời gọi, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Nhưng...  các thủ tục hành chính để doanh nghiệp khởi động các dự án đầu tư còn rất rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

25/05/2016