Hợp đồng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng người địa phương – chính sách mới của huyện Đồng Văn
HGĐT- Nhằm tạo điều kiện, khuyến khích con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tích cực đi học nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn; giảm áp lực sinh viên theo học các trường cao đẳng, đại học về không bố trí được việc làm do không có biên chế, tháng 4.2013, huyện Đồng Văn triển khai thực hiện chính sách hợp đồng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng là người địa phương vào làm việc tại các cơ quan, ban, ngành cấp huyện và các xã, thị trấn. Đây là chính sách mới, mở ra cơ hội cho nhiều sinh viên được trải nghiệm, có thêm những kinh nghiệm từ thực tế công việc mình làm để có cơ sở ưu tiên trong các đợt xét tuyển, thi tuyển công chức huyện, xã.
Sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng là người địa phương ưu tiên xét hợp đồng lao động được huyện Đồng Văn giới hạn cụ thể đối với những trường hợp là con em đồng bào các dân tộc đã sinh sống lâu đời tại huyện Đồng Văn; là con của cán bộ có cả bố và mẹ công tác và sinh sống tại huyện Đồng Văn có thời gian từ 25 năm trở lên, có thời gian học phổ thông ở huyện từ bậc Tiểu học đến khi tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT. Trên cơ sở các sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành, huyện tổ chức ký hợp đồng và bố trí công tác tại phòng, ban của huyện và các xã, thị trấn phù hợp với chuyên ngành được đào tạo. Về chế độ chính sách, huyện Đồng Văn vận dụng theo Nghị định 204/2004, ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp đại học được hưởng 100% mức lương bậc 1, hệ số 2,34 và phụ cấp khu vực là 0,7; sinh viên tốt nghiệp cao đẳng được hưởng 100% mức lương bậc 1, hệ số 2,10 và phụ cấp khu vực 0,7. Nguồn kinh phí trên được huyện cân đối, trích từ ngân sách huyện chi trả.
Để theo dõi, quản lý tốt số sinh viên hợp đồng, hàng năm các sinh viên hợp đồng phải làm báo cáo kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác năm có xác nhận của thủ trưởng cơ quan nơi mình công tác và gửi về Ban Tổ chức, Phòng Nội vụ huyện đánh giá, theo dõi. Đối với những sinh viên hợp đồng từ 6 tháng trở lên, có kết quả đánh giá sau thời gian hợp đồng thử việc hoặc đinh kỳ hàng năm từ mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên sẽ được ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển tại các đợt tuyển dụng công chức cấp huyện, xã khi có biên chế được tỉnh giao; những sinh viên hợp đồng về công tác tại xã, huyện nếu trong 2 lần đánh giá kết quả nơi công tác ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan ký hợp đồng làm việc sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng; những sinh viên hợp đồng tự ý bỏ việc thì phải hoàn trả lại các khoản chi phí về đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian hợp đồng và không được ưu tiên trong các đợt thi tuyển, xét tuyển dụng công chức huyện, xã. Trong quá trình các sinh viên làm hợp đồng, Ban Tổ chức Huyện ủy, Phòng Nội vụ huyện có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đảm bảo cho những đối tượng hợp đồng nhanh chóng tiếp cận với công việc, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thực tế cho thấy, chính sách hợp đồng lao động này là điều kiện tốt cho các sinh viên được trải nghiệm, vận dụng những kiến thức được học vào thực tế công việc. Em Vương Thị Kim Thoa, sinh năm 1990, dân tộc Lô Lô, xã Lũng Cú, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tài chính kế toán Hà Nội năm 2011, đủ tiêu chuẩn được huyện hợp đồng vào làm việc tại Phòng Lao động & TBXH huyện. Nhiệm vụ chính của Thoa là thẩm định hồ sơ, theo dõi chi trả tiền trợ cấp; theo dõi cắt, giảm, điều chỉnh hệ số lương, sử dụng BHYT cho các đối tượng bảo trợ xã hội; chi trả chế độ chính sách cho người có công trên địa bàn. Do được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành nên Thoa đã nhanh chóng tiếp cận với công việc, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Ước muốn của em là sẽ phấn đấu, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ để được ưu tiên xét tuyển vào biên chế chính thức.
Cũng như em Thoa, em Vừ Thị Chá, sinh năm 1984, dân tộc Mông ở thị trấn Phó Bảng, tốt nghiệp Trường Đại học Công tác xã hội (hệ tại chức) được huyện hợp đồng vào là việc ở MTTQ thị trấn Đồng Văn. Nhiệm vụ chính là không chỉ giúp mặt trận xây dựng báo cáo tháng, quý, năm; soạn thảo văn bản chỉ đạo của cấp trên gửi cho các thôn bản mà còn hỗ trợ làm những việc khác cho cả khối Hội đặc thù (Hội người cao tuổi, Khuyến học, Cựu chiến binh), những Hội này đều là những người có tuổi cao, hạn chế trong soạn thảo văn bản bằng máy tính. Em Chá tâm sự: “Làm việc ở Khối đoàn thể gồm nhiều lĩnh vực từ việc lên kế hoạch kiểm tra, giám sát đến tuyên truyền vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giải quyết đơn thư, khiếu nại, hòa giải tại cơ sở... công việc nhiều vất vả nhưng bù lại em cảm thấy vui vì học xong ra trường có việc làm, được đem kiến thức học ở trường về phục vụ cho công việc, mình làm nhiều thì biết nhiều, có vất vả mới trưởng thành được. Em rất mong trong thời gian tới, huyện tiếp tục bồi dưỡng, giúp em ngày một trưởng thành, có điều kiện làm việc, cống hiến lâu dài cho quê hương”. Cùng với việc tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng là người địa phương, huyện Đồng Văn cũng đã có phương án, kế hoạch nâng cao năng lực công tác cho cán bộ, công chức hiện nay chưađược đào tạo đạt chuẩn: Đối với những cán bộ có độ tuổi 40 trở xuống chưa có trình độ chuyên môn đạt chuẩn thì tiếp tục cho đi học, đào tạo chuyên môn; những cán bộ có tuổi đời trên 40 tuổi chưa có trình độ chuyên môn đạt chuẩn thì tiếp tục làm việc cùng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng được ký hợp đồng, cho tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, đến khi đủ tuổi về hưu thì bố trí cán bộ dự nguồn là những sinh viên hợp đồng thay thế.
Việc huyện Đồng Văn ký hợp đồng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng là người địa phương vào làm việc tại các cơ quan ban, ngành của huyện, xã là chính sách hợp lòng dân, không chỉ làm giảm áp lực cho các em sinh viên mới ra trường, khuyến khích các em đi học mà còn nâng cao được chất lượng đội ngũ cán bộ. Đây là chủ trương lớn cần được duy trì và phát huy, nhất là đối với một huyện nghèo, dân trí còn hạn chế như Đồng Văn.
Ý kiến bạn đọc