Chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp nghề
BHG- Ngày 20.10.2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 53 về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên (HSSV) học Cao đẳng, trung cấp nghề. Đối tượng thụ hưởng chính sách là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật hoặc tốt nghiệp ở các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT). Quyết định chính thức được áp dụng từ năm học 2016 - 2017; thời gian hỗ trợ là 11 tháng/năm. Điều này đã mở ra cơ hội nhằm khuyến khích, tạo động lực giúp HSSV có thêm điều kiện đi học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên vùng đất khó.
Giờ thực hành sửa chữa ô-tô của học sinh Trường Cao đẳng Nghề. |
Để triển khai, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm học, cùng với việc ra thông báo tuyển sinh; Trường Cao đẳng nghề Hà Giang đã có công văn gửi các huyện, thành phố chủ động phân cử cán bộ xuống các huyện, xã, cơ sở giáo dục trong tỉnh tuyên truyền cơ chế, chính sách học nghề. Tiến hành các bước lập kế hoạch, lên phương án chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất để thành lập Khoa nội trú nhằm triển khai đảm bảo các quyền, lợi ích cho các em HSSV đến đăng ký theo học tại trường.
Trong năm học mới 2016 - 2017, tính đến hết tháng 9.2016, nhà trường đã tuyển sinh được 135 HSSV theo học ở hai hệ cao đẳng và trung cấp nghề (Hiện tại nhà trường vẫn đang tiếp tục tiếp nhận hồ sơ, xét tuyển HSSV có nhu cầu học nghề vào các tháng trong năm cho các hệ đào tạo). Trong số các em mới tuyển sinh, có 50 em là người DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật được hưởng 100% mức tiền lương cơ sở/tháng, tương đương với số tiền 1 triệu 210 nghìn đồng/tháng/em; có 11 em tốt nghiệp ở các Trường phổ thông DTNT, học sinh là dân tộc kinh là người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện KT - XH khó khăn, vùng biên giới được hưởng 80% mức tiền lương cơ sở/tháng, tương đương với số tiền 968 nghìn đồng/tháng/em theo Quyết định số 53 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, HSSV còn được hỗ trợ các khoản khác như được hỗ trợ một lần số tiền 1 triệu đồng/khóa đào tạo để mua đồ dùng cá nhân như: Chăn, màn, chiếu, áo mưa và quần áo bảo hộ lao động theo nghề đào tạo; mỗi HSSV ở vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn được hỗ trợ mỗi năm một lần tiền đi lại từ nơi học về gia đình và ngược lại với số tiền 300 nghìn đồng; hỗ trợ 150 nghìn đồng đối với những em ở lại trường trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng đó, Trường Cao đẳng nghề Hà Giang đã áp dụng linh hoạt theo Nghị định số 86, ngày 2.10.2015 của Chính phủ quy định về việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với HSSV đang theo học tại trường với tổng số 263 em ở cả hệ cao đẳng và trung cấp nghề. Việc triển khai, áp dụng kịp thời chính sách đối với các em HSSV nội trú học cao đẳng, trung cấp nghề đã khuyến khích, tạo thêm động lực giúp các em học tập, vươn lên trong cuộc sống.
Em Vi Chính Nhất, Dân tộc Pố Y, thôn Tân Tiến, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) thuộc diện hộ nghèo và đã tốt nghiệp Trường phổ thông DTNT cấp II - III Yên Minh. Năm học 2016 - 2017, em nộp hồ sơ xét tuyển vào học tại Trường Cao đẳng nghề Hà Giang với ngành nghề Công nghệ ô-tô tâm sự: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế để đi học xa nhà là không thể, được cấp ủy, chính quyền xã phổ biến chính sách hỗ trợ học nghề; em rất vui và đã làm hồ sơ đăng ký đi học ngay. Học ở Trường Cao đẳng nghề không mất tiền ăn, ở do có hỗ trợ từ chính sách của Đảng, Nhà nước, lại được tiền mua đồ dùng sinh hoạt cá nhân; em rất vui và thấy rằng mình cần phải nỗ lực, phấn đấu học tập tốt hơn để sau này ra trường có nghề nghiệp ổn định, phụ giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Kết thúc khóa học, nhà trường còn phối hợp với các doanh nghiệp, công ty ở trong và ngoài tỉnh đến tư vấn, giới thiệu việc làm. Đây thực sự là cơ hội tốt để em vững tin hơn trên con đường lập nghiệp”.
Em Lầu Thị Chủ, dân tộc Lô Lô ở thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú (Đồng Văn) vừa nằm trong diện hộ nghèo, vừa là dân tộc ít người đang theo học chuyên ngành Thú y tại Trường Cao đẳng nghề chia sẻ: “Biết được thông tin năm học mới 2016 - 2017 có chính sách hỗ trợ cho các em HSSV học cao đẳng, trung cấp nghề; gia đình đã động viên em đi học nghề. Mỗi tháng em được hỗ trợ tổng số tiền 1 triệu 210 nghìn đồng và 1 triệu đồng để mua đồ dùng cá nhân trong cả khóa học. Đây là số tiền lớn và thật sự ý nghĩa đối với một sinh viên nghèo như em, nhất là khi phải sống xa gia đình. Nguyện vọng của em là sẽ cố gắng học tập để sau này ra trường có thể áp dụng những kiến thức được học vào chính công việc của gia đình mình trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc của người dân trong thôn, xã khi cần”...
Nói về những tác động tích cực của chính sách nội trú đối với HSSV học cao đẳng, trung cấp nghề mang lại, đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Giang cho rằng: Chính sách nội trú với HSSV học cao đẳng, trung cấp nghề mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ chính sách này, đã thu hút nhiều em học sinh học ở các Trường phổ thông DTNT ở vùng cao, vùng biên giới của tỉnh đi học nghề, nâng cao trình độ văn hóa để có thêm động lực, vững tin hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp.
MINH KHAI
Ý kiến bạn đọc